Quản trị rủi ro khi thị trường chứng khoán biến động mạnh

Thiên Ân Chủ nhật, 06/04/2025 09:19 (GMT+7)

Giữa lúc thị trường biến động dữ dội, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư chuyển sang thế phòng thủ, giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống mức 30–50%, tránh dùng đòn bẩy tài chính và ưu tiên nắm giữ tiền mặt để duy trì sự chủ động trong bối cảnh rủi ro gia tăng.

Bức tranh thị trường không quá u ám như đại đa số nhà đầu tư nghĩ. Ảnh minh hoạ

Kỷ luật đầu tư thời khủng hoảng: Khi phòng thủ là lối đi duy nhất

Quyết định mới từ phía Mỹ về việc áp thuế cao hơn đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, tuy không quá bất ngờ, nhưng đã lập tức tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên diện rộng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, điện tử… rơi vào thế bị động, đứng trước thách thức lớn chưa từng có. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam lập tức phản ánh sự bất an này qua những phiên lao dốc, mà theo giới chuyên gia, là một trong những đợt giảm mạnh nhất trong lịch sử.

Chỉ số VN-Index – thước đo sức khỏe của thị trường – đã chứng kiến những phiên “đỏ lửa”, kéo theo tâm lý hoảng loạn, khiến không ít nhà đầu tư vội vã bán tháo. Trong bối cảnh này, những cảnh báo về tính bất ổn, đột biến của thị trường tài chính được nhắc lại rõ ràng hơn bao giờ hết.

Ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Chứng khoán DSC, nhận định rằng, đầu tư chứng khoán thời nay là tham gia vào một cuộc chơi luôn tiềm ẩn sự đột biến. Không còn thời gian cho sự chủ quan, nhà đầu tư buộc phải chuẩn bị sẵn các chiến lược "phòng thủ", thay vì chỉ chăm chăm vào cơ hội sinh lời.

Chia sẻ góc nhìn tương tự, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, tác động của các mức thuế mới chưa thể hiện tức thời lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp của Mỹ vẫn còn trong giai đoạn đàm phán và chưa đưa ra mức thuế cuối cùng. Do đó, nhà đầu tư không nên phản ứng thái quá, mà điều cần làm lúc này là giữ sự bình tĩnh và tránh những hành động nóng vội gây thiệt hại không đáng có.

Với những tình hình như vậy, thì thay vì bán tháo bằng mọi giá, ông Ngọc khuyến nghị các nhà đầu tư nên xem xét cơ cấu lại danh mục, đồng thời tập trung vào các cổ phiếu của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguyên nhân khiến thị trường sụp đổ. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng có thị trường trọng điểm khác ngoài Hoa Kỳ cũng có thể là điểm đến tiềm năng trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư được khuyên nên theo dõi sát các diễn biến của thị trường. Bất kỳ tín hiệu tích cực nào cũng có thể ngay lập tức làm dịu lại thị trường và tạo ra cơ hội hồi phục, vì thế sự tỉnh táo và chủ động nắm bắt thông tin sẽ là lợi thế quan trọng.

Trong giai đoạn thị trường còn nhiều bất ổn, ông Ngọc đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc quản trị rủi ro tài sản. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư nên được điều chỉnh ở mức thấp, chỉ dao động trong khoảng 30-50%. Đồng thời, nhà đầu tư tuyệt đối không nên sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) bởi điều đó có thể khiến họ rơi vào vòng xoáy thua lỗ nặng nề nếu thị trường tiếp tục diễn biến tiêu cực.

Quan điểm của ông Đỗ Bảo Ngọc cũng nhận được sự đồng tình từ ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán VPS. Ông Khánh cho rằng, trong bối cảnh thị trường đứng trước các biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là những tác động đến từ yếu tố chính sách quốc tế, nhà đầu tư – đặc biệt là nhóm đầu tư ngắn hạn – càng cần phải siết chặt kỷ luật giao dịch. Việc mua bán liên tục với kỳ vọng chớp thời cơ sinh lời nhanh có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu thiếu kiểm soát.

Để xây dựng chiến lược phòng thủ hiệu quả, theo ông Khánh, điều tiên quyết là phải kiểm soát tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý. Đối với nhà đầu tư dài hạn, việc cơ cấu danh mục hướng đến các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, cổ tức ổn định và đang được định giá hấp dẫn là hướng đi an toàn. Ngược lại, với nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, cần tránh những hành động cảm tính, nhất là khi thị trường đang biến động mạnh.

Ông Khánh lấy ví dụ cụ thể: Nếu đang nắm trong tay 10 đồng vốn, chỉ nên giải ngân khoảng 2–3 đồng vào cổ phiếu trong thời điểm xảy ra chao đảo thị trường, đồng thời giữ lại phần lớn nguồn lực để chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn khi thị trường ổn định trở lại. Đây không chỉ là biện pháp bảo vệ tài sản, mà còn là cách để duy trì khả năng chủ động – điều mà không phải ai cũng có được khi rơi vào làn sóng hoảng loạn chung.

Từ góc nhìn này, rõ ràng việc “giữ tiền” lúc này có thể không phải là sự thụ động, mà là một quyết định chiến lược, thể hiện sự tỉnh táo của những người đang thực sự quản trị rủi ro một cách bài bản. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang tìm hướng tháo gỡ các áp lực đến từ bên ngoài, và thị trường có thể còn rung lắc trong vài phiên tới, sự điềm tĩnh và chiến lược đầu tư phòng thủ không chỉ là lựa chọn nên có – mà còn là điều kiện cần để đi đường dài trong môi trường đầy biến động này.

Cơ hội trong nguy khốn: Ai sẽ là người chiến thắng khi thị trường rung lắc?

Khi thị trường đang trong giai đoạn rung lắc dữ dội, theo ông Đỗ Bảo Ngọc đây không hoàn toàn là một bức tranh u ám. Bởi lẽ, trong khi một số nhà đầu tư đang đối mặt với rủi ro, thì với những người khác, đặc biệt là những ai đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn đây lại là thời điểm “săn hàng” lý tưởng. Mỗi đợt sụt giảm sâu của thị trường luôn ẩn chứa cơ hội, và sự hoảng loạn của một nhóm người lại có thể trở thành cơ hội đầu tư “chiết khấu” cho nhóm khác.

Ông Ngọc nhấn mạnh, nếu chỉ số VN-Index giảm mạnh, đó sẽ là tín hiệu định giá hấp dẫn cho hàng loạt nhóm ngành cơ bản như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, xây dựng và vật liệu xây dựng – những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công và tiêu dùng nội địa. Những nhà đầu tư có sẵn tiền mặt sẽ có cơ hội chọn mua cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị nội tại, tạo nền tảng tốt cho đầu tư trung – dài hạn.

Cùng quan điểm đó, ông Lê Đức Khánh cũng khẳng định, thị trường biến động là nỗi lo của nhiều nhà đầu tư, nhưng cũng là cơ hội mở ra cho những người giữ nhiều tiền mặt nhưng đang sở hữu ít cổ phiếu. Họ vẫn còn rất nhiều “dư địa” để giải ngân, và nếu biết lựa chọn cổ phiếu tốt, những mã có nền tảng tài chính lành mạnh, tiềm năng tăng trưởng và định giá hợp lý thì đây có thể là thời điểm để "bắt đáy" một cách có chọn lọc. Ngược lại, với những nhà đầu tư đã giải ngân quá nhiều, danh mục đang nặng cổ phiếu thì hành động tiếp tục mua vào lại tiềm ẩn rủi ro. Không những thế, việc cố gắng trung bình giá khi chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng có thể khiến họ rơi vào tình trạng mất thanh khoản và bị cuốn theo những đợt biến động tiêu cực tiếp theo.

Do đó, thay vì cố “lao vào bắt đáy”, nhóm này nên nghiêng về phương án phòng thủ, bảo toàn danh mục và giữ tâm lý ổn định để đợi cơ hội rõ ràng hơn trong tương lai. Tóm lại, trong thời điểm thị trường đang “đỏ lửa”, việc xác định đúng vị thế của bản thân là người đang giữ tiền mặt hay đang kẹt vốn trong cổ phiếu sẽ quyết định chiến lược hành động. Không phải ai cũng nên lao vào bắt đáy, nhưng với những ai đủ kiên nhẫn, có tầm nhìn dài hạn và còn nguồn lực, đây có thể chính là thời điểm để bắt đầu “gom hàng” một cách khôn ngoan.