TS Cấn Văn Lực: Thời điểm phù hợp để đánh giá và rà soát dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi). Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu và cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm định hướng đề xuất chính sách và tổng kết thực tiễn thi hành Luật thuế TTĐB trong thời gian qua, với sự góp ý từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Các nội dung chính của dự án Luật thuế TTĐB được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bao gồm: mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Đồng thời, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế, cũng như quy định về biểu thuế và mức thuế TTĐB (bổ sung). Trong đó, có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia; mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế TTĐB; quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan.
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Góp ý xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi” vừa diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức, cho biết nhiều ý kiến đã đánh giá cao và đồng tình với quan điểm và nội dung sửa đổi, bổ sung do Bộ Tài chính đề xuất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác nhau liên quan đến phương pháp tính thuế, điều chỉnh thuế suất và việc bổ sung một số mặt hàng vào diện đánh thuế TTĐB. Đối với sản phẩm rượu, bia, một số ý kiến cho rằng cần áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp, như ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với việc giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay. Về thuế suất TTĐB đối với rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Hiện nay, nhiều nước đang áp dụng thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng, hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Vì vậy, theo bà Lê Thùy Linh, Phó trưởng phòng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc sửa đổi Luật thuế TTĐB là cần thiết. Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ và đang ở giai đoạn lập đề nghị. Việc sửa đổi Luật thuế TTĐB cần được thảo luận kỹ về lộ trình và phù hợp với các chính sách tài khóa, tiền tệ khác. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt.
Theo bà Linh, việc đề xuất sửa đổi Luật thuế TTĐB thực hiện theo chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước, như đã được nêu trong các Nghị quyết và Quyết định liên quan. Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ "Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có gas...".
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá và rà soát dự án Luật thuế TTĐB. Nguyên tắc sửa đổi thuế phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 3trong châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người theo số liệu năm 2021. Do đó, việc đề xuất tăng thuế như trong dự thảo là phù hợp, tuy nhiên cần xem xét lộ trình và thời điểm áp dụng. Riêng về phương pháp tính thuế, ông Lực cho biết mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.
Trên thế giới, có khoảng 73% quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp, trong khi 27% áp dụng phương pháp thuế tương đối. Việt Nam hiện đang áp dụng phương pháp tính thuế tương đối, thuộc nhóm 27% này. Trong các mặt hàng thuế TTĐB, cơ quan quản lý sẽ phải phân loại từng nhóm hàng cụ thể, quy định liệu có áp dụng thuế tuyệt đối hay tương đối để phù hợp.
Theo ông Lực, với sự phát triển hiện nay, cơ quan thuế có đủ biện pháp để tính toán và áp dụng phương pháp tính thuế khác nhau cho từng mặt hàng và nhóm hàng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần nghiên cứu và đánh giá kỹ hơn về lộ trình và sự phù hợp với các chính sách tài khóa, tiền tệ khác.
Trong đó, theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, một điểm nổi bật trong đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) lần này của Bộ Tài chính là đề xuất bổ sung phương pháp tính thuế TTĐB theo phương pháp thuế tuyệt đối, phương pháp thuế hỗn hợp, bên cạnh phương pháp thuế tương đối truyền thống đang áp dụng. Phương pháp tính thuế tuyệt đối sẽ áp dụng mức thuế cố định trên một lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, trong khi phương pháp tính thuế hỗn hợp kết hợp cả cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối. Phương pháp thuế tương đối sẽ áp dụng lũy tiến theo giá bán ra và giá cung ứng dịch vụ. Vì vậy, sản phẩm có giá bán cao sẽ phải nộp số thuế TTĐB lớn hơn.
Bà Hương cho rằng mỗi phương pháp tính thuế có ưu và nhược điểm riêng, và tuỳ thuộc vào mục tiêu kinh tế-xã hội và đặc thù thị trường của từng hàng hoá dịch vụ cần điều tiết sản xuất và tiêu dùng, các quốc gia sẽ lựa chọn linh hoạt phương pháp tính thuế TTĐB phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường rượu, bia của Việt Nam có những đặc điểm khác biệt so với thế giới, nên việc lựa chọn phương pháp tính thuế phải được nghiên cứu, tính toán cẩn trọng và đánh giá kỹ lưỡng để không gây ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp nhưng vẫn đạt được mục tiêu chính sách.