Những chính sách tài chính quan trọng có hiệu lực từ tháng 11/2021

13:55 19/01/2023
Cỡ chữ

Tháng 11/2021 là tháng có nhiều chính sách về tài chính mới có hiệu lực như: Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa; Sửa quy định về phân loại doanh nghiệp để đánh giá xếp loại doanh nghiệp nhà nước (NSNN); Hướng dẫn hạch toán các khoản phát hành vào NSNN; Nguyên tắc ghi nhận doanh thu Quỹ đầu tư phát triển địa phương… Tạp chí điện tử Kế toán và Kiểm toán xin điểm lại một số chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực trong tháng 11.

Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác).

Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa

Có hiệu lực từ ngày 01/11/2021, Thông tư số 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN như sau: Cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại theo quy định về thuế TNDN kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ (Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008; Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013; Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016).

Đối với cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế TNDN còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế TNDN phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên. 

Cơ sở trên nếu có thuế TNDN phát sinh tại mục sẽ không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền TNDN tạm thời chưa truy thu cho đến 01/11/2021. Từ ngày 02/11/2021, cơ sở chưa nộp số thuế TNDN tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).

Sửa quy định về phân loại doanh nghiệp để đánh giá xếp loại doanh nghiệp nhà nước

Thông tư số 77/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/11/2021 sửa đổi Thông tư số 200/2015/TT-BTC hướng dẫn nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DNcó vốn nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Theo Thông tư số 77/2021/TT-BTC, cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ vào danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để phân loại DN. 

Đối với DN an ninh quốc phòng, cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) quyết định phân loại DN cụ thể đối với từng DN. Việc phân loại DN để thực hiện đánh giá xếp loại DN được Cơ quan đại diện chủ sở hữu nêu cụ thể trong quyết định giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm cho từng DN.

Với trường hợp là DN hoạt động kinh doanh thì xếp loại DN theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP. Trường hợp là DN thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì xếp loại DN theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP .

Hướng dẫn hạch toán các khoản phát hành vào NSNN

Thông tư số 79/2021/TT-BTC sửa đổi Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 81/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 110/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước và Thông tư số 342/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật NSNN do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2021.

Theo đó, việc hạch toán, kế toán các khoản phát hành, hoán đổi, mua lại công cụ nợ trong nước vào NSNN được quy định như sau: Các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc được hạch toán kế toán theo giá trị mệnh giá; Trường hợp có phát sinh chênh lệch giá bán trái phiếu, tín phiếu Kho bạc so với giá trị mệnh giá, chênh lệch giữa giá trị mệnh giá gốc trái phiếu được mua lại so với giá mua lại thì số chênh lệch được kế toán theo dõi trên tài khoản riêng.

Bên cạnh đó, đối với các khoản phát sinh chênh lệch giá trị mệnh giá của trái phiếu bị hoán đổi so với trái phiếu được hoán đổi, kế toán không hạch toán vào thu, chi NSNN; trường hợp chênh lệch dương thì hạch toán giảm dư nợ vay của ngân sách, trường hợp chênh lệch âm thì hạch toán tăng dư nợ vay của ngân sách ngay sau khi thực hiện hoán đổi trái phiếu.

Hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục 

Ngày 04/10/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông.

Theo đó, nội dung chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông bao gồm: Chi tạo lập mới hoặc thuê hệ thống quản lý học tập trực tuyến; Chi điều tra, khảo sát xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng; Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị có liên quan; Chi biên soạn, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng mới; Chi số hóa tài liệu phục vụ tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến;…

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế và dự toán được cấp có thẩm quyền phân bổ hàng năm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến, chủ trì tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng quyết định các mức chi cụ thể cho phù hợp; đồng thời phải đảm bảo sắp xếp kinh phí để thực hiện theo đúng nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao và trong phạm vi dự toán được phân bổ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/11/2021.

Tiếp tục áp dụng chế độ bồi dưỡng cán bộ theo Thông tư số 75/2019/TT-BTC

Có hiệu lực từ ngày 20/11/2021 và áp dụng từ năm ngân sách 2021, Thông tư số 84/2021/TT-BTC ngày 04/10/2021 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn NSNN thực hiện hoạt động khuyến nông.

Theo đó, chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư 75/2019/TT-BTC được áp dụng cho đến khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN. Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 75/2019/TT-BTC, chế độ trên chỉ được thực hiện đến hết năm 2020.

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Thông tư số 86/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/11/2021 và áp dụng cho năm tài chính 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 06/10/2021 hướng dẫn Nghị định số 147/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Theo đó, các khoản thu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương phải được xác định phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu…

Các khoản cam kết chi NSNN phải được hạch toán bằng đồng Việt Nam

Ngày 11/10/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 89/2021/TT-BTC về việc quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước. Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/11/2021.

Theo đó, Thông tư quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước đối với tất cả các khoản chi thường xuyên sử dụng kinh phí NSNN được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao dự toán NSNN hằng năm có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên được thực hiện và thanh toán từ 2 năm ngân sách trở lên.

Ngoài ra, tất cả các khoản chi đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao kế hoạch vốn hằng năm có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 1.000 triệu đồng trở lên cũng là đối tượng quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước.

Cụ thể, các khoản cam kết chi NSNN phải được hạch toán bằng đồng Việt Nam, các khoản cam kết chi NSNN bằng ngoại tệ được theo dõi theo nguyên tệ, đồng thời được quy đổi ra đồng Việt Nam. Với hợp đồng đã thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi, nếu điều chỉnh giá trị hợp đồng dẫn đến phải điều chỉnh số tiền đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách phải làm thủ tục điều chỉnh cam kết chi với Kho bạc Nhà nước.

Chúc Vinh (t/h)

Sudo Ecommerce
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo