Bị Kiểm toán Nhà nước "điểm tên", nợ xấu tại OCB, BVBank hiện ra sao?
BVBank, OCB tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV chỉ ra thực tế một loạt ngân hàng cho vay vượt trần tín dụng tối đa được NHNN cấp phép đầu năm.
Cụ thể liên quan đến hoạt động cấp tín dụng năm 2021, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, NHNN chưa có văn bản quy định cụ thể về điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng với từng nhà băng.
Việc này dẫn đến một số nhà băng có mức tăng tín dụng vượt trần tối đa do NHNN cấp phép. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank - mã: BVB) tăng tín dụng vượt trần gần 2,2%.
Riêng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này vượt mức tối đa cho phép tại thời điểm cuối các tháng 7, 8, 9 và 10.
Đặc biệt, trái ngược với mức tăng trưởng đột biến về cho vay trong các năm qua, tình hình tăng trưởng tín dụng của ngân hàng OCB và BVBank lại diễn biến trái chiều trong các tháng đầu năm 2023.
Tại BVBank, trong 3 tháng đầu năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành chậm so với cùng kỳ năm trước, song dư nợ tín dụng của BVBank vẫn tăng tới 5% so với cuối năm 2022 (trong khi toàn ngành chỉ tăng 2,06%) và tăng 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 53.532 tỷ đồng.
Còn tại ngân hàng OCB tăng trưởng tín dụng khá ảm đạm và thậm chí thấp hơn nhiều mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Theo đó, tính đến 31/3/2023, tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng thêm hơn 2.110 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 121.913 tỷ đồng, tương đương mức tăng vỏn vẹn 1,76%.
Trần tăng trưởng tín dụng hay "room" tăng trưởng tín dụng là chỉ tiêu được NHNN giao đầu năm cho từng ngân hàng và là mức tăng trưởng tối đa mà các ngân hàng được phép thực hiện trong hoạt động cho vay trong năm.
Ở một diễn biến có liên quan, trên nghị trường Quốc hội, Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhìn nhận cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại còn dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và có lẽ không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là nội dung trọng tâm trong điều hành của NHNN. Khi nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thì mỗi khi gặp cú sốc như COVID-19, như biến động tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, điều này sẽ lập tức ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Khi hệ thống ngân hàng có vấn đề, mất khả năng chi trả... sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Thống đốc cho rằng, vấn đề đặt ra là kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Trên thực tế, NHNN đã áp dụng việc cấp hạn mức tín dụng từ những năm 2011 và thấy đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành. Chính vì vậy mới đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại. Trước đây, trong thời gian khi không có chỉ tiêu kiểm soát, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, tới hơn 30%/năm, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%. Như vậy, nó tạo ra cuộc đua lãi suất huy động để có nguồn tiền cho vay.
"Đây là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện vẫn áp dụng khi hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, tiếp cận chuẩn mực quốc tế", Thống đốc khẳng định.
Nợ xấu tại OCB, BVBank ngày càng tăng
Soi trong báo cáo tài chính của OCB dễ dàng nhận ra, tổng nợ xấu bao gồm cả nợ có khả năng mất vốn ngày càng tăng kể từ năm 2017 đến nay.
Từ năm 2017 đến 2022, cặp chỉ tiêu nợ xấu - nợ có khả năng mất vốn và tỷ lệ nợ xấu của OCB lần lượt là 864 tỷ đồng - 572 tỷ đồng - 1,79% (năm 2017); 1.288 tỷ đồng - 676 tỷ đồng - 2,28% (năm 2018); 1.308 tỷ đồng - 732 tỷ đồng - 1,84% (năm 2019); 1.509 tỷ đồng - 697 tỷ đồng - 1,69% (năm 2020); 1.349 tỷ đồng - 733 tỷ đồng - 1,32% (năm 2021); 2.671 tỷ đồng - 1.375 tỷ đồng - 2,2% (năm 2022).
Tính đến 31/3/2023, tổng nợ xấu tại OCB tăng vọt hơn 51% so với đầu năm, lên tới 4.045 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 54% lên hơn 1.030 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng tới 55% lên hơn 970 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ghi nhận hơn 2.043 tỷ đồng, tăng tới 49%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng mạnh từ 2,2% hồi đầu năm lên tới 3,3% (vượt mức quy định của NHNN).
Tại BVBank, từ năm 2021 đến nay đều ghi nhận nợ xấu bao gồm nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ xấu tại BVBank đạt 1.176 tỷ đồng, tăng so với con số 1.112 tỷ đồng hồi cuối năm 2020; chiếm 2,54% tổng dư nợ tín dụng; nợ có khả năng mất vốn tăng từ 760 tỷ đồng lên 824 tỷ đồng.
Tới cuối năm 2022, nợ xấu lên tới 1.419 tỷ đồng, tăng 243 tỷ đồng so với năm 2021, tương đương tăng 21%; chiếm 2,79% tổng dư nợ tín dụng; nợ có khả năng mất vốn tăng từ 824 tỷ đồng lên gần 862 tỷ đồng.
Kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,53% năm 2021 lên 2,79% năm 2022.
Trong quý đầu năm 2023, nợ xấu tại BVBank cũng tăng không kém.
Tại ngày 31/3/2023, BVBank ghi nhận nợ xấu đạt 1.566 tỷ đồng, chiếm 2,93% tổng dư nợ tín dụng; tăng 147 tỷ đồng, tương đương 10,4% so với cuối năm 2022. Kéo tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,93%
Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2021, nợ xấu của BVBank tăng hơn 400 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 40%; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,53% lên 2,93%.
Huy Tùng - Lê Thanh/kinhtexaydung.petrotimes.vn
Nguồn: Bị Kiểm toán Nhà nước "điểm tên", nợ xấu tại OCB, BVBank hiện ra sao?