Ban quản lý Văn Giang: Thiết kế tiêu chí thầu cho...người quen?

Thiên Ân Thứ hai, 21/04/2025 10:06 (GMT+7)

Tại tỉnh Hương Yên, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trường Sơn vượt mặt đối thủ tại 2 gói thầu liên tiếp dù giá trúng thầu cao hơn, tiết kiệm ít hơn, nhưng "ăn điểm kỹ thuật" rất lạ. Trong khi đơn vị tư vấn thầu lại chưa chắc về chuyên môn.

Giá cao hơn đối thủ, nhưng chốt hạ nhờ điểm kỹ thuật "không giống ai"

Như Tạp chí Kiểm toán đã đưa tin trong Bài 1: " Công ty Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trường Sơn: Tỷ lệ trúng thầu gần như tuyệt đối", chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2025, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trường Sơn đã trúng đến 14 gói thầu – một con số đáng chú ý về khả năng trúng thầu như có sự sắp xếp chu đáo từ trước đó.

Đáng chú ý, tại tỉnh Hưng Yên, doanh nghiệp này liên tiếp “ẵm” hai gói thầu quan trọng từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Giang, chỉ cách nhau vỏn vẹn 1 ngày trong tháng 2/2025. Điểm chung của cả hai gói thầu: Điểm kỹ thuật tiếp tục là “chìa khóa vàng” giúp Trường Sơn mở cánh cửa gói thầu, trong khi mức giá họ đưa ra sát giá thầu và cao hơn đối thủ khá nhiều.

Thông tin từ gói thầu số 08 cho thấy, giá gói thầu được duyệt là hơn 1,201 tỷ đồng và hình thức đấu thầu rộng rãi, gói thầu thu hút 6 nhà thầu tham gia. Nhưng chỉ có 2 nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật sau khi mở thầu: Trường Sơn và CTCP Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Hoa Sơn.

Về giá, Hoa Sơn là bên đưa ra mức dự thầu ấn tượng hơn – chỉ 1 tỷ đồng, tức tiết kiệm gần 15% cho ngân sách đầu tư so với mức giá được duyệt. Trong khi đó, Trường Sơn chào giá 1,136 tỷ đồng – mức tiết kiệm vỏn vẹn 36 triệu đồng, tương đương khoảng 3%.

Nhưng, Trường Sơn trúng thầu. Trường Sơn đạt điểm kỹ thuật 95,8 – vượt trội hơn hẳn mức 91,4 của Hoa Sơn. Khi điểm kỹ thuật chiếm trọng số cao trong tổng điểm xét thầu, mức chênh lệch này đủ để xoay chuyển cục diện.

Tiếp tục ở ở Gói thầu số 02, kịch bản tương tự cũng diễn ra, Trường Sơn vẫn thắng thầu. Điều khiến dư luận và các đơn vị dự thầu quan tâm không chỉ là kết quả, mà là cách chấm điểm kỹ thuật có phần mơ hồ, khó đoán định.

Trong hồ sơ mời thầu, cụ thể, trong phần 3 – Giải pháp và phương pháp luận thuộc Mục 2 – Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, nội dung đánh giá do Ban Quản lý thực hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số điểm kỹ thuật, dao động từ 30% đến 40% - và được cụ thể hóa bằng những tiêu chí tưởng như chi tiết nhưng lại mở ra nhiều khoảng trống cho cảm tính.

Chẳng hạn, ở mục "Giải pháp và phương pháp luận", các thang điểm đưa ra gồm: Nếu nội dung thể hiện “rõ, đầy đủ, cụ thể, chi tiết và hợp lý” sẽ được 5 điểm; “hiểu tương đối hoặc chưa đầy đủ, chưa cụ thể” là 3,5 điểm; còn nếu “không hiểu hoặc không thể hiện nội dung” thì sẽ bị 0 điểm. Tiêu chí nghe có vẻ rõ ràng nhưng trên thực tế lại phụ thuộc rất lớn vào đánh giá chủ quan của người chấm điểm.

Tương tự, trong phần “Đề xuất về kỹ thuật” – nơi các đơn vị tư vấn phải trình bày toàn bộ phương án giám sát theo điều khoản tham chiếu – cách tính điểm cũng khá linh hoạt. Đầy đủ và đúng quy định thì đạt 5 điểm; thiếu một phần thì còn 3,5; còn nếu không tuân thủ hoặc không có thì là 0 điểm. Những quy định như vậy khiến việc xác định "đầy đủ", "hợp lý" hay "thiếu" trở nên khó lường nếu không có tiêu chí cụ thể và đo đếm được.

Hay "các nội dung công việc được phân chia thành những nhiệm vụ cụ thể một cách hoàn chỉnh và logic, đồng thời có phân công cho từng chuyên gia tư vấn thực hiện gói thầu. Phương pháp luận phù hợp với công tác tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình". Nhưng khái niệm “logic” hay “phù hợp” lại không đi kèm công cụ kiểm tra định lượng rõ ràng, khiến nhiều nhà thầu băn khoăn không biết đâu là chuẩn mực để bám theo.

Việc chấm điểm không dựa vào các thông số kỹ thuật cụ thể, mà lại thiên về nhận định như “rõ ràng”, “logic”, “hợp lý” – những yếu tố dễ tạo ra độ vênh trong đánh giá. Một vài điểm chênh lệch trong phần kỹ thuật có thể quyết định toàn bộ kết quả trúng thầu, như trường hợp giữa Hoa Sơn và Trường Sơn.

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao một nhà thầu có mức giá cạnh tranh hơn hẳn, tiết kiệm đáng kể cho ngân sách, lại bị loại bởi một vài điểm kỹ thuật "chung chung"? Càng đáng chú ý hơn khi điều này xảy ra lặp đi lặp lại ở cùng một đơn vị mời thầu. Nếu không có sự điều chỉnh trong phương pháp đánh giá, hoặc ít nhất là minh bạch hóa cách chấm điểm, sẽ rất khó để đảm bảo sự công bằng cho các đơn vị tham gia, cũng như hiệu quả thực sự trong việc sử dụng vốn đầu tư công.

Đơn vị tư vấn được nhà thầu nhắc nhở chuyên môn

Là một dự án nhóm C với quy mô không lớn, nhưng quá trình tổ chức đấu thầu gói thầu “Cải tạo, nâng cấp đường vùng bãi Xuân Quan - Phụng Công” tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) lại đặt ra không ít nghi vấn về năng lực và sự nhất quán trong công tác quản lý của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Giang đầu tư xây dựng huyện này. Một nhà thầu thậm chí đã gửi văn bản phản ánh chính thức, đề nghị xem xét và làm rõ nhiều nội dung.

Cụ thể, trong công văn gửi tới cơ quan chức năng, Công ty TNHH Xây dựng 268 Hưng Yên cho biết, sau quá trình nghiên cứu kỹ hồ sơ mời thầu đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia – bao gồm cả Bảng dữ liệu đấu thầu, Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và Điều khoản tham chiếu – doanh nghiệp này đã phát hiện một số điểm bất thường. Theo đó, nhà thầu nhận định tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu đang chứa đựng những nội dung không phù hợp và có thể vi phạm các quy định về cạnh tranh trong đấu thầu.

Vấn đề được chỉ rõ bắt đầu từ Mục 1, Chương III - phần đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu. Tại đây, E-HSMT yêu cầu nhà thầu ngoài việc phải có chứng chỉ năng lực hoạt động tư vấn giám sát công trình giao thông hạng III còn hiệu lực, còn phải có thêm chứng chỉ tư vấn giám sát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước) từ hạng II trở lên. Đây chính là điểm gây nhiều băn khoăn.

Lý do được đưa ra là bởi bản chất và quy mô dự án không yêu cầu tiêu chí kỹ thuật liên quan đến thoát nước ở mức cao như vậy. Theo Quyết định số 2603/QĐ-UBND ngày 27/05/2024 của UBND huyện Văn Giang phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án cải tạo, nâng cấp đường vùng bãi Xuân Quan - Phụng Công là dự án nhóm C, thuộc loại công trình giao thông. Điều này cũng được nhấn mạnh lại trong Chương V – Điều khoản tham chiếu của E-HSMT: Đây là công trình giao thông cấp IV.

Sự thiếu phù hợp tiếp tục được nhà thầu chỉ ra ở các tiêu chí đánh giá kinh nghiệm. Tại Bảng số 1, Mục 2 – Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, hồ sơ chỉ yêu cầu nhà thầu đã từng thực hiện một hợp đồng tương tự thuộc lĩnh vực giám sát thi công xây dựng công trình giao thông đường bộ cấp IV trở lên. Cụ thể hơn, yêu cầu tập trung vào các hạng mục như: Kết cấu áo đường mềm, mặt bê tông nhựa, móng cấp phối đá dăm… và hoàn toàn không đề cập đến kinh nghiệm trong giám sát hạ tầng kỹ thuật như thoát nước.

Không chỉ vậy, phần yêu cầu về nhân sự chủ chốt của nhà thầu cũng không hề nhắc đến nhân sự giám sát cho hạng mục thoát nước. E-HSMT chỉ liệt kê các vị trí cần thiết như: Tư vấn giám sát trưởng, tư vấn giám sát hạng mục đường, tư vấn giám sát vật liệu, và tư vấn giám sát an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Việc yêu cầu thêm chứng chỉ về thoát nước trong phần đánh giá tính hợp lệ do đó trở nên khiên cưỡng và không ăn khớp với toàn bộ hệ thống tiêu chí còn lại.

Từ những lập luận trên, nhà thầu cho rằng việc đưa tiêu chí chứng chỉ tư vấn giám sát hạ tầng kỹ thuật (thoát nước) hạng II trở lên là không phù hợp với tính chất, quy mô của gói thầu, thậm chí có thể vi phạm quy định pháp luật.

Theo Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/04/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những yêu cầu vượt quá tính chất của gói thầu – như năng lực, kinh nghiệm cao hơn mức cần thiết – có thể dẫn tới hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một vài nhà thầu cụ thể, làm sai lệch nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh.

Cụ thể hơn, Thông tư này cảnh báo về việc một số nội dung trong E-HSMT nếu dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế không công bằng sẽ vi phạm Điều 44, Luật Đấu thầu. Trong đó, khoản 3 của điều luật này quy định rõ ràng: hồ sơ mời thầu không được đưa ra các tiêu chí nhằm cản trở hoặc làm méo mó sự cạnh tranh giữa các nhà thầu.

Trước phản ánh chính đáng từ phía nhà thầu, ngày 24/12/2024, Công ty Cổ phần Tư vấn Quản lý dự án và Đầu tư Nam Việt – đơn vị tư vấn cho Ban QLDA – đã có văn bản số 821/CV-NV nhằm phản hồi những phản ánh của nhà thầu liên quan đến hồ sơ mời thầu. Trong công văn, Nam Việt cho rằng: với tính chất là dự án nhóm C, công trình giao thông cấp IV, công tác tư vấn giám sát xây dựng không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hay phức tạp. Chính vì vậy, để đảm bảo phù hợp với tính chất thực tế của gói thầu, đơn vị này kiến nghị Ban mời thầu cần điều chỉnh nội dung tại Mục I – Đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT thuộc Chương III – Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, vốn đã được Ban QLDA phê duyệt theo Quyết định số 372/QĐ-BQLDA ngày 17/12/2024.

Cùng với văn bản kiến nghị, Nam Việt cũng gửi kèm một bản đính kèm, trong đó đã bỏ nội dung yêu cầu “tư vấn giám sát công tác xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước) từ hạng II trở lên”. Đây là một chi tiết đáng chú ý, bởi nó cho thấy sự nới lỏng đáng kể tiêu chí so với yêu cầu ban đầu, khiến dư luận không khỏi băn khoăn liệu tiêu chí kỹ thuật có đang được tùy ý điều chỉnh để “mở đường” cho một nhà thầu cụ thể nào đó hay không.

Chỉ hai ngày sau đó, vào ngày 26/12/2024, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Văn Giang đã ban hành công văn số 429 để làm rõ nội dung phản ánh. Công văn này hoàn toàn đi theo hướng kiến nghị của Nam Việt.

Dư luận như vậy không chỉ bất an về vai trò và trách nhiệm trong việc đảm bảo tính công bằng, khách quan trong quá trình thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Giang và còn nghi ngờ về năng lực của đơn vị tư vấn thầu là Công ty Cổ phần Tư vấn Quản lý dự án và Đầu tư Nam Việt!