Sản xuất kinh doanh được phục hồi bởi chính sách tài khóa mở rộng
Chính sách tiền tệ và tài khóa - động lực phát triển kinh tế
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2024, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện và hiệu quả hơn các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,4-7,6%, cả năm trên 7%, đồng thời hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách vĩ mô và sự tham gia chủ động từ các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến quốc tế, khu vực và các điều chỉnh chính sách từ các nền kinh tế lớn để kịp thời phân tích, đưa ra các phản ứng chính sách phù hợp và hiệu quả.
Đồng thời, các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát và các cân đối lớn cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Chính phủ nhấn mạnh việc phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng, hợp lý và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân.
Đến nay, thu ngân sách nhà nước (NSNN) cơ bản đã đạt dự toán. Bộ Tài chính đang thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt trong thương mại điện tử và kinh doanh ăn uống, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và mở rộng cơ sở thu. Chính phủ đặt mục tiêu vượt ít nhất 15% dự toán Quốc hội giao, đồng thời yêu cầu tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách và thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách.
Tại Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, chính sách tiền tệ và tài khóa là động lực chính cho phát triển kinh tế. Chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, chủ động và hiệu quả, trong khi chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Tập trung vào xuất nhập khẩu và đầu tư FDI
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 4 năm qua, Việt Nam đã vượt thu ngân sách khoảng 1 triệu tỷ đồng, với mức vượt thu tăng dần qua từng năm. Đồng thời, Chính phủ đã giảm thuế gần 800 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân. Nếu duy trì điều kiện bình thường, tổng mức tăng thu ngân sách trong giai đoạn này có thể đạt gần 2 triệu tỷ đồng.
Dự kiến trong năm 2024, ngân sách nhà nước sẽ vượt thu khoảng 300.000 tỷ đồng, chủ yếu bổ sung cho đầu tư phát triển hạ tầng. Từ đó, GDP cả năm có thể tăng trưởng 7%, CPI đạt 3,88% và nợ công chiếm 37% GDP. Những kết quả này phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế, khi các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp phục hồi, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo các chuyên gia, để duy trì nhịp độ tăng trưởng, cần tập trung vào hai động lực chính: xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc giải ngân vốn đầu tư công và kích thích tiêu dùng nội địa được xem là hai yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Nguyễn Bá Hùng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kích cầu và phát triển thị trường nội địa, tăng cường chi tiêu công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.
Về thu hút vốn FDI, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản dự kiến tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn này trong năm tới. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, dòng vốn FDI thực hiện đã đạt gần 19,6 tỷ USD, cho thấy triển vọng lạc quan về bức tranh kinh tế Việt Nam.
Với những thuận lợi hiện tại và quyết tâm cải cách thể chế, cùng các chính sách đột phá của Quốc hội và Chính phủ, các tổ chức và chuyên gia đều dự báo tích cực về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.