Kiểm toán không xác minh được khoản phải thu của SD4 từ Tổng Công ty Sông Đà
Hiền Anh - Huyền Vy Thứ năm, 03/07/2025 10:38 (GMT+7)
SD4 còn có hàng loạt khoản phải thu có vấn đề, dự án thủy điện Xekaman 1 xây xong nhưng không nghiệm thu, bù giá. Trong khi, một thành viên khác của Tổng Công ty Sông Đà là SDU lại bị truy thu thuế hơn 12 tỷ đồng.
Công ty Sông Đà 4 có hàng loạt khoản phải thu bất thường
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, đơn vị kiểm toán Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do lo ngại về các khoản phải thu quá hạn và công nợ chưa được xác nhận tại Công ty Sông Đà 4 (mã SD4).
Tính đến cuối năm 2024, SD4 đang đối mặt tổng cộng 200 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn đều đã quá hạn thanh toán, bao gồm: 195 tỷ đồng từ khách hàng và 5 tỷ đồng từ các khoản phải thu khác. Trong khi đó, số tiền dự phòng rủi ro của công ty hiện chỉ ở mức 7,14 tỷ đồng, cho thấy sự chênh lệch lớn giữa rủi ro tiềm ẩn và khả năng bù đắp.
Ngoài ra, một loạt khoản mục chưa được xác nhận đối chiếu bao gồm: Gần 201 tỷ phải thu khách hàng, 6,9 tỷ đồng tạm ứng 117 tỷ đồng nợ phải trả. Cùng với đó là khoản phải thu hơn 18 tỷ từ Tổng Công ty Sông Đà, ghi nhận là lãi phạt chậm thanh toán dự án thủy điện Xekaman 1 nhưng kiểm toán không thể xác minh việc ghi nhận là hợp lý.
Ngoài các vấn đề về phải thu, SD4 còn đang đối mặt với thách thức lớn từ dự án thủy điện Xekaman 1, vốn đã dở dang kéo dài gần một thập kỷ. Mặc dù công trình đã hoàn tất xây dựng từ cuối năm 2016, song đến nay vẫn chưa nghiệm thu, bù giá. Tại thời điểm kiểm toán, dự án này ghi nhận 43 tỷ đồng nợ phải thu và 56 tỷ đồng chi phí sản xuất dở dang chưa được quyết toán. SD4 cho biết nguyên nhân là do đặc thù ngành xây lắp kéo dài, và vẫn đang phối hợp với chủ đầu tư để hoàn tất hồ sơ thanh toán.
Dự án Xekaman 1 dở dang kéo dài gần một thập kỷ
SD4 vừa công bố gia hạn thêm 1 năm thời gian chi trả cổ tức năm 2016, đẩy hạn thanh toán từ 30/06/2025 sang 30/06/2026. Đây là lần thứ 13 doanh nghiệp hoãn thanh toán khoản cổ tức đã chốt quyền từ tháng 1/2018.
Cổ tức dự kiến chi trả là 15%, tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu(cp) tổng giá trị khoảng 15,5 tỷ cho hơn 10,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, suốt 7 năm qua, SD4 vẫn chưa thực hiện bất kỳ lần chi trả nào.
Lý do được đưa ra vẫn là do chưa thu hồi được công nợ từ các chủ đầu tư, dẫn đến mất cân đối tài chính điều mà Công ty từng viện dẫn trong các lần gia hạn trước.
Tính đến nay, SD4 vẫn còn 5,4 tỷ cổ tức năm 2016 chưa thanh toán. Các khoản cổ tức từ năm 2017 đến 2019 (tổng gần 26 tỷ) chưa được xác lập danh sách người nhận vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp.
SD4 lỗ lũy kế hàng trăm tỷ, vốn chủ sở hữu âm, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội...Kiểm toán đã đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của SD4 trong thời gian tới.
Quý 1/2025 tiếp tục lỗ 4 tỷ, giảm so với mức lỗ 14,1 tỷ cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân không đến từ cải thiện hoạt động mà là do doanh thu sụt giảm gần 50% và không ký được hợp đồng mới, trong khi chi phí tài chính và giá vốn có xu hướng giảm nhẹ.
Đô thị Sông Đà bị xử phạt và truy thu thuế hơn 12 tỷ đồng
Một thành viên khác của Tổng Công ty Sông Đà (mã SJG) là CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (Đô thị Sông Đà, MCK: SDU, sàn HNX) vừa có văn bản công bố thông tin về việc nhận được Quyết định số 25293/QĐ-CCTKV01-TTKT1-XPVPHC của Chi cục Thuế Khu vực I về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính gồm kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) mua vào tương ứng hóa đơn của các đơn vị có thông báo không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh; kê khai sai thời điểm doanh thu tính thuế, thuế GTGT đầu ra tương ứng.
Ngoài ra, công ty đã hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong kỳ hóa đơn đầu vào của đơn vị có thông báo không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; kê khai sai số thuế TNDN tạm nộp 1% khi quyết toán thuế TNDN; kê khai thiếu doanh thu, chi phí tính thuế TNDN (đã hạch toán trên sổ kế toán), kê khai chi phí tính thuế không tương ứng doanh thu trong kỳ (thuộc các kỳ đã được kiểm toán nhà nước), thù lao thành viên HĐQT không trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh; kê khai chi phí tài chính vượt 30% mức khống chế đối với đơn vị có giao dịch liên kết.
Do đó, Đô thị Sông Đà bị phạt gần 1,4 tỷ đồng đối với hành vi kê khai sai làm tăng số thuế phải nộp qua kiểm tra và phạt 120 triệu đồng do lập hóa đơn không đúng thời điểm.
Đồng thời, doanh nghiệp còn phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc nộp đủ hơn 2,6 tỷ đồng tiền thuế GTGT thiếu, hơn 4,2 tỷ đồng tiền thuế TNDN thiếu từ hoạt động kinh doanh bất động sản và gần 226,8 triệu đồng tiền thuế TNDN thiếu từ hoạt động kinh doanh khác.
Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp thuế TNDN hơn 2 tỷ đồng và chậm nộp thuế GTGT hơn 1,5 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp tiền thuế được tính đến hết ngày 15/3/2025, SDU phải tự tính và nộp số tiền chậm nộp tiền thuế kể từ ngày này đến ngày nộp đủ số tiền thuế chậm nộp vào ngân sách Nhà Nước.
Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp mà SDU phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 12 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà được thành lập từ năm 2007, là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (MCK: SJG, UPCoM).
Theo như giới thiệu trên website, Đô thị Sông Đà là chủ đầu tư của các dự án gồm Dự án Tòa nhà Hỗn hợp Sông Đà - Hà Đông; Dự án khu nhà hỗn hợp cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú - Hà Đông; Dự án tổ hợp cao ốc Sông Đà – CNT Plaza tại TP.HCM; Dự án Khu nhà ở Hỗn hợp Xi măng – Sông Đà;...
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, Đô thị Sông Đà ghi nhận doanh thu thuần hơn 12,1 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khấu trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lãi ròng gần 268,3 triệu đồng, giảm 21,7%.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm nhẹ 1,5 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 1.186,9 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho hơn 538 tỷ đồng, chiếm 45,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn hơn 429,6 tỷ đồng, chiếm 36,2% tổng tài sản.
Vừa chạm đáy về giá cổ phiếu, vừa chìm trong núi nợ ngân hàng và thuế, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, HOSE: PSH) đang ở thời khắc quyết định cho sự tồn tại trên sàn chứng khoán.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - HOSE: PLX) vừa khiến giới đầu tư bất ngờ khi quyết định nâng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2024 lên 12%, tương đương 1.200 đồng/cổ phiếu. Với gần 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn dự chi khoảng 1.525 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông vào cuối tháng 6. Đây là con số không nhỏ, nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua cho thấy sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Để cơ cấu các khoản nợ khủng, cải thiện tình trạng vượt chi phí lãi vay quy định theo báo cáo kiểm toán và chuẩn bị đầu tư cùng quỹ mạo hiểm quốc tế, Tập đoàn Kinh Bắc phát hành cổ phiếu giá rẻ, bố trí tài sản công ty thành viên trả nợ...