GS. VÕ ĐÌNH HẢO - CHỦ TỊCH ĐẦU TIÊN CỦA HIỆP HỘI KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIỆT NAM (VAA)

15:36 23/04/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Năm 2024, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), cũng là năm GS.Võ Đình Hảo, người Chủ tịch đầu tiên đã ra đi 27 năm. GS.Võ Đình Hảo - Nhà khoa học tài chính - kế toán, giáo sư đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, là người trực tiếp xây dựng và tổ chức hoạt động của tổ chức nghề nghiệp, được bầu là Chủ tịch nhiệm kỳ I (1994 -1999) Hội Kế toán Việt Nam. Giáo sư (GS) đã sớm ra đi vì bạo bệnh, khi nhiệm kỳ chưa kết thúc và nhiệm vụ còn đang dang dở. Dù GS đã sớm đi xa, những đồng nghiệp, những học trò và những người một thời làm việc dưới quyền lãnh đạo của GS, được GS dạy dỗ, dìu dắt, chỉ bảo vẫn cảm thấy GS còn đó, vẫn nhớ tới GS, cảm ơn GS về những gì GS dày công vun đắp, dựng xây và để lại cho nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam.

Năm 2024, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), cũng là năm GS.Võ Đình Hảo, người Chủ tịch đầu tiên đã ra đi 27 năm. GS.Võ Đình Hảo - Nhà khoa học tài chính - kế toán, giáo sư đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, là người trực tiếp xây dựng và tổ chức hoạt động của tổ chức nghề nghiệp, được bầu là Chủ tịch nhiệm kỳ I (1994 -1999) Hội Kế toán Việt Nam. Giáo sư (GS) đã sớm ra đi vì bạo bệnh, khi nhiệm kỳ chưa kết thúc và nhiệm vụ còn đang dang dở. Dù GS đã sớm đi xa, những đồng nghiệp, những học trò và những người một thời làm việc dưới quyền lãnh đạo của GS, được GS dạy dỗ, dìu dắt, chỉ bảo vẫn cảm thấy GS còn đó, vẫn nhớ tới GS, cảm ơn GS về những gì GS dày công vun đắp, dựng xây và để lại cho nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam.

Trong vô vàn những chuyện có thể kể về GS, trong phạm vi bài viết để nhớ về GS, để nhắc nhở về những ngày đầu dựng xây với những thăng trầm nghề nghiệp, xin được ghi lại và chắc chắn là chưa đủ, đôi chút kỷ niệm nghề nghiệp và tình người của GS với Hội, với đời và với nghề. 

GS là một nhà kế toán, một nhà kế toán gần như 100%, dù có lúc Anh làm nhà giáo, nhà quản lý đào tạo và nhà nghiên cứu khoa học kinh tế - tài chính. Từ thiếu sinh quân miền Nam tập kết ra miền Bắc, người con của Quảng Ngãi anh hùng, từ một nhân viên kế toán ở một xí nghiệp ở tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương), bằng nghị lực và trí tuệ, nhờ ơn Đảng, GS đã được đào tạo rất cơ bản thành nhà khoa học, một trong những phó tiến sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và là giáo sư lứa đầu tiên của Việt Nam ở  ngành Kế toán. 

Anh say sưa nghề nghiệp một cách lạ kỳ, trăn trở và đi đến cùng của các hoài bão nghề nghiệp. Những học trò, những cán bộ của GS đã lây cái say sưa, cái tận tụy với nghề của GS, để đam mê và dấn thân lao vào nghề nghiệp, vào khoa học kế toán. GS đã khởi xướng và cùng các đồng nghiệp tổ chức thành công Hội nghị kế toán trưởng, đội ngũ nòng cốt của Kế toán lần thứ I (1984) ở Việt Nam. Đây không chỉ là sự kiện mở đầu, mà còn là cú hích quan trọng để kế toán Việt Nam bước vào nền kinh tế chuyển đổi và kinh tế thị trường. 

Bằng trí tuệ và tầm nhìn, GS đã hình thành ý tưởng và kiên trì xác lập vị thế chức danh kế toán trưởng doanh nghiệp. Dù rằng, đó là kế toán trưởng các doanh nghiệp quốc doanh (doanh nghiệp Nhà nước) còn mang nặng cơ chế vận hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp. Trong cơ chế kinh tế mới và cơ chế kinh tế thị trường, vị trí, chức năng và quyền hạn của kế toán trưởng doanh nghiệp trong nền kinh tế nhiều thành phần đã có không ít thay đổi. 

30 năm qua, biết bao nhà kế toán đã bước vào vị trí ấy và từ vị trí ấy đi lên, thành đạt và trưởng thành trong sự tự hào và hãnh diện của nghiệp nghề kế toán - kiểm toán. Những đóng góp của những người làm kế toán và của tổ chức nghề nghiệp kế toán, không chỉ cung cấp những thông tin kinh tế - tài chính tin cậy cho các quyết định quản lý và quyết định kinh doanh, mà quan trọng hơn là hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường Việt Nam, trước hết là cơ chế tài chính - kế toán,  mở cửa và hội nhập với kế toán khu vực và trên thế giới.

Trong sự chộn rộn của nền kinh tế chuyển đổi và của cải cách kinh tế, GS được điều chuyển từ vị trí lãnh đạo Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) về Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm tra Kế toán - Bộ Tài chính. Trên cương vị người tổ chức hoạch định chính sách, GS đã lãnh đạo Vụ khởi xướng và chủ trì từng đề án: thiết lập các quy trình hạch toán; xây dựng các mô hình tổ chức công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán cho từng loại hình doanh nghiệp; rồi đến cải tiến bộ Hệ thống kế toán Việt Nam (1989); xây dựng và trình Nhà nước ban hành Pháp lệnh kế toán và thống kê (năm 1988); ban hành Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước; Điều lệ Kế toán trưởng doanh nghiệp,… những văn bản pháp lý đầu tiên về kế toán Việt Nam; và cũng vẫn là Anh, tham gia sự nghiệp cải cách kế toán Việt Nam khi ở đỉnh cao của nhà khoa học tài chính (1994); chính Anh, cũng là người góp phần tạo dựng Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc (1989), tổ chức nghề nghiệp tiền thân của Hội Kế toán Việt Nam. Có lẽ, Anh cũng không ngờ và sẽ rất vui mừng khi biết rằng, Hội đã trở thành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (2021), đã là thành viên thứ 130 của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và thành viên thứ 7 của Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA) năm 1998. 

VAA - tổ chức nghề nghiệp được thành lập năm 1994 có công lao và ý nguyện của GS đã đảm nhận thành công vai trò phó chủ tịch, chủ tịch nhiệm kỳ 2002 - 2005 và nay tiếp tục là nhiệm kỳ 2022 - 2025. Hội nghị Liên đoàn Kế toán quốc tế năm 1997 và Đại hội Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á lần thứ 14 (năm 2005) đã được tổ chức thành công, khẳng định và xác lập vai trò, cũng như vị thế của tổ chức nghề nghiệp kế toán Việt Nam trong khu vực. 

Tất cả là tầm nhìn, ước nguyện và trí tuệ, công lao của GS. Dấu ấn của GS còn in đậm trong mỗi sự kiện và trong cả bước trưởng thành của tổ chức nghề nghiệp kế toán - kiểm toán Việt Nam. 

Đã từng là lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, trường đại học, Vụ Chế độ Kế toán, Viện Nghiên cứu khoa học Tài chính và Chủ tịch Hiệp hội. Nhưng với chúng tôi, hình bóng và dấu ấn của GS trong nghề Kế toán, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán là khó phai mờ nhất. Ở trong GS, đâu chỉ có công việc và nghề nghiệp, mà còn thấm đượm tình người. GS lo cho cán bộ, hội viên có kiến thức, năng nổ và sáng tạo trong công việc. Với cán bộ trẻ, GS có cái nhìn khoáng đạt và không định kiến. Sự mạnh dạn giao việc cho cán bộ mà theo GS là có năng lực là một cách làm mới, nhưng cũng đã gây cho GS không ít phiền toái. Lòng vị tha cũng có lúc khó dễ cho GS. Với bản tính ngay thẳng, trọng tình người, tin vào mọi điều tốt đẹp và tin vào sự công bằng, chung thủy, GS đã chẳng nề hà, đắn đo, thuyết phục, bảo vệ quyền lợi cho cán bộ, từ đồng lương, từng mét vuông nhà ở, từng hạnh phúc gia đình, từ cuộc sống đời thường đến nguyện vọng được vươn lên, được vào Đảng, được trưởng thành và cống hiến,… Vì hoạt động nghề nghiệp, vì sự tồn tại và phát triển của Hiệp hội, GS làm việc cho đến ngày lâm bệnh. 

Nói lại những điều này, có thể là nhỏ nhoi và vụn vặt, nhưng từ những điều rất nhỏ đã kết thành tầm cao, bề sâu nặng của tâm hồn của đức độ và trí tuệ. Với chúng tôi, những học trò và những cán bộ của GS, những cán bộ đã và đang làm kế toán, làm chế độ kế toán và làm công việc của Hội. Hy vọng, có thể thấy được phần nào công sức tạo dựng của GS cho từng con người hiện ở những cương vị khác nhau, cho một Vụ, một nghề - nghề Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

Xin ghi lại đôi dòng, thay nén nhang thắp lên tưởng niệm nhân 27 năm ngày Anh đi xa. Mãi mãi những thế hệ hôm nay và mai sau của tổ chức nghề nghiệp Kế toán - Kiểm toán Việt Nam không quên và sẽ không bao giờ quên lãng hình bóng GS, con người GS và những việc GS đã làm, đã cống hiến cho nghề nghiệp.

PGS.TS. Đặng Văn Thanh
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo