Tổng Công ty Bảo Minh đính chính gì trong báo cáo tài chính?

Ngọc Thu Chủ nhật, 20/07/2025 16:35 (GMT+7)

Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (HOSE: BMI) vừa công bố văn bản đính chính Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025. Trong các khoản mục đính chính thì sự đảo chiều đáng chú ý trong hai khoản mục dự phòng không chỉ giúp giảm mạnh chi phí mà còn khiến lợi nhuận kế toán tăng vọt thêm gần 381 tỷ đồng.

Hai dòng dự phòng "đảo chiều": Khi chi phí bất ngờ biến thành thu nhập

Phần đầu tiên được điều chỉnh trong báo cáo tài chính của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh là mục “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn”, tức là các khoản trái phiếu hoặc công cụ nợ mà doanh nghiệp dự kiến nắm giữ đến hết thời hạn đầu tư. Giá trị ban đầu của khoản mục này được ghi nhận ở mức hơn 3.365 tỷ đồng, sau điều chỉnh đã tăng lên hơn 3.442 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 77 tỷ đồng.

Mặc dù đây không phải là dòng tiền thực thu trong kỳ, việc điều chỉnh này có thể khiến bức tranh tài chính của doanh nghiệp trông “sáng” hơn, đặc biệt nếu đặt trong bối cảnh đầu tư tài chính là phần không nhỏ trong hoạt động của một doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, tâm điểm của bản đính chính lại nằm ở báo cáo kết quả kinh doanh, nơi mà hai khoản mục chi phí dự phòng bồi thường bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm bất ngờ "quay đầu", chuyển từ chi phí thành thu nhập.

Cụ thể, ban đầu Bảo Minh ghi nhận chi phí "dự phòng bồi thường bảo hiểm và nhận tái bảo hiểm" là +179 tỷ đồng, tức làm giảm lợi nhuận. Nhưng sau điều chỉnh, con số này lại đảo chiều hoàn toàn, trở thành -179 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được “hoàn nhập” khoản dự phòng, từ đó lợi nhuận lại được tăng thêm tương ứng.

Tương tự, chi phí "dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm" ban đầu là +202 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh cũng đảo chiều thành -202 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là cả hai khoản chi phí lớn ban đầu đều "đảo chiều hoàn toàn". Tổng cộng, doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm chi phí tới 380,5 tỷ đồng, tương đương mức tăng tương ứng về lợi nhuận kế toán.

Những con số không thể xem nhẹ

Tiếp đó, nội dung được điều chỉnh tiếp theo là ở khoản "Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước". Cụ thể, số liệu sau điều chỉnh của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh là hơn 17,82 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 376 triệu đồng so với báo cáo ban đầu.

Về mặt tài chính, con số này tuy không lớn so với quy mô tổng tài sản của BMI, nhưng vẫn khiến nợ phải trả tăng lên và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận sau thuế nếu phần nghĩa vụ này liên quan đến kết quả kinh doanh của kỳ hiện tại.

Trái ngược với khoản phải nộp, mục "Thuế và các khoản phải thu Nhà nước" lại ghi nhận mức điều chỉnh tăng từ hơn 9,63 tỷ đồng lên đến gần 27,62 tỷ đồng, tương đương mức tăng thêm gần 18 tỷ đồng.

Khoản mục này phản ánh phần thuế doanh nghiệp đã nộp thừa hoặc được hoàn lại từ ngân sách, ví dụ như thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết, hoặc thuế TNDN đã nộp lớn hơn số phải nộp thực tế. Nhìn ở góc độ tài chính, đây là tín hiệu tích cực bởi giúp gia tăng tài sản ngắn hạn và tạo ra dòng tiền tiềm năng trong tương lai nếu được hoàn thuế.

Tuy nhiên, mức chênh lệch lớn cũng làm dấy lên câu hỏi về tính chính xác của các con số tài chính kinh doanh trong kỳ tính thuế trước đó. Điều này liên quan đến hệ thống kiểm soát thuế nội bộ của BMI.

Bên cạnh các chỉ tiêu tài chính, phần thuyết minh báo cáo của BMI cũng điều chỉnh lại cơ cấu cổ đông, trong đó có sự thay đổi đáng chú ý liên quan đến Công ty TNHH Firstland.

Cụ thể, số lượng cổ phiếu nắm giữ của Firstland giảm từ hơn 6,79 triệu xuống còn 6,62 triệu, làm tỷ lệ sở hữu hạ từ 5,13% xuống 4,99%. Với sự thay đổi này, Firstland chính thức không còn là cổ đông lớn theo quy định của Luật Chứng khoán, vốn quy định ngưỡng cổ đông lớn là từ 5% trở lên và phải công bố thông tin định kỳ cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ hơn.

Điều chỉnh này có thể bắt nguồn từ việc sai số liệu trong báo cáo trước, hoặc chậm cập nhật giao dịch cổ phiếu đã diễn ra. Đồng thời, lượng cổ phiếu giảm của Firstland cũng tương ứng đúng với phần tăng thêm của nhóm cổ đông khác (Employees and others), từ 36,5 triệu lên 36,68 triệu cổ phiếu, củng cố giả thuyết rằng sự thay đổi chỉ đơn thuần là do điều chỉnh phân loại cổ đông.

Dù không ảnh hưởng đến quyền lực biểu quyết một cách đáng kể, thay đổi này vẫn cần được chú ý, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan quản lý ngày càng siết chặt việc công bố thông tin cổ đông, nhất là trong các doanh nghiệp niêm yết.

Doanh thu từ phí bảo hiểm gốc (khoản mục phản ánh nguồn thu chính từ hoạt động bán hợp đồng bảo hiểm của Bảo Minh) điều chỉnh giảm hơn 113 tỷ đồng. Cụ thể, từ mức hơn 1.922 tỷ đồng, doanh thu điều chỉnh xuống còn khoảng 1.809 tỷ đồng.

Đây là một mức điều chỉnh lớn về cách ghi nhận doanh thu ban đầu. Có thể doanh nghiệp đã hạch toán cả những hợp đồng chưa đủ điều kiện ghi nhận, hoặc chưa loại trừ đúng các hợp đồng bị hủy, không có hiệu lực. Ngoài ra, việc điều chỉnh có thể xuất phát từ yêu cầu của kiểm toán hoặc điều chỉnh để tuân thủ chuẩn mực kế toán.

Tác động trực tiếp là sự sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hệ quả kéo theo là các chỉ số tài chính như tỷ suất lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng doanh thu, hiệu quả hoạt động... đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Kết thúc quý I/2025, bức tranh tài chính của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) cho thấy những tín hiệu trái chiều. Dù hoạt động cốt lõi là kinh doanh bảo hiểm ghi nhận điểm sáng về lợi nhuận gộp, nhưng tổng thể kết quả lại bị phủ bóng bởi sự sụt giảm doanh thu và áp lực chi phí gia tăng.

Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm trong quý I đạt 1.340 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2024. Không chỉ dừng lại ở mảng kinh doanh chính, doanh thu từ hoạt động tài chính – vốn là nguồn bổ trợ đáng kể – cũng ghi nhận mức giảm mạnh 37,6%, chỉ còn 48 tỷ đồng. Điều này phản ánh bối cảnh thị trường tài chính thiếu thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm lại tăng 4,14%, khiến áp lực chi phí đè nặng hơn lên hoạt động của Bảo Minh. Dù vậy, một điểm sáng đáng ghi nhận là lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm bất ngờ tăng 25%, đạt gần 107 tỷ đồng. Điều này cho thấy nỗ lực kiểm soát rủi ro và cải thiện hiệu quả nghiệp vụ bảo hiểm đang bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Lợi nhuận sau thuế quý I chỉ đạt 63 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức sụt giảm này là kết quả của sự cộng hưởng từ doanh thu đi xuống, chi phí vận hành tăng và những rủi ro nội tại chưa được hóa giải triệt để.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Bảo Minh đạt 7.575 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2024. Vốn điều lệ vẫn giữ nguyên ở mức 2.851 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm khiến giới quan sát chú ý đặc biệt là tình hình tiền mặt của doanh nghiệp.

Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 57,8%, từ 446 tỷ đồng xuống chỉ còn 188 tỷ đồng. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn của BMI lên tới 3.183 tỷ đồng, tính đến cuối quý I.

Một diễn biến khác cũng thu hút sự quan tâm là khoản mục "chi phí trả trước ngắn hạn" cụ thể là một khoản chi phí trả trước khác của Bảo Minh, đã tăng đột biến từ 4 tỷ đồng lên tới 384 tỷ đồng, tức gấp 96 lần so với cuối năm 2024, chưa có thuyết minh chi tiết

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Bảo Minh đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 7.340 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2024. Trong đó, doanh thu từ bảo hiểm gốc dự kiến đạt 6.316 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm là 702 tỷ đồng và các hoạt động tài chính, bất động sản đầu tư đóng góp 322 tỷ đồng.

Như vậy, theo sổ sách, mặc dù lợi nhuận quý I/2025 của Bảo Minh giảm, nhưng các số liệu chi tiết cho thấy còn nhiều điểm cần được phân tích kỹ lưỡng, đặc biệt là về dòng tiền, chi phí bồi thường và các khoản điều chỉnh kế toán...