VN-Index ngày 22/4 có thể hướng tới điểm cân bằng mới

Thiên Ân Thứ hai, 21/04/2025 22:03 (GMT+7)

VN-Index tiếp tục giằng co và tìm kiếm điểm cân bằng mới, duy trì quanh mức 1.200 điểm; với sự phân hóa mạnh trong các ngành và nhóm cổ phiếu, trong bối cảnh tâm lý thận trọng và áp lực bán gia tăng.

Sau khi trải qua tuần chịu áp lực điều chỉnh tại vùng giá 1.240 điểm, VN-Index tiếp tục ghi nhận diễn biến không mấy tích cực trong phiên đầu tuần (ngày 21/4), dưới tác động của nhóm dịch vụ tài chính và các cổ phiếu thuộc VN30. Tuy nhiên, chỉ số đã phục hồi nhẹ tại vùng hỗ trợ tâm lý quan trọng 1.200 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 12,05 điểm (-0,99%), đóng cửa ở mức 1.207,07 điểm, duy trì trên mốc 1.200 điểm. VN30 cũng không tránh khỏi đà giảm khi giảm 11,95 điểm (-0,91%) về mức 1.294,29 điểm, tiếp tục nằm dưới ngưỡng kháng cự của đường trung bình giá 200 phiên ở mức 1.320 điểm.

Độ rộng thị trường trên HOSE nghiêng về chiều giảm, với 339 mã giảm điểm và chỉ 181 mã tăng. Các cổ phiếu thuộc VN30 chủ yếu có xu hướng giảm, trong đó VIC giảm hết biên độ, LPB giảm 2,5% và HPG giảm 2%, tạo áp lực lớn lên chỉ số chung. Ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng như STB (+4,9%), SHB (+2,7%), TPB (+2,7%) lại có tác dụng nâng đỡ phần nào cho điểm số của thị trường. Tuy nhiên, các chỉ số như VNMidcap và VNSmallcap vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi lần lượt giảm 0,92% và 0,57%.

Sự gia tăng áp lực bán giá thấp là đặc điểm đáng chú ý trong ngày hôm nay, khi nhóm ngân hàng, chứng khoán, và thép – tôn mạ đồng loạt giảm mạnh với thanh khoản cao. Các mã như MBB (-1,6%), VCI (-3,7%), VIX (-1,6%), HCM (-6,3%) và HPG (-2%) tiếp tục tạo ra những sóng gió trên thị trường. Đặc biệt, nhóm ngành bất động sản ghi nhận sự phân hóa mạnh mẽ, với những mã như DIG (-2,6%), HDG (-2,6%) giảm mạnh, trong khi BCM (+2,2%) và DXG (+0,4%) lại đi ngược chiều.

Thanh khoản thị trường tiếp tục suy yếu, với khối lượng giao dịch trên HOSE giảm 21,2% so với phiên trước. Điều này phản ánh sự phân hóa rõ rệt trong xu hướng dòng tiền, khi nhiều mã vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện sau giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ. Trong khi đó, sau tuần bán ròng mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào VIC, khối ngoại đã quay lại mua ròng, với giá trị đạt 166,8 tỷ đồng trên HOSE.

Chứng khoán BIDV

Thị trường ngày 21/4, độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 15/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Dịch vụ tài chính dẫn đầu đà giảm. Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Dòng tiền có xu hướng luân chuyển qua các ngành để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. VN-Index vẫn đang trong hành trình tìm điểm cân bằng sau đợt hồi phục chữ V. Điểm tích cực là biên độ dao động đang thu hẹp dần qua từng phiên, điểm cân bằng mới có thể sẽ ở quanh ngưỡng 1,210.

Chứng khoán MB

Trong 4 phiên gần nhất, phái sinh liên tục dao động đi ngang trong vùng 1.284 – 1.310 điểm. Dự kiến phiên tới xu hướng giằng co sẽ tiếp diễn, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư áp dụng chiến lược giao dịch trong biên mở vị thế LONG tại vùng hỗ trợ và SHORT tại vùng kháng cự. Cụ thể, chiến lược LONG nên được thực hiện tại vùng 1.280 – 1.285 điểm, cắt lỗ nếu chỉ số giảm xuống dưới 1.277 điểm; chiến lược SHORT nên được thực hiện tại vùng 1.295 – 1.300 điểm, cắt lỗ nếu vượt ngưỡng 1.303 điểm.

Chứng khoán SSI

VNIndex giữ quanh vùng 1.200 – 1.220 và cho thấy nỗ lực giữ nền giá ngắn hạn. Tuy nhiên, quá trình kiểm định vùng hỗ trợ này có thể đối mặt trở ngại khi lực cầu mua lên còn hạn chế và trạng thái thận trọng ở các nhóm trụ cột. Diễn biến giằng co và rung lắc kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, cho đến khi chỉ số ghi nhận tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn từ các chỉ báo kỹ thuật.

Chứng khoán Phú Hưng

Áp lực bán lần nữa chi phối giao dịch, dù lực cầu có tham gia vào phiên chiều nhưng chưa thể giúp chỉ số phục hồi mà vẫn kết phiên với mức giảm chiếm ưu thế. Tâm lý thị trường tiếp tục dõi theo những diễn biến mới về vấn đề thương mại cũng như đón nhận KQKD từ các doanh nghiệp để tìm kiếm thêm chất xúc tác mới. Trong kỳ nghỉ Lễ Phục sinh, ông Trump đã đăng tải một bài viết, liệt kê danh sách 8 hành vi gian lận phi thuế quan gây hại cho doanh nghiệp Mỹ. Trong đó, “Thao túng tiền tệ” được ông đặt ở vị trí đầu tiên. Trước đó, Việt Nam từng bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ năm 2020 (nhiệm kỳ của Tổng thống Trump). Ở diễn biến khác, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về thuế quan tại Washington trong tuần này, với sự tham gia của các Bộ trưởng Tài chính và Thương mại từ cả hai nước.

VN-Index thu hẹp một phần đà giảm trong phiên nhưng nhìn chung lực cầu chưa thật sự quyết liệt. Hoạt động luân chuyển ở một vài cổ phiếu lớn giúp giữ điểm cho thị trường mà thiếu đi lan tỏa. Hiện chưa xuất hiện nhóm ngành mang tính dẫn dắt rõ ràng mà vẫn là các bước tăng giá riêng lẻ. Do vậy, khả năng vận động sẽ tiếp tục rung lắc củng cố quanh ngưỡng 1200 điểm (+/- 15 điểm). Ngưỡng kỹ thuật cần lưu ý là khu vực 1185 điểm, một tín hiệu sập gãy qua ngưỡng này có thể khiến nhịp điều chỉnh vi phạm và mức thoái lui sâu hơn là tìm về mốc 1130 - 1150 điểm.

Đối với HNX-Index, sau nỗ lực phục hồi tốt phiên hôm trước thì lực bán bắt đầu chi phối trở lại, giao dịch khả năng tiếp tục được củng cố quanh vùng 205 – 215 điểm trước khi tích lũy đủ đà để bứt phá lên đáy cũ 220.

Chiến lược chung, nắm giữ, hạn chế mua đuổi thêm ở các phiên tới khi chưa có tín hiệu xác nhận rõ ràng, theo dõi thêm phản ứng quanh mốc 1200 điểm. Tỷ trọng chung được kiểm soát ở mức vừa phải để tránh biến động bất ngờ từ vĩ mô.