Tổng quan về hiệu quả thực hành ESG thông qua phân tích trắc lượng thư mục khoa học sử dụng phần mềm VOSviewer

TS.Lê Quang Dũng, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Đỗ Trà My, Lương Hồng Nhung, Vũ Ngọc Minh Anh, Phạm Tuấn Minh Thứ ba, 06/05/2025 16:09 (GMT+7)

Nghiên cứu sử dụng thống kê mô tả và phân tích thư mục, được hỗ trợ bởi phần mềm VOSviewer về hiệu quả thực hành ESG được phân loại thành ba hướng nghiên cứu chính giải quyết các khía cạnh khác nhau của ESG và góp phần vào hệ thống hóa lý thuyết và cung cấp nền tảng để xác định các xu hướng nghiên cứu hiện tại và các hướng tương lai trong hiệu quả thực hành ESG.

Tóm tắt: Nghiên cứu này nhằm mục đích khám phá và xác định các hướng nghiên cứu chính liên quan đến hiệu quả thực hành ESG. Dữ liệu được thu thập một cách có hệ thống từ cơ sở dữ liệu Scopus (tính đến ngày 31/12/2024), bao gồm 118 công trình nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng thống kê mô tả và phân tích thư mục, được hỗ trợ bởi phần mềm VOSviewer. Các phát hiện cho thấy, các nghiên cứu về hiệu quả thực hành ESG được phân loại thành ba hướng nghiên cứu chính giải quyết các khía cạnh khác nhau của ESG. Nghiên cứu này góp phần vào hệ thống hóa lý thuyết và cung cấp nền tảng để xác định các xu hướng nghiên cứu hiện tại và các hướng tương lai trong hiệu quả thực hành ESG

1. Đặt vấn đề

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang định hình lại bản đồ kinh doanh toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) không chỉ tập trung vào lợi nhuận tài chính mà còn phải cân nhắc các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Sự gia tăng của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và suy thoái môi trường đã đặt ra những thách thức mới cho hoạt động kinh doanh, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh bền vững. Khung ESG, với ba trụ cột chính là môi trường, xã hội và quản trị, đã nổi lên như một tiêu chuẩn toàn cầu, phản ánh nhận thức ngày càng cao về trách nhiệm xã hội của DN trong bối cảnh hiện đại.

Nghiên cứu này nhằm mục tiêu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hành ESG, nhằm cung cấp một cơ sở khoa học cho các DN trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược ESG hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và kinh tế toàn cầu. Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất về ESG, nhưng khái niệm này bao quát một loạt các yếu tố, từ hiệu quả hoạt động, mối quan hệ với các bên liên quan đến các vấn đề quản trị DN. Nghiên cứu của Feeney và cộng sự (2023) đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của ESG trong hoạt động kinh doanh. Khía cạnh môi trường (E) trong ESG tập trung vào tác động sinh thái của DN, bao gồm các nỗ lực giảm thiểu dấu vết carbon, quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường (Senadheera và cộng sự, 2021). Điều này bao hàm các sáng kiến về phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và bảo vệ đa dạng sinh học.

Khía cạnh xã hội (S) phản ánh cam kết của DN đối với các nguyên tắc trách nhiệm xã hội, bao gồm thực hành lao động công bằng, tham gia tích cực vào cộng đồng, thúc đẩy sự đa dạng và đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan (Baid và Jayaraman, 2022).

Khía cạnh quản trị (G) liên quan đến hệ thống quản trị DN, bao gồm các cơ chế, chính sách và thủ tục đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tuân thủ pháp luật. Điều này bao gồm cấu trúc quản trị, đa dạng hóa hội đồng quản trị, quản lý rủi ro và đạo đức kinh doanh (Kouaib và cộng sự, 2020; Manita và cộng sự, 2018).

Khái niệm hiệu quả thực hành ESG đã trở thành trọng tâm của các nghiên cứu và thực tiễn kinh doanh trong những năm gần đây. Việc tích hợp các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị vào hoạt động kinh doanh, không chỉ giúp DN nâng cao uy tín mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài. Nghiên cứu của Rau và Yu (2023) cho thấy, mối liên hệ chặt chẽ giữa hiệu quả thực hành ESG và giá trị DN. Các công ty có điểm ESG cao thường có thanh khoản cổ phiếu tốt hơn và hiệu suất tài chính ổn định hơn (Lu và Cheng, 2023; Pinheiro và cộng sự, 2023).

Trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng, như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội, việc hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hành ESG là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp DN đưa ra các quyết định kinh doanh có trách nhiệm mà còn đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của các nhà đầu tư, khách hàng và các bên liên quan khác. Bằng cách tập trung vào ESG, DN có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường.

Nghiên cứu trước đây đã tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như ngành ngân hàng (Galletta và cộng sự, 2022) và định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực ESG (Senadheera và cộng sự, 2022; Wan và cộng sự, 2023) thông qua việc áp dụng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một tổng quan hệ thống về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hành ESG trên phạm vi rộng.

Nghiên cứu này nhằm mục tiêu lấp đầy khoảng trống đó, bằng cách tiến hành một đánh giá toàn diện về các nghiên cứu hiện có liên quan đến các yếu tố tác động đến hiệu quả thực hành ESG trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện ESG, bởi nó giúp các tổ chức hiểu rõ hơn về những động lực thúc đẩy và các rào cản đối với nỗ lực phát triển bền vững. Bằng cách xác định và phân tích các yếu tố ảnh hưởng này, các tổ chức có thể đưa ra quyết định chiến lược sáng suốt, đặt ra các mục tiêu thực tế và triển khai các chiến lược hiệu quả để nâng cao hiệu quả thực hành ESG. Do mỗi công ty đều có chiến lược và cách tiếp cận ESG riêng biệt, việc thực hiện nghiên cứu phân tích trắc lượng thư mục khoa học sử dụng phần mềm VOSviewer nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hành ESG sẽ mang lại giá trị to lớn cho các tổ chức trong việc định hướng và phát triển bền vững.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp trắc lượng thư mục khoa học được sử dụng nhằm khảo sát các mối quan hệ giữa những yếu tố thư mục của các công trình nghiên cứu liên quan đến hiệu quả thực hành ESG. Nhóm tác giả chỉ xem xét các bài báo tiếng Anh, xuất bản trước ngày 01/01/2025, từ các tạp chí khoa học có tiêu đề chứa từ khóa “ESG performance” hoặc “Environment, social and governance performance” thuộc lĩnh vực quản trị, kế toán, kinh tế và tài chính, xuất hiện trong mọi trường dữ liệu được truy xuất từ cơ sở dữ liệu Scopus.

Với 118 nghiên cứu đã thu thập được, nhóm tác giả tiến hành phân tích thống kê mô tả thông qua các chỉ số bao gồm số lượng bài báo mỗi năm, số lần trích dẫn, loại tài liệu, quốc gia của tác giả, tạp chí xuất bản và tên tác giả. Các thông tin này cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan về xu hướng nghiên cứu về hiệu quả thực hành ESG theo thời gian. Sau đó, nhóm tác giả tiến hành phân tích đồng trích dẫn và từ khóa bằng phần mềm VOSviewer phiên bản 1.6.20. Kỹ thuật này nhóm các nghiên cứu được trích dẫn từ các nguồn tương tự và phân loại chúng thành các cụm, tạo ra bản đồ có hệ thống các nghiên cứu có liên quan và đặt tên theo nội dung chung. Cuối cùng, nhóm tác giả đã chỉ định từ khóa cho các cụm đã xác định và phân tích từ khóa, từ đó xác định hướng nghiên cứu trong tương lai.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Phân tích thống kê

Số lượng bài báo và trích dẫn

Số lượng bài báo và số lần trích dẫn đều tăng đáng kể trong khoảng từ năm 2022 đến 2024. Đây là giai đoạn sau đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, khi các vấn đề về môi trường và xã hội trở nên căng thẳng, trở thành tâm điểm của các nhà khoa học nghiên cứu.

Hình 1: Thống kê số bài báo và trích dẫn theo năm xuất bản

Số lượng nghiên cứu được công bố theo quốc gia

Với dữ liệu được lọc theo số lượng nghiên cứu, từ năm nghiên cứu trở lên trên mỗi quốc gia. Kết quả trong Hình 2 cho thấy, sự đa dạng của các nghiên cứu đã công bố theo quốc gia. Trung Quốc là quốc gia có số nghiên cứu lớn nhất và chiếm tỷ lệ đáng kể.

Để nghiên cứu mối quan hệ đồng tác giả giữa các quốc gia, tác giả sử dụng phần mềm VOSViewer với điều kiện tối thiểu là mỗi quốc gia có ít nhất năm bài báo. Kết quả nghiên cứu này được trình bày trong Hình 3, như sau.

Hình 3. Bản đồ trực quan về mạng lưới hợp tác giữa các quốc gia có tối thiểu 5 nghiên cứu được công bố

Số lượng nghiên cứu theo loại tài liệu xuất bản

Tổng số liệu nghiên cứu liên quan đến hiệu quả thực hành ESG, từ cơ sở dữ liệu Scopus trong giai đoạn 2016 – 2024. Phân loại theo loại tài liệu như thể hiện trong Hình 3 cho thấy, các bài báo khoa học, bài báo hội nghị và chương sách chiếm phần lớn, trong khi các loại tài liệu còn lại chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Hình 4. Số lượng nghiên cứu theo loại tài liệu xuất bản

Ngoài ra, khi thực hiện phân tích thống kê theo tạp chí, các nghiên cứu liên quan đến Hiệu quả thực hành ESG đã được công bố trên nhiều tạp chí. Tuy nhiên, số lượng bài viết trên mỗi tạp chí khá hạn chế, với hầu hết các tạp chí chỉ xuất bản một đến ba bài viết về chủ đề này. Các tạp chí có nhiều ấn phẩm về chủ đề này thường có 2-3 bài báo trên mỗi tạp chí. Danh sách các tạp chí có nhiều ấn phẩm nhất về chủ đề này được trình bày trong Bảng 1. Các tạp chí này có chỉ số trích dẫn cao, được xếp hạng Scopus Q1.

3.2. Phân tích đồng trích dẫn

Phần mềm VOSviewer cho phép tạo bản đồ và hình ảnh hóa mạng lưới dữ liệu và phân tích dựa trên các yếu tố như tạp chí, tác giả, nghiên cứu riêng lẻ và có thể được xây dựng dựa trên trích dẫn, liên kết thư mục, trích dẫn chung. Dữ liệu thu thập được từ Scopus, bao gồm 118 nghiên cứu về hiệu quả thực hiện ESG. Tác giả đã thực hiện phân tích trích dẫn chung, với điều kiện mỗi nghiên cứu được trích dẫn ít nhất 50 lần. Kết quả phân tích cho thấy, có 03 nhóm trong mạng lưới trích dẫn chung của các tài liệu ESG, bao gồm 10 tác giả.

Hình 5. Bản đồ phân tích trích dẫn đồng thời với tối thiểu 50 lượt trích dẫn

Bảng 2. Thống kê các tác giả được nhiều trích dẫn nhất

Thứ tự Tên các tác giả Tên bài báo Năm Số lần trích dẫn
1 Broadstock D.C.; Chan K.; Cheng L.T.W.; Wang X. The role of ESG performance during times of financial crisis: Evidence from COVID-19 in China 2021 746
2 Zhou G.; Liu L.; Luo S. Sustainable development, ESG performance and company market value: Mediating effect of financial performance 2022 298
3 Mervelskemper L.; Streit D. Enhancing Market Valuation of ESG Performance: Is Integrated Reporting Keeping its Promise? 2017 209
4 Aydoğmuş M.; Gülay G.; Ergun K. Impact of ESG performance on firm value and profitability 2022 195
5 Bai X.; Han J.; Ma Y.; Zhang W. ESG performance, institutional investors’ preference and financing constraints: Empirical evidence from China 2022 95
6 Cohen S.; Kadach I.; Ormazabal G.; Reichelstein S. Executive Compensation Tied to ESG Performance: International Evidence 2023 87
7 Harjoto M.A.; Wang Y. Board of directors network centrality and environmental, social and governance (ESG) performance 2020 82
8 Shin J.; Moon J.J.; Kang J. Where does ESG pay? The role of national culture in moderating the relationship between ESG performance and financial performance 2023 75
9 Qoyum A.; Sakti M.R.P.; Thaker H.M.T.; AlHashfi R.U. Does the islamic label indicate good environmental, social, and governance (ESG) performance? Evidence from sharia-compliant firms in Indonesia and Malaysia 2022 51
10 Naeem N.; Cankaya S.; Bildik R. Does ESG performance affect the financial performance of environmentally sensitive industries? A comparison between emerging and developed markets 2022 50

Nguồn: dữ liệu từ Scopus, 2025

3.3. Phân tích từ khóa

Tác giả tiếp tục phân tích từ khóa bằng phần mềm VOSViewer trên tập dữ liệu bài viết lấy từ Scopus, với điều kiện từ khóa xuất hiện ít nhất 15 lần. Kết quả cho thấy, có 17 từ khóa đáp ứng tiêu chí phân tích. Tuy nhiên, tác giả đã xem xét và loại bỏ 6 từ khóa trùng lặp hoặc không liên quan để lại 11 từ khóa để phân tích. Kết quả phân tích từ khóa bằng VOSViewer được chia thành 03 nhóm, như thể hiện trong Hình 6 và Bảng 3 dưới đây.

Bảng 3. Thống kê phân tích từ khóa

Cụm Số từ khóa Từ khóa và số lần xuất hiện Chủ đề của cụm
1 5 ·      Bank, (40)
·   ESG performance, (368) 
 .    ESG score, (34)
 ·      Firm value, (18)
 ·      Sustainability, (28)
Nghiên cứu về mối quan hệ của hiệu quả thực hành ESG (đo lường thông qua điểm ESG) và giá trị DN hoặc tính bền vững của các ngân hàng.
2 4 ·      China, (22)
 ·      Corporate, ESG performance, (43)
 ·      Enterprise, (60)
 ·      Green innovation, (34)
Nghiên cứu về mối quan hệ của hiệu quả thực hành ESG và đổi mới xanh tại các DN Trung Quốc.
3 2 ·      Covid, (23)
 ·      Financial performance, (27)
Nghiên cứu về mối quan hệ của hiệu quả thực hành ESG với hiệu quả tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nguồn: nhóm tác giả phân tích dữ liệu từ Scopus thông qua VOSviewer, 2025

4. Các hướng nghiên cứu và kết luận

Bằng cách sử dụng các phương pháp thống kê mô tả và phân tích thư mục, phân tích đồng trích dẫn và phân tích từ khóa 118 nghiên cứu liên quan đến hiệu quả thực hành ESG được thu thập từ cơ sở dữ liệu Scopus tính đến ngày 31/12/2024. Kết quả cho thấy, chủ đề này đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhóm tác giả đã chia nghiên cứu thành ba hướng chính, như sau:

Hướng nghiên cứu thứ nhất, nghiên cứu về mối quan hệ của hiệu quả thực hành ESG (đo lường thông qua điểm ESG) và giá trị DN hoặc tính bền vững của các ngân hàng

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp định lượng để phân tích mối quan hệ giữa hiệu quả thực hành ESG, đo lường qua điểm ESG và giá trị DN hoặc tính bền vững của các ngân hàng. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật thống kê, đặc biệt là hồi quy đa biến, nghiên cứu nhằm tìm kiếm bằng chứng về mối liên kết giữa các biến số. Kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ xác định mức độ tác động của điểm ESG đến giá trị DN và tính bền vững của các ngân hàng, đồng thời làm rõ vai trò trung gian của các yếu tố khác. Ngoài ra, nghiên cứu cũng có thể phân tích sâu hơn mối quan hệ này trong các nhóm ngân hàng khác nhau, góp phần làm rõ hơn vai trò của ESG trong ngành ngân hàng. Các nghiên cứu đại diện cho hướng này, bao gồm Siwiec và Karkowska, (2024); Cankaya và Simsek, (2021).

Hướng nghiên cứu thứ hai, nghiên cứu về mối quan hệ của hiệu quả thực hành ESG và đổi mới xanh tại các DN Trung Quốc

Nghiên cứu này nhằm, định lượng hóa mối quan hệ nhân quả giữa hiệu quả thực hành ESG và mức độ đổi mới xanh trong bối cảnh kinh tế chuyển đổi của Trung Quốc. Bằng việc áp dụng mô hình hồi quy đa biến và kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng khác, nghiên cứu kỳ vọng sẽ làm rõ cơ chế tác động của ESG đối với đổi mới xanh, đồng thời bổ sung vào lý thuyết về quản lý bền vững. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và DN Trung Quốc, cung cấp bằng chứng khoa học về tầm quan trọng của việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Những nghiên cứu tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là Zhang và cộng sự, (2024); Li, (2024).

Hướng nghiên cứu thứ ba, nghiên cứu về mối quan hệ giữa hiệu quả thực hành ESG với hiệu quả tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Nghiên cứu này đóng góp vào thực tiễn quản lý bền vững, bằng cách phân tích tác động phức tạp của đại dịch Covid-19 đến mối quan hệ giữa hiệu quả thực hành ESG và hiệu suất tài chính của DN.

Thông qua việc áp dụng mô hình hồi quy, nghiên cứu phân tích sự gián đoạn trước và sau đại dịch, để làm rõ vai trò trung gian của ESG trong việc giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng thích ứng của DN trước những cú sốc kinh tế bất ngờ. Kết quả nghiên cứu không chỉ cung cấp bằng chứng khoa học về tầm quan trọng của việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh mà còn gợi mở những hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu và thực tiễn quản lý. Các nghiên cứu điển hình thuộc lĩnh vực này bao gồm Amosh và Khatib (2023); Hwang và Kim (2021).

Phân tích trắc lượng thư mục khoa học bằng phần mềm VOSviewer cho thấy, một xu hướng nghiên cứu nổi bật về mối quan hệ giữa các thực hành ESG và hiệu quả hoạt động của DN. Các nghiên cứu gần đây, tập trung vào việc định lượng hóa tác động của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị đối với hiệu suất tài chính, đồng thời khám phá cơ chế truyền dẫn giữa các yếu tố này. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mô hình định lượng phức tạp, giúp làm rõ hơn mối liên kết giữa ESG và các chỉ số tài chính. Các chủ đề nghiên cứu đang được quan tâm bao gồm: tương quan giữa ESG và hiệu suất tài chính; ESG và quản lý rủi ro; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy trong đánh giá ESG,…

Kết quả phân tích trắc lượng thư mục khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của ESG trong nghiên cứu quản trị DN, các nhà nghiên cứu đang không ngừng tìm kiếm những bằng chứng thực nghiệm mới để làm rõ hơn mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả hoạt động của DN. Đồng thời, cung cấp những gợi ý chính sách cho các nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách.


Tài liệu tham khảo

Amosh, H. & Khatib, S.F.A. (2023). Covid-19 impact, financial and ESG performance: Evidence from G20 countries. Business Strategy & Development. 10.1002/bsd2.240.

Baid, V. & Jayaraman, V. (2022). Amplifying and promoting the “S” _in ESG investing: the case for social responsibility in supply chain financing. Manag. Finance, 48 (8), 1279–1297. https://doi.org/10.1108/MF-12-2021-0588.

Cankaya, S. & Simsek, O. (2021). Examining the relationship between ESG scores and financial performance in banks: Evidence from G-8 countries. 10.17261/Pressacademia.2021.1524.

Feeney, M., Grohnert, T., Gijselaers, W., & Martens, P. (2023). Organizations, learning, and sustainability: a cross-disciplinary review and research agenda. J. Bus. Ethics, 184 (1), 217–235.