Tại Đại hội, Hội đồng Quản trị VEF sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2025 đạt tới 44.000 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay được đặt ở mức 16.000 tỷ đồng, tăng gần 17 lần so với kết quả năm trước.
Năm 2025 được ban lãnh đạo xác định là thời điểm tăng tốc triển khai hàng loạt dự án trọng điểm, nổi bật là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh được định hướng trở thành trung tâm triển lãm hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế. Cùng với đó là hai dự án quy mô lớn khác: Tổ hợp Trung tâm thương mại – dịch vụ – văn hóa tại số 148 Giảng Võ (quận Ba Đình), và khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long (Nam Từ Liêm), đều nằm ở những vị trí chiến lược của Hà Nội.
Riêng dự án khu đô thị mới Đông Anh, sau khi nhận được chấp thuận đầu tư từ UBND TP Hà Nội và quyết định giao đất hồi tháng 4/2024, VEF đã nhanh chóng triển khai xây dựng đúng tiến độ. Đáng chú ý, một phần dự án đã được chuyển nhượng thành công cho đối tác tính đến 31/3/2025, bước đi mang lại nguồn thu tài chính lớn, mở đường cho đợt chia cổ tức đột biến.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, VEF ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế hơn 2.300 tỷ đồng. Sang quý 1/2025, nhờ hoàn tất giao dịch chuyển nhượng một phần dự án Đông Anh, công ty ghi nhận thêm khoản lãi lớn, nâng tổng lợi nhuận lũy kế lên hơn 14.900 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Hội đồng Quản trị trình cổ đông phương án chia cổ tức "khủng", bao gồm 135% từ lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2024 (tương ứng 13.500 đồng/cổ phiếu), và tạm ứng 300% từ lợi nhuận quý 1/2025 (30.000 đồng/cổ phiếu). Cả hai phương án đều thực hiện bằng tiền mặt, dự kiến chi trả trong vòng 6 tháng kể từ sau Đại hội.
Thành quả tài chính vượt trội trong quý đầu năm là yếu tố then chốt hậu thuẫn cho kế hoạch chia cổ tức nêu trên. Theo báo cáo quý 1/2025, doanh thu thuần của VEF vọt lên gần 44.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 268 triệu đồng. Doanh thu tài chính cũng đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng gấp gần 15 lần.
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 đạt gần 14.900 tỷ đồng, tương đương gần 93% kế hoạch lợi nhuận cả năm. VEF cho biết kết quả đột biến chủ yếu đến từ việc ghi nhận doanh thu chuyển nhượng một phần dự án Vinhomes Global Gate, cùng với việc tăng thu tài chính từ hợp tác đầu tư.
Tuy nhiên, sự bứt phá về lợi nhuận cũng kéo theo những thay đổi lớn trong cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của VEF giảm mạnh từ 105.107 tỷ đồng xuống còn 40.137 tỷ đồng - tức giảm hơn 61%. Nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm ở hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn.
Nợ phải trả của công ty cũng giảm mạnh, từ 101.089 tỷ đồng xuống chỉ còn 21.245 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, từng chiếm đến 63.090 tỷ đồng hiện đã về mức 0. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tăng vọt lên 18.892 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Với nền tảng tài chính dồi dào, loạt dự án quy mô lớn đang vào giai đoạn triển khai và kế hoạch cổ tức "khủng", VEF đang thu hút sự chú ý không chỉ từ giới đầu tư mà còn cả thị trường bất động sản, tài chính và hạ tầng trong nước.