Ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào

08:00 09/04/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Trong chuyến công tác tại Vientiane (Lào) từ ngày 6-8/4, sáng 8/4, Đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith nhằm trao đổi, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hợp tác công nghiệp, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào. Sáng 8/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào.

 

nTQES4EIhvxI9Pj254FlAgV2LKJFfCLDuRtBXHAB3pFikw433GclE_mPikutxeyRs016KBUH6jcC0voiUpcwUXvhTJa7I1P8A5S17PI8bEFxtA6Qav-VeJXXrHidf3ikYVpBXepPjiTbybmiFdGDNvk

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới. Ảnh: MOIT

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào chưa tương xứng tiềm năng

Điểm lại tình hình hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực Công Thương là trụ cột trong quan hệ hai nước. 

Từ năm 2012 đến nay, hai bên đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm (trừ giai đoạn dịch Covid-19). Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,63 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm 2022. Ước tính 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 417,8 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ước đạt 270 triệu USD, giảm 9,5%. Xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bi,... là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục nhập cao su, gỗ, quặng và khoáng sản từ Lào. “Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương hai nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá và cho rằng, sau một năm 2023 đầy diễn biến khó lường, kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2024 đã chứng kiến các tín hiệu tích cực hơn. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong các năm gần đây, Lào đã chuyển từ vị thế nhập siêu sang vị thế xuất siêu sang Việt Nam. Điều này cho thấy năng lực sản xuất của Lào đang dần tăng lên. Lào đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho Việt Nam trong khối ASEAN. 

Trong khi đó, thời gian qua, Việt Nam đã có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 735 tỷ USD, nằm trong nhóm 20 nước có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới và nhóm các thị trường hấp dẫn nhất về thu hút FDI. Chính vì vậy, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ các nước, trong đó có Lào.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, trao đổi tại hội đàm, hai Bộ trưởng đã nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thỏa thuận đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất tại bản Thoả thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; biên bản kỳ họp thứ 46 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; bao gồm:

Thứ nhất, về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giữa hai nước, gia tăng khối lượng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Hai Bên nhất trí đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước như các diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp, hội chợ thương mại, diễn đàn thúc đẩy thương mại, hội thảo thông tin thị trường.

 

PUzFQe0WAkOB0zUiIl2XAulQBfIljz4OPz7XpbOfBfDrcA--kZ74nvXfdZGlJUi8Lfkw7yCYn3gvfPaqggW8yGZim_OvpGbG_goyvenqxYScQPv99IDblgAlR6-EPkl3x7voD5Qa1OU5izkUSMss2z8

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) và Vụ Cạnh tranh và Kiểm tra thương mại (Bộ Công Thương Lào)

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Hiện nay, kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch thương mại hai nước.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn tới, hai Bên cần triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào (ký vào tháng 1/2024); rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.

Thứ ba, tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có tại khu vực biên giới hai nước. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoàn toàn nhất trí quan điểm cần tạo điều kiện để tăng cường xuất khẩu hàng hóa từ Lào sang Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị hai Bộ Công Thương Việt Nam và Lào phối hợp với các địa phương để thúc đẩy hiệu quả của thương mại khu vực biên giới và các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

Song song đó, hai Bộ trưởng cũng cho rằng, hai Bên cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện pháp lý cho hoạt động hợp tác công nghiệp biên giới. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Malaithong Kommasith đã giao các đơn vị đầu mối khẩn trương đàm phán, thống nhất Bản ghi nhớ về Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa hai nước để tiến tới ký kết trong thời gian tới.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào. Tại hội đàm, Bộ trưởng Malaithong Kommasith đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường xăng dầu; đồng thời giúp Lào ổn định nguồn cung xăng dầu.

 

2rahAg9vb0hIso1akyH7Gf3ALUQKtCSevbLKq9NOb52SNoJsxTXtf2gV09-ma5Ll_Q8HDdWuTwvtJNzixwFSWMqaj9L2q4Ks71uUc05FiW2XKyTdtAQvrf5Bxu1jcX-DMY6zetrKZoiU8cpDHeYdRlQ

Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa GP Holdings, Viện Nghiên cứu cơ khí và Tập đoàn Phonesack Group về hợp tác xây dựng kho bãi và băng truyền tải than

Với đề nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam chủ động kết nối với doanh nghiệp của Lào, tăng cường và tạo sự ổn định trong việc cung ứng xăng dầu sang thị trường Lào.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, phía Việt Nam đã ban hành Quy hoạch kho chứa xăng dầu. Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Công Thương Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của hai bên nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác, xem xét khả năng xây dựng kho chứa xăng dầu, phù hợp pháp luật của mỗi bên và phù hợp với lợi ích chung của cả hai bên. 

Để đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước, về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Chính phủ Lào cần xem xét duy trì tỷ giá hối đoái ổn định, dự báo được và đảm bảo nguồn cung ngoại tệ; đảm bảo cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hoạt động có lãi. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Thứ năm, tăng cường hợp tác trong công tác quản lý thị trường. 

Trước những quan tâm của phía Lào liên quan đến công tác quản lý thị trường (chống buôn lậu, chống gian lận thương mại), Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng chia sẻ và cùng Bộ Công Thương Lào phối hợp trong công tác quản lý thị trường, ngăn chặn các hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại. 

Sau buổi hội đàm hôm nay, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Việt Nam và Vụ Cạnh tranh và Kiểm tra thương mại, Bộ Công Thương Lào sẽ ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho hợp tác giữa hai Bên trong thời gian tới trong lĩnh vực quản lý thị trường.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác phát triển thương mại điện tử. 

Đối với lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Lào đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển thương mại điện tử. Dự báo doanh thu từ thương mại điện tử có thể đạt 433 triệu USD vào năm 2028. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Lào còn rất lớn. Do đó, đề nghị Lào chú trọng xây dựng chính sách phát triển thương mại điện tử, khuyến khích và tạo điều kiện doanh nghiệp trong ngành này phát triển, hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển của kinh tế Lào.

Sau buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới. Việc ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác theo từng chuyên ngành sẽ tiếp tục góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tháng 3/2015, hai bên đã chính thức ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào và ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào vào tháng 6/2015 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước. Từ đầu năm 2021 trở lại đây, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự gắn kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào ngày càng khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ. Với tiềm năng phát triển còn rất lớn, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10%-15%/năm mà còn hướng đến phát triển ổn định bền vững.

Do vậy, việc ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào năm 2015 sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Lào; đặc biệt việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế, suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Lào.

Kết thúc Hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ và duy trì trao đổi thường xuyên với Bộ Công Thương Lào để thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Lào ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực, khai thác tốt hơn nữa thế mạnh, tiềm năng hợp tác của mỗi nước trong thời gian tới, góp phần đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo