Việt Nam có nhiều tiến triển tích cực trong quản lý nợ công

Theo Bộ Tài chính Thứ sáu, 25/07/2025 16:25 (GMT+7)

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiệu quả quản lý nợ tổng thể được đánh giá là tốt và khẳng định đã có những tiến triển tích cực về khuôn khổ pháp luật kể từ khi Luật Quản lý nợ công mới được ban hành năm 2017.

Thông tin từ Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương vừa có buổi tiếp và làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) về Kết quả đánh giá quản lý nợ công (DeMPA) năm 2024 của WB đối với Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo Báo cáo của WB, hiệu quả quản lý nợ tổng thể được đánh giá là tốt và khẳng định là có những tiến triển về mặt khuôn khổ pháp luật kể từ khi Luật Quản lý nợ công được ban hành năm 2017, cũng như việc ban hành các thủ tục để triển khai thực hiện.

Báo cáo của WB xác định các điểm mạnh Việt Nam đã đạt được như việc xác định rõ thẩm quyền, mục tiêu, mục đích vay nợ cụ thể, có văn bản quy phạm pháp luật quy định cho từng lĩnh vực. Về cơ cấu tổ chức, có sự phối hợp tốt giữa hai bên. Chiến lược quản lý nợ có chất lượng tốt, được công bố định kỳ.

Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ được Kiểm toán Nhà nước thực hiện và báo cáo hàng năm, tình hình triển khai, kiến nghị được trình lên Quốc hội và được công bố công khai. Có sự phối hợp với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Quy trình vay trong nước, vay nước ngoài, bảo lãnh và cho vay lại được tổ chức, hoạch định rõ ràng. Dự báo dòng tiền và quản lý ngân quỹ đã được cải thiện đáng kể. Ghi chép nợ đầy đủ, chính xác và kịp thời đối với cả nợ trong nước và nước ngoài…

Cũng dựa trên cơ sở báo cáo này, ông Lars Jassen, Chuyên gia trưởng về Quản lý nợ của WB cũng đã đề xuất một số nội dung cần cải thiện như: cần công khai báo cáo Quốc hội về nợ công; kế hoạch vay nợ hàng năm chưa đưa ra các chỉ tiêu cho các chỉ số rủi ro; kiểm toán hoạt động, báo cáo rủi ro tài khoá và phân tích bền vững nợ (DSA) chưa được thực hiện,….

Ông Lars Jassen cũng đã trao đổi về các khuyến nghị nhằm hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, chú trọng các giải pháp để đa dạng hóa nguồn vốn vay, nâng cao hoạt động của cơ quan chuyên trách về quản lý nợ…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam cũng đang nỗ lực thay đổi để đáp ứng những nhu cầu của đất nước về khung pháp lý, và đồng thời triển khai đồng bộ hệ thống quản lý dữ liệu; hệ thống báo cáo, thống kế,… đối với công tác quản lý nợ.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ mong muốn Đoàn chuyên gia của WB sẽ tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt sâu hơn, từ đó, đưa ra các tham vấn ở nhiều cấp độ khác nhau; bao gồm từ cấp độ kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu cho đến những khuyến nghị về chiến lược, giải pháp quản lý; đồng thời, WB tiếp tục làm việc hiệu quả với đầu mối của Bộ Tài chính là Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại, cũng như các đơn vị khác của Bộ Tài chính trên tinh thần hỗ trợ, hợp tác để nâng cao khả năng quản lý nợ công.