Luật Kế toán được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Đây là văn bản pháp lý cao nhất cho việc thực hiện công tác kế toán của nước ta. Để triển khai Luật Kế toán, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định, trong đó có Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới và tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 39 Thông tư, quy định về Chế độ kế toán, Chuẩn mực kế toán và tổ chức quản lý nhà nước về công tác kế toán cũng như kiểm tra, giám sát đã góp phần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn cũng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện công tác kiểm toán (cả Kiểm toán nhà nước cũng như Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ), giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước, tạo cơ chế công khai, minh bạch các báo cáo tài chính; cải tiến việc tổ chức đào tạo chuyên ngành kế toán tại các trường đại học, các cơ sở đào tạo và đẩy mạnh hoạt động của các hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua thực tiễn thi hành và qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cũng cho thấy Luật Kế toán và công tác kế toán ở Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế: (1) Trong bối cảnh Việt Nam có kế hoạch áp dụng IFRS và sửa đổi Chuẩn mực quốc gia theo định hướng IFRS, việc thiếu khuôn khổ pháp lý để thừa nhận việc áp dụng IFRS cũng như còn nhiều xung đột giữa cơ chế tài chính và chuẩn mực kế toán đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập và trình bày BCTC của các doanh nghiệp. (2) Cách mạng công nghệ cùng với yêu cầu của quá trình số hóa, nhất là quá trình chuyển đổi số, dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế. Mặc dù các giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các pháp luật chuyên ngành khác, tuy nhiên Luật Kế toán chưa có những quy định để đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số, như các quy định về chứng từ kế toán điện tử, lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán cần được quy định chủ yếu trên phương diện điện tử. (2) Luật Kế toán quy định tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau khi ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính. Đây là quy định nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm phản ánh đầy đủ giá trị của tài sản và nợ phải trả. Tuy nhiên trong thực tế triển khai, còn nhiều các vướng mắc để tổ chức thực hiện, theo đó cần được xác định rõ các điều kiện liên quan để có thể thực hiện được việc ghi nhận theo giá trị hợp lý. (4) Các quy định về nội dung công tác kế toán, từ khâu chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị; đơn vị kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, tiêu chuẩn điều kiện của người làm kế toán, tiêu chuẩn điều kiện của kế toán trưởng đã phát sinh vướng mắc cần được rà soát, đánh giá để quy định phù hợp...