Thẩm quyền xử phạt của Hải quan trong lĩnh vực thủy sản

15:00 22/04/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Ngày 05/4/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó có quy định mới về thẩm quyền xử phạt của Hải quan đối với một số hành vi VPHC trong lĩnh vực này.

Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024 và thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ. Đồng thời, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP cũng bãi bỏ các quy định về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Các quy định về hoạt động thủy sản trong Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Nghị định 38/2024/NĐ-CP vẫn giữ nguyên thẩm quyền xử phạt VPHC của Chủ tịch UBND và của các lực lượng như: Thanh tra chuyên ngành, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Công an nhân dân, Quản lý thị trường… như Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đã quy định.

Tuy nhiên, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP đã thêm mới thẩm quyền xử phạt của lực lượng kiểm lâm và bổ sung, thêm mới lực lượng được xử phạt VPHC của hải quan gồm: Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền phạt đến 5 triệu đồng; hay Đội trưởng Đội Điều tra hình sự; Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 25 triệu đồng…

Một số hành vi vi phạm về lĩnh vực thủy sản thuộc thẩm quyền xử phạt của Hải quan bao gồm:

- Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống thủy sản (Điều 11);

- Vi phạm quy định về nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản sống (Điều 18);

- Vi phạm quy định về nhập khẩu tàu cá (Điều 32);

- Vi phạm quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản (Điều 42);

- Vi phạm đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp trong lĩnh vực thủy sản (khoản 1 Điều 44)…

Cụ thể, theo quy định của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt tiền đến 01 tỷ đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan; Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự; Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 25 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng;  Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP.

Công chức hải quan đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; Đội trưởng; Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng.

Thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực thủy sản là hai năm.

Cơ quan Hải quan có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm các điểm d, đ, g khoản 1 Điều 28 Luật xử lý VPHC và khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP như sau:

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; 

- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

- Buộc thả thủy sản, giống thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

- Buộc chuyển giao thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền;

- Buộc thả bổ sung loài thủy sản theo quy định;

- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng loài thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, trường hợp không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi thì buộc tiêu hủy thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

- Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước;

- Buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản chấp thuận, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

- Buộc vây bắt, tiêu diệt loài thủy sản sống bị thoát ra môi trường tự nhiên hoặc thủy sản được cho sinh sản trái phép từ loài thủy sản sống;

- Buộc thu hồi thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

- Buộc hủy bỏ kết quả đăng kiểm;

- Buộc di dời hoặc phá dỡ công trình nuôi trồng thủy sản;

- Buộc tái xuất tàu cá nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất tàu cá thì buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá hoặc đánh đắm tàu cá;

- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá;

- Buộc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo quy định;

- Buộc tàu cá nước ngoài (trừ tàu Công ten nơ) vận chuyển thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh vào Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

- Buộc trả lại diện tích đã lấn chiếm;

- Buộc tái xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy.

Theo Tổng cục Hải quan
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo