Nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam

TS. Nguyễn Hoàng Diệu Hiền - CHV. Hoàng Thị Hồng Thứ ba, 29/04/2025 09:56 (GMT+7)

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính kết hợp với định lượng, cùng với mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) để kiểm định mối quan hệ giữa các yếu tố: áp lực cạnh tranh, định hướng thị trường, mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị và thực hiện kế toán quản trị chiến lược đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam.


Ảnh minh họa

Dữ liệu được thu thập từ 194 bảng khảo sát, trong đó có 171 phiếu hợp lệ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố trên đều có tác động thuận chiều và có ý nghĩa thống kê đến Hiệu quả hoạt động kinh doanh (PERF). Trong đó, Thực hiện kế toán quản trị chiến lược (SMA) có tác động mạnh nhất, tiếp đến là Áp lực cạnh tranh (CI), Định hướng thị trường (MO) và Mức độ sử dụng hệ thống kế toán quản trị (MAS). Nghiên cứu cung cấp cơ sở thực tiễn để các doanh nghiệp xây dựng áp dụng hệ thống thông tin kế toán quản trị chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng, năm 2023, ngành xây dựng Việt Nam gặp phải những dấu hiệu kém tích cực. Vấn đề ứ đọng vốn, thiếu vốn, suy giảm niềm tin thị trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến thị trường bất động sản có ít hoặc hầu như không có giao dịch. Theo thống kê của Vietnam Report, hơn một nửa số doanh nghiệp xây dựng niêm yết có doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm so với năm trước. Thêm nữa, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản liên tục phải đổi mới để có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững.

Kế toán quản trị (Management Accounting – MA), đặc biệt là Kế toán quản trị chiến lược (Stragetic Management Accounting - SMA) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thông tin cho các nhà quản trị doanh nghiệp để thực hiện các chức năng của mình như hoạch định, kiểm soát và ra quyết định, từ đó tối đa hóa giá trị khách hàng và giá trị cổ đông (Kim Langfield-Smith và cộng sự, 2021). Định hướng thị trường, mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị và thực hiện kế toán quản trị chiến lược là những yếu tố chính để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào thực hành hệ thống kế toán tài chính, thiếu đầu tư vào hệ thống thông tin kế toán quản trị. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về mối quan hệ giữa áp lực cạnh tranh, định hướng thị trường, mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị, thực hiện kế toán quản trị chiến lược với hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam. Từ đó, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng kế toán quản trị chiến lược, định hướng thị trường, sử dụng hệ thống kế toán quản trị, và quản lý áp lực cạnh tranh trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Tổng quan nghiên cứu

Các nghiên cứu trước đây (Avlonitis & Gounaris, 1997; Laela et al., 2018; Noordin et al., 2015) đã khẳng định vai trò quan trọng của kế toán quản trị chiến lược và định hướng thị trường trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động kinh doanh dựa vào định hướng thị trường thường phát triển vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị chiến lược cũng có mối quan hệ đáng kể đối với hiệu quả hoạt động của công ty.

Nghiên cứu trong nước của Đỗ Huyền Trang và cộng sự (2020) với mục tiêu xem xét mối quan hệ giữa mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị trên phạm vi rộng, định hướng thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tác giả đã khảo sát 149 nhà quản lý cấp cao và cấp trung đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Kết quả cho thấy mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị trên phạm vi rộng có tác động trực tiếp tích cực đến các khía cạnh định hướng thị trường (bao gồm tạo thông tin, phổ biến thông tin và phản hồi). Sau đó, các khía cạnh định hướng thị trường cũng có tác động trực tiếp tích cực đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, ngoại trừ việc phổ biến thông tin. Hơn nữa, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các khía cạnh định hướng thị trường đóng vai trò trung gian cho mối quan hệ giữa mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị trên phạm vi rộng và hiệu quả hoạt động của công ty.

Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Phượng (2023), với mục tiêu xem xét mối quan hệ giữa định hướng thị trường và kết quả thực nghiệm ở một số doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả cho thấy định hướng thị trường tác động trực tiếp và tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực này.

Với mục tiêu đánh giá tác động của áp lực cạnh tranh và khả năng đổi mới đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nghiên cứu của Noorlailie Soewarno và Bambang Tjahjadi (2020) đã sử dụng phương pháp định lượng với mẫu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dệt ở Đông Java, Indonesia. Các tác giả cho thấy: (1) áp lực cạnh tranh có tác động trực tiếp tích cực đến hiệu quả kinh doanh; (2) áp lực cạnh tranh ảnh hưởng tích cực đến năng lực đổi mới; (3) năng lực đổi mới ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh; (4) năng lực đổi mới có vai trò trung gian, tác động lên hiệu quả kinh doanh. Những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy các nhà quản lý trong ngành dệt nên tăng cường nỗ lực đối phó với áp lực cạnh tranh cao nhằm nâng cao khả năng đổi mới, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Nghiên cứu của Lê Mộng Huyền, Trần Thị Oanh và Đỗ Huyền Trang (2020) xem xét tác động trực tiếp và gián tiếp của mức độ cạnh tranh, sự thay đổi chiến lược và phạm vi thông tin kế toán quản trị đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Kết quả cho thấy cạnh tranh và thay đổi chiến lược có ảnh hưởng tích cực đến của thông tin kế toán quản trị phạm vi rộng, qua đó cải thiện hiệu quả kinh doanh. Phạm vi thông tin kế toán quản trị đóng vai trò trung gian toàn phần giữa cạnh tranh và kết quả tài chính. Đồng thời, nó là trung gian một phần trong mối quan hệ giữa cạnh tranh và kết quả phi tài chính.

Đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này, tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào ngành sản xuất hoặc dịch vụ, trong khi chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này đóng góp vào khoảng trống học thuật bằng cách kiểm định mô hình tại một lĩnh vực đặc thù có tính cạnh tranh cao.

3. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Theo lý thuyết cơ sở kiến thức (Knowledge Based Theory), việc học hỏi được chứng minh là một nguồn lực có giá trị của doanh nghiệp (Valuable) có thể dẫn đến lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh doanh vượt trội (Grant, 1996). Lý thuyết này có nguồn gốc từ quản trị chiến lược. Nó xây dựng và mở rộng dựa trên nguồn lực của công ty (RBV). Kiến thức đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp đạt lợi được thế cạnh tranh.

Lý thuyết cơ sở nguồn lực (Resource Based View): tập trung vào việc phân tích nguồn lực bên trong và bên ngoài. Nếu doanh nghiệp khai thác tốt các nguồn lực hiện có thì có khả năng tạo thế cạnh tranh. Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khi nó có thể tạo ra giá trị kinh tế hơn so với tranh thủ cạnh tranh (thậm hòa chí vốn) trong thị trường sản phẩm của mình (J. B. Barney & Clark, 2007).

Dựa vào lý thuyết cơ sở kiến thức và lý thuyết cơ sở nguồn lực, kết quả các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này mục tiêu đánh giá tác động của áp lực cạnh tranh, định hướng thị trường, mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị và thực hiện kế toán quản trị chiến lược đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm có bốn biến độc lập bao gồm: (1) Áp lực cạnh tranh; (2) Định hướng thị trường; (3) Mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị; (4) Thực hiện kế toán quản trị chiến lược, tương ứng với 4 giả thuyết nghiên cứu:

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thu thập dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp. Dữ liệu thứ cấp được thu thập thông qua tổng quan nghiên cứu, các tài liệu liên quan đến đề tài. Nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập qua phiếu khảo sát và được gửi trực tiếp qua email của đối tượng nghiên cứu. Đối tượng trả lời là nhà quản trị cấp trung (trưởng phó các phòng ban, dự án) ở các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định lượng thông qua phân tích Cronbach’s Alpha để kiểm định thang đo và phân tích nhân tố khám phá EFA để nhóm và loại các biến không phù hợp. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính để đánh giá mức độ quan trọng của các nhân tố ảnh hưởng đến việc tạo động lực cho nhân viên.

4. Kết quả nghiên cứu

Trong số 194 phiếu khảo sát gửi đi, kết quả thu được có 171 phiếu hợp lệ, đạt yêu cầu về phân phối chuẩn và đủ tiêu chuẩn để đưa vào phân tích định lượng chính thức.

Trong số 171 mẫu khảo sát, doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số với 88 đơn vị (51.46%), tiếp theo là công ty cổ phần với 49 đơn vị (28.65%) và công ty trách nhiệm hữu hạn với 34 đơn vị (19.88%); Về Quy mô công ty: có 8 công ty có vốn dưới 1 tỷ đồng (chiếm 4.7%), 85 công ty có vốn từ 1-10 tỷ đồng (49.7%), 70 công ty có vốn từ 10-100 tỷ đồng (40.9%), và 8 công ty có vốn trên 200 tỷ đồng (4.7%). Sự phân bố này thể hiện một bức tranh đa dạng về quy mô vốn, từ các doanh nghiệp siêu nhỏ đến những công ty có tiềm lực tài chính mạnh.

Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo cho thấy, các biến đều có Hệ số Cronbach’s alpha từ 0.822 đến 0.919.

Kết quả phân tích EFA

- Kết quả kiểm định cho 32 biến quan sát (sau khi loại biến MAS7, MAS1, MAS11, PERF6) có hệ số KMO = 0,890, thỏa mãn điều kiện (0,5< 0,890 < 1), giá trị Sig = 0,000 < 0,05, do đó phân tích nhân tố là phù hợp với dữ liệu thu thập, các biến có tương quan với nhau và đủ điều kiện để phân tích nhân tố EFA.

- Kết quả phân tích EFA với tiêu chuẩn giá trị Eigenvalues lớn hơn 1 thì có 4 nhân tố được rút trích với tổng phương sai trích là 59,778% (> 50%). Tất cả hệ số tải nhân tố các nhân tố đều >0,5. Các biến đều thỏa mãn giá trị hội tụ và giá trị phân biệt, do đó các thang đo đều có giá trị cao để đánh giá các biến tương ứng.

Mô hình cấu trúc tuyến tính

Mô hình giả thuyết bao gồm 5 biến, trong đó có 4 biến độc lập 1 biến phụ thuộc, sau khi phân tích bằng phương pháp SEM, kết quả thu được như bảng sau:

(Nguồn: kết quả xử lý Amos 20.0 của tác giả)

  Dựa trên kết quả phân tích SEM, các biến độc lập gồm Thực hiện kế toán quản trị chiến lược (SMA), Định hướng thị trường (MO), Mức độ sử dụng hệ thống kế toán quản trị (MAS), và Áp lực cạnh tranh (CI) đều có tác động thuận chiều và có ý nghĩa thống kê đến biến phụ thuộc hiệu quả hoạt động kinh doanh (PERF).

Thực hiện kế toán quản trị chiến lược (SMA) có tác động mạnh mẽ nhất đến hiệu quả hoạt động kinh doanh (PERF) với hệ số hồi quy chuẩn hóa là 0,361 và mức ý nghĩa thống kê cao (p < 0,001).

Áp lực cạnh tranh (CI) cũng có một tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động kinh doanh (PERF) với hệ số hồi quy chuẩn hóa là 0,336 và mức ý nghĩa thống kê cao (p < 0,001).

 Định hướng thị trường (MO) cũng có tác động thuận chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh (PERF) với hệ số hồi quy chuẩn hóa là 0,225 và p-value là 0,003 (< 0,05).

Mức độ sử dụng hệ thống kế toán quản trị (MAS) cũng có tác động thuận chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh (PERF), mặc dù với mức độ thấp nhất trong các biến được xem xét (hệ số hồi quy chuẩn hóa là 0,132 và p-value là 0,045).

5. Kết luận, kiến nghị và giải pháp

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ giữa các biến độc lập là thuận chiều và có ý nghĩa thống kê. Từ những phát hiện này, tác giả đề xuất một số kiến nghị cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, nhu cầu và mong muốn của khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu thị trường để tạo ra sản phẩm phù hợp, đồng thời chia sẻ chiến lược phát triển với khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ hai, thông tin từ kế toán quản trị chiến lược ngày càng giữ vai trò then chốt trong việc thực hiện các chiến lược cạnh tranh, quản trị nguồn lực và gia tăng giá trị khách hàng. Việc sử dụng thường xuyên và hiệu quả thông tin này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình hoạch định, kiểm soát và ra quyết định, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, áp lực cạnh tranh có tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phân tích sâu và toàn diện các yếu tố ảnh hưởng như đối thủ cạnh tranh, nguy cơ từ sản phẩm thay thế và mức độ cạnh tranh trong ngành. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho cả ngắn hạn và dài hạn.

Tài liệu tham khảo

Avlonitis, G. J., & Gounaris, S. P. (1997). Marketing orientation and company performance: industrial vs. consumer goods companies. Industrial marketing management, 26(5), 385-402.

Noordin, R., Zainuddin, Y., Mail, R., & Sariman, N. K. (2015). Performance outcomes of strategic management accounting information usage in Malaysia: insights from electrical and electronics companies. Procedia Economics and Finance, 31, 13-25.

Laela, S. F., Rossieta, H., Wijanto, S. H., & Ismal, R. (2018). Management accounting-strategy coalignment in Islamic banking. International Journal of Islamic and Middle Eastern Finance and Management, 11(4), 667-694.

Soewarno, N., & Tjahjadi, B. (2020). Measures that matter: an empirical investigation of intellectual capital and financial performance of banking firms in Indonesia. Journal of Intellectual Capital21(6), 1085-1106. https://doi.org/10.1108/JIC-09-2019-0225

Lê Mộng Huyền, Trần Thị Qanh, Đỗ Huyền Trang, (2020). Mối quan hệ của cạnh tranh, chiến lược, thông tin kế toán quản trị và kết quả hoạt động kinh doan. Tạp chí Kinh  tế & Phát triển (274).

 Nguyễn Hoàng Dũng (2016), Thông tin kế toán quản trị: Công cụ hữu hiệu thực hiện các mục tiêu quản lý. Tap chi Tai chinh Online. doi:https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/thong-tin-ke-toan-quan-tri-cong-cu-huu-hieu-thuc-hien-cac-muc-tieu-quan-ly-114590.html

Nguyễn Phong Nguyên, Đoàn Ngọc Quế, (2016). Tác động của định hướng thị trường và áp lực cạnh tranh đến mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị nhằm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế.

 Nguyễn Phong Nguyên (2018),Vai trò của kế toán quản trị trong việc nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Công Thương.

Nguyễn Thị Mỹ Phượng (2023) với nghiên cứu “Mối quan hệ giữa định hướng thị trường và kết quả kinh doanh: Nghiên cứu thực nghiệm một số doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Công thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 03/2023

Phan Thanh Mai (2019). Tác động của chiến lược kinh doanh đến mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị để nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và lớn ở Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.

Langfield-Smith, K., Smith, D., Andon, P., Hilton, R., & Thorne, H. (2021). Management Accounting: Information for creating and managing value (9th ed.). McGraw-Hill.