Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido năm 2023

08:00 26/07/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido năm 2023

I. Giới thiệu tổng quan về Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido  

1. Giới thiệu chung  

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO có tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô,  là một trong những tập đoàn lớn và uy tín tại Việt Nam, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng.   

Với sứ mệnh trở thành Tập đoàn thực phẩm số 1 tại Việt Nam và mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, KIDO đã phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ rộng khắp cả nước với đa dạng các loại thực phẩm tiêu dùng mang tính thiết yếu, tiện lợi và độc đáo tại 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh.   

Thông qua việc chuyển đổi linh hoạt các kênh bán hàng trên toàn quốc như kênh GT, MT, KA, CVS, kênh online, sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki, E2E Official TikTok,...), KIDO sẽ tiến đến tiếp tục mở rộng thị trường theo hướng cao cấp hóa và đa dạng hóa nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng suốt cả ngày cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước và vươn ra thế giới.  

2. Lĩnh vực kinh doanh  

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh phân phối các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng như dầu ăn, kem, bánh kẹo, thực phẩm ăn vặt và nước giải khát.   

3. Ngành kinh doanh chính Chế biến và bảo quản rau quả (Chi tiết: Chế biến nông sản thực phẩm)   

  • Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa  
  • Sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột  
  • Sản xuất các loại bánh từ bột  
  • Sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự  
  • Sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn  
  • Sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu  
  • Sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng  
  • Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng  
  • Bán lẻ trò chơi, đồ chơi trong các cửa hàng chuyên doanh (có nội dung được phép lưu hành)  
  • Phá dỡ  
  • Chuẩn bị mặt bằng  
  • Lắp đặt hệ thống điện (trừ gia công cơ khí, tái chế phế thải, xi mạ điện tại trụ sở)  
  • Lắp đặt hệ thống xây dựng khác  
  • Hoàn thiện công trình xây dựng  
  • Hoạt động xây dựng chuyên dụng khác  
  • Bán buôn thực phẩm (trừ lúa gạo, đường mía, đường củ cải)  
  • Bán buôn đồ uống (trừ đồ uống có cồn)  
  • Bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép  
  • Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình (trừ sách, báo, tạp chí, dược phẩm) Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác  
  • Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (Chi tiết: Tư vấn đầu tư, trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật)  
  • Lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hoà không khí (Trừ gia công cơ khí, tái chế phế thải, xi mạ điện tại trụ sở) (trừ lắp đặt các thiết bị lạnh (thiết bị cấp đông, kho lạnh, máy đá, điều hòa không khí, làm lạnh nước) sử dụng ga lạnh R22 trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản)  
  • Sản xuất ca cao, Sô-cô-la và bánh kẹo  

4. Các mốc lịch sử  

  • Năm 1993: Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO được thành lập, tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô, sở hữu nhà xưởng sản xuất và kinh doanh bánh snack (100m2) tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, với 70 công nhân và vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng.  
  • Năm 1994 - 1998: Đầu tư xây dựng nhà xưởng mới với diện tích 6 hecta; Đầu tư dây chuyền sản xuất bánh cookies, dây chuyền sản xuất bánh mì, bánh bông lan công nghiệp và đưa dây chuyền sản xuất kẹo chocolate vào khai thác; Tung sản phẩm bánh snack, bánh cookies, bánh tươi, bánh trung thu, chocolate.  
  • Năm 1999 - 2001: Khai trương hệ thống bakery đầu tiên; Tăng vốn điều lệ lên 51 tỷ đồng, mở rộng diện tích nhà xưởng lên hơn 40.000 m 2 ; Sản phẩm Công ty được xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Nhật, Thái, Singapore,...  
  • Năm 2002: Công ty Cổ phần Kinh Đô được thành lập, vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.   
  • Năm 2003: Mua lại nhà máy kem Wall’s từ Tập đoàn Unilever, thành lập Công ty TNHH MTV KIDO, phát triển 2 nhãn hiệu kem Merino và Celano. » Nhập dây chuyền sản xuất chocolate (1 triệu USD) và tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng.  
  • Năm 2004: Thành lập Công ty Kinh Đô Bình Dương; Công ty Kinh Đô Miền Bắc chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán (mã cổ phiếu: NKD)  
  • Năm 2005: Công ty CP Kinh Đô chính thức lên sàn Giao dịch Chứng khoán (mã cổ phiếu: KDC); Tung sản phẩm bánh bông lan Solite.  
  • Năm 2006 - 2008: Công ty đón nhận Huân chương Lao động hạng III, được bình chọn Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam, được bình chọn là Thương hiệu Quốc gia.  
  • Năm 2010 - 2012: Kinh Đô được bình chọn là Thương hiệu Quốc gia lần 2;  Sáp nhập Công ty Kinh Đô Miền Bắc và Công ty Cổ phần KIDO. Tiếp tục sáp nhập Vinabico vào KDC.  
  • Năm 2013 - 2014: Đón nhận Huân chương Lao động hạng II. Được bình chọn là Thương hiệu Quốc gia lần 4 liên tiếp; Thương hiệu số 01 trong ngành hàng bánh kẹo và thuộc Top 10 Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam.  
  • Năm 2015: Ký kết và chuyển giao mảng kinh doanh bánh kẹo cho đối tác ngoại, thâm nhập vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, đồng thời chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO.  
  • Năm 2016 - 2019: Kết hợp hai doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn: Tường An và Vocarimex vào Tập đoàn. KIDO mua lại 51% cổ phần Golden Hope Nhà Bè và đổi tên thành KIDO Nhà Bè; Top 10 Công ty thực phẩm uy tín; KIDO Foods dẫn đầu thị trường kem lạnh; Tường An đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn và Golden Hope Nhà Bè (KIDO Nhà Bè) đứng thứ 3 về thị phần dầu ăn.  
  • Năm 2020 - 2021: Tung ra những sản phẩm bánh tươi thương hiệu KIDO’s Bakery theo phong cách “Thưởng thức thời thượng”, đánh dấu sự trở lại ngành bánh kẹo; Sáp nhập KDF vào KDC.  
  • Năm 2022 - 2023: Trở lại ngành hàng bánh Trung thu với thương hiệu KIDO’s Bakery, nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng sự đón nhận nồng nhiệt của người tiêu dùng toàn quốc; Đầu tư sở hữu 68% cổ phần tại Công ty Thọ Phát, sáp nhập Thọ Phát trở thành thành viên của Tập đoàn KIDO; Chính thức ra mắt Kênh mua sắm - giải trí xúc tiến thương mại trên nền tảng social - E2E (E-Commerce to Entertainment); Ra mắt ngành hàng gia vị với những sản phẩm nước mắm - hạt nêm dưới thương hiệu Tường An & Tường An Unicook, hiện thực hóa mục tiêu Lấp đầy gian bếp Việt.  

II. Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido  

1. Phân tích tình hình kết quả kinh doanh   

Bảng 1. Phân tích đánh giá chung tình hình kết quả kinh doanh của Kido Group năm 2023  

Đơn vị: VNĐ

Chỉ tiêu  

Năm 2023  

Năm 2022  

Tăng/Giảm  

Tỷ lệ (%)  

1  

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ  

1  

10.269.778.081.627  

15.171.420.571.003  

(4.901.642.489.376)  

-32,31%  

2  

Các khoản giảm trừ doanh thu  

2  

(208.503.754.981)  

(219.506.664.564)  

11.002.909.583  

-5,01%  

3  

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ  

(1) + (2)  

10.061.274.326.646  

14.951.913.906.439  

(4.890.639.579.793)  

-32,71%  

4  

Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp  

4  

(8.885.209.538.160)  

(13.368.669.209.522)  

4.483.459.671.362  

-33,54%  

5  

Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ  

(3) + (4)  

1.176.064.788.486  

1.583.244.696.917  

(407.179.908.431)  

-25,72%  

6  

Doanh thu hoạt động tài chính  

6  

1.115.325.930.329  

301.800.325.453  

813.525.604.876  

269,56%  

7  

Chi phí tài chính  

7  

(946.535.295.283)  

(235.117.155.579)  

(711.418.139.704)  

302,58%  

 

Trong đó: Chi phí lãi vay  

 

(174.508.210.536)  

(155.906.358.637)  

(18.601.851.899)  

11,93%  

8  

Chi phí bán hàng  

8  

(902.844.796.015)  

(972.863.977.207)  

70.019.181.192  

-7,20%  

9  

Chi phí quản lý doanh nghiệp  

9  

(229.201.442.513)  

(226.145.989.134)  

(3.055.453.379)  

1,35%  

10  

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh  

(5) + (6) + (7) + (8) + (9)  

212.809.185.004  

450.917.900.450  

(238.108.715.446)  

-52,81%  

11  

Thu nhập khác  

11  

9.304.251.820  

6.566.191.715  

2.738.060.105  

41,70%  

12  

Chi phí khác  

12  

(12.689.554.953)  

(11.149.981.490)  

(1.539.573.463)  

13,81%  

13  

Kết quả từ hoạt động khác  

(11) + (12)  

(3.385.303.133)  

(4.583.789.775)  

1.198.486.642  

-26,15%  

14  

Lợi nhuận kế toán trước thuế  

(10) + (13)  

209.423.881.871  

446.334.110.675  

(236.910.228.804)  

-53,08%  

15  

Chi phí thuế TNDN hiện hành  

15  

(117.262.778.025)  

(60.787.245.771)  

(56.475.532.254)  

92,91%  

16  

Chi phí thuế TNDN hoãn lại  

16  

(17.286.723.855)  

(386.426.400)  

(16.900.297.455)  

4373,48%  

17  

Lợi nhuận sau thuế TNDN  

(14) + (15) + (16)  

74.874.379.991  

385.160.438.504  

(310.286.058.513)  

-80,56%  

18  

Tổ̉ng luân chuyển thuần  

(3) + (6) + (11)  

11.185.904.508.795  

15.260.280.423.607  

(4.074.375.914.812)  

-26,70%  

19  

Tổng chi phí  

(4) + (7) + (8) + (9) + (12) + (15) + (16)  

(11.111.030.128.804)  

(14.875.119.985.103)  

3.764.089.856.299  

-25,30%  

20  

Doanh thu kinh doanh  

(3) + (6)  

11.176.600.256.975  

15.253.714.231.892  

(4.077.113.974.917)  

-26,73%  

21  

Lợi nhuận từ hoạt động bán hàng  

(5) + (8) + (9)  

44.018.549.958  

384.234.730.576  

(340.216.180.618)  

-88,54%  

22  

Hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS)  

(17)/(18)  

0,0067  

0,0252  

(0,0185)  

-73,48%  

23  

Hệ số sinh lời từ hoạt động trước thuế  

(14)/(18)  

0,0187  

0,0292  

(0,0105)  

-35,99%  

24  

Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh  

(10)/(20)  

0,0190  

0,0296  

(0,0105)  

-35,59%  

25  

Hệ số sinh lời từ hoạt động bán hàng  

(21)/(20)  

0,0039  

0,0252  

(0,0213)  

-84,36%  

26  

Hệ số chi phí (Hcp)  

(19)/(18)  

(0,9933)  

(0,9748)  

(0,0185)  

1,90%  

27  

Hệ số GVHB (Hgv)  

(4)/(20)  

(0,7950)  

(0,8764)  

0,0814  

-9,29%  

28  

Hệ số CPBH (Hcpb)  

(8)/(20)  

(0,0808)  

(0,0638)  

(0,0170)  

26,66%  

29  

Hệ số CPQLDN (Hcpq)  

(9)/(20)  

(0,0205)  

(0,0148)  

(0,0057)  

38,32%  

2.1. Đánh giá khái quát  

Theo bảng phân tích trên, có thể thấy được lợi nhuận sau thuế TNDN của doanh nghiệp trong năm 2023 là 74.874.379.991 đồng, giảm 310.286.058.513 đồng so với năm 2022 (tương ứng giảm 80,56%). Sự sụt giảm mạnh trong lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dẫn đến hệ số sinh lời hoạt động (ROS) của doanh nghiệp giảm từ 0,0252 xuống còn 0,0067 (tương ứng với tỷ lệ giảm 73,48%).   

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2023 là 74.874.379.991 đồng thể hiện doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng sự sụt giảm mạnh mẽ của hệ số sinh lời hoạt động (ROS) cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã có sự suy giảm đáng kể so với năm 2022. Từ căn cứ trên, ta đi vào phân tích về kết quả kinh doanh của công ty, thông qua việc phân tích chi tiết các chỉ tiêu trên để đưa ra nhận xét khách quan nhất về tình hình kinh doanh của công ty.   

2.2. Phân tích chi tiết  

Các chỉ số tổng luân chuyển thuần, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS), hệ số sinh lời từ hoạt động trước thuế, hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh, hệ số sinh lời từ hoạt động bán hàng đều có sự suy giảm đáng kể với năm 2022. Ngoài ra, các hệ số chi phí (Hcp), hệ số chi phí bán hàng (Hcpb) và hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt với tỉ lệ 1,90%, 26,66% và 38,32% cho thấy công tác quản lý chi phí, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp kém hiệu quả hơn so với năm 2022.   

Thứ nhất, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 so với năm 2022 giảm 4.890.639.579.793 đồng (tương ứng giảm 32,71%). Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 giảm 4.901.642.489.376 đồng so với năm 2022, tương đương giảm 32,31%; các khoản giảm trừ doanh thu ít hơn 11.002.909.583 đồng so với năm 2022, tương đương 5,01%. Nhìn chung, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 có sự  biến động đang chú ý.  

Thứ hai, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp  năm 2023 so với 2022 giảm 4.483.459.671.362 đồng tương ứng với 33,54%. Nguyên nhân lớn nhất đến từ giá vốn của hàng hóa đã bán năm 2023 giảm 4.615.947.887.057 đồng, tương đương giảm 34,76% so với năm 2022.  

Thứ ba, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 giảm 407.179.908.431 đồng, tương đương giảm 25,72% so với năm 2022. Nguyên nhân do phần doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nhiều hơn so với phần giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp năm trước, vậy nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ có xu hướng giảm so với năm 2022.  

Thứ tư, doanh thu hoạt động tài chính  năm 2023 tăng mạnh 269,56% so với năm 2022, tương ứng với 813.525.604.876 đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lãi từ thanh lý khoản đầu tư năm 2023 tăng 1008,40% so với năm 2022, tương ứng 615.123.206.921 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản cổ tức và lợi nhuận được chia tăng 117,04%, tương ứng 198.432.408.000 đồng và lãi tiền gửi cũng tăng 53,37%, tương ứng 21.723.463.617 đồng.  

Thứ năm, chi phí tài chính  năm 2023 tăng mạnh 302,58%, tương ứng với 711.418.139.704 đồng. Trong đó, chủ yếu do dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tăng mạnh 1688,43%, tương ứng tăng 663.791.160.742 đồng so với năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay năm 2023 cũng có xu hướng tăng với tỷ lệ 11,93%, tương ứng tăng 18.601.851.899 đồng so với năm 2022.  

Thứ sáu, chi phí bán hàng  năm 2023 giảm 70.019.181.192 đồng, tương ứng giảm 7,20% so với năm 2022. Nguyên nhân do các khoản chi phí vận chuyển, chi phí quảng cáo và khuyến mãi, chi phí lương nhân viên và chi phí thưởng kênh bán hàng giảm một khoản đáng chú ý với các con số lần lượt 27.322.731.792 đồng (tương ứng 17,68%), 26.483.835.074 đồng (tương ứng 31,15%), 14.896.671.816 đồng (tương ứng 2,80%) và 4.750.980.888 đồng (tương ứng 3,68%). Tuy nhiên, các khoản chi phí khác có xu hướng tăng nhẹ với 4,80%, tương đương tăng 3.435.038.378 đồng so với năm 2022.  

Thứ bảy, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2023 so với năm 2022 tăng 3.055.453.379 đồng, tương đương với 1,35%. Trong đó, tăng mạnh nhất là chi phí nhân viên với khoản tăng là 21.623.599.808 đồng (tương đương 18,70%) so với năm 2022. Tiếp đến là dịch vụ mua ngoài và khấu hao và hao mòn lần lượt tăng 1.005.142.053 đồng (tương ứng 2,81%) và 735.073.746 đồng (tương ứng 8,74%). Bên cạnh đó, khoản chi phí khác cũng ghi nhận tăng 2.346.533.127 đồng, tương ứng tăng 44,69% so với năm 2022. Các khoản phí thuê và bảo trì và dự phòng các khoản phải thu khó đòi giảm một cách đáng chú ý với con số lần lượt là 6.102.408.808 đồng (tương ứng 16,31%) và 16.552.486.547 đồng (tương ứng 69,97%).  

Thứ tám, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 so với năm 2022 giảm 238.108.715.446 đồng, tương ứng với 52,81%. Tuy năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận tăng ở doanh thu hoạt động tài chính, nhưng khoản tăng này không đủ bù đắp phần giảm từ lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ và phần tăng từ chi phí tài chính và những khoản chi khác.  

Thứ chín, kết quả từ hoạt động khác của doanh nghiệp năm 2023 tăng 1.198.486.642 đồng, tương ứng giảm lỗ 26,15% so với năm 2022. Cụ thể, thu nhập khác năm 2023 tăng 2.738.060.105 đồng, tương ứng 41,70% và chi phí khác năm 2023 tăng so với năm 1.539.573.463 đồng, tương ứng 13,8% so với 2022.  

Thứ mười, về chi phí thuế TNDN. Chi phí thuế TNDN hiện hành  năm 2023 ghi nhận tăng 56.475.532.254 đồng so với năm 2022 (tương ứng 92,91%). Bên cạnh đó,  chi phí thuế TNDN hoãn lại  năm 2023 ghi nhận tăng mạnh  16.900.297.455 đồng (tương ứng 4373,48%) so với năm 2022. Đáng chú ý nhất là khoản điều chỉnh dự phòng giảm giá khoản đầu tư tăng 150.732.072.430 đồng so với năm 2022.  

Thứ mười một, lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2023 giảm mạnh 310.286.058.513 đồng, tương ứng 80,56% so với năm 2022 khiến cho hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS) giảm 73,48%, tương ứng 0,0185 lần. Công ty nên phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp để có thể cải thiện kết quả kinh doanh.  

3. Về các hệ số sinh lời  

Thứ nhất, hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh năm 2023 là 0,0190, giảm 0,0105 lần với tỷ lệ giảm 35,59% so với năm 2022. Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,0190 đồng lợi nhuận trước thuế, còn năm 2022, với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu về được 0,0296 đồng lợi nhuận trước thuế. Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh giảm đi cho doanh nghiệp cần có biện pháp để cải thiện việc kinh doanh của công ty.   

Thứ hai, hệ số sinh lời hoạt động bán hàng năm 2023 là 0,0039, năm 2022 là 0,0252 lần, giảm 0,0213 lần (tương ứng giảm 84,36%) so với năm 2022. Hệ số sinh lời hoạt động bán hàng năm 2023 phản ánh với 1 đồng doanh thu bán hàng, công ty thu 0,0039 đồng lợi nhuận, còn năm 2022 hệ số sinh lời hoạt động bán hàng phản ánh với 1 đồng doanh thu bán hàng công ty thu được 0,0252 đồng lợi nhuận. Hệ số sinh lời hoạt động bán hàng giảm cho thấy hoạt động bán hàng của doanh nghiệp cần tập trung xây dựng giải pháp cho việc bán hàng để cải thiện hệ số.   

Thứ ba, hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS)  năm 2023 là 0,0067 lần, năm 2022 là 0,0252 lần giảm 0,0185 lần với tỷ lệ giảm 73,48%. Hệ số sinh lời ròng năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,0067 đồng lợi nhuận sau thuế, còn năm 2022 hệ số sinh lời ròng phản ánh trong 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,0252 đồng lợi nhuận sau thuế. Hệ số sinh lời ròng giảm mạnh cho thấy hiệu quả quản lý của công ty chưa được tốt, cần có giải pháp để cải thiện.   

Thứ tư, hệ số sinh lời hoạt động trước thuế  năm 2023 là 0,0039 lần, năm 2022 là 0,0252 lần giảm 0,0213 lần với tỷ lệ giảm 84,36%. Hệ số sinh lời hoạt động trước thuế năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,0039 đồng lợi nhuận trước thuế, còn năm 2022, với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu về được 0,0252 đồng lợi nhuận trước thuế. Hệ số sinh lời hoạt động trước thuế giảm đi là dấu hiệu không tích cực, tuy công ty làm ăn vẫn có lãi nhưng vẫn cần có những giải pháp hợp lý để cải thiện khả năng sinh lời cho doanh nghiệp.   

4. Về các hệ số chi phí  

Thứ nhất, hệ số chi phí (Hcp) năm 2023 là 0,9933 lần, năm 2022 là 0,9748 lần tăng 0,0185 lần với tỷ lệ tăng 1,90%. Hệ số chi phí năm 2023 cho biết để thu được 1 đồng luân chuyển thuần, công ty cần phải bỏ ra 0,9933 đồng chi phí, còn năm 2022 để thu được 1 đồng luân chuyển thuần, công ty cần bỏ ra 0,9748 đồng chi phí. Hệ số chi phí tăng 1,90% tạo ảnh hưởng ít nhiều đến lợi nhuận của công ty. Doanh nghiệp cần có giải pháp tối ưu hệ số chi phí để cải thiện khả năng sinh lời của vốn kinh doanh.  

Thứ hai, hệ số giá vốn hàng bán (Hgv) năm 2023 là 0,7950 lần, năm 2022 là 0,8764 lần, giảm 0,0814 lần với tỷ lệ giảm 9,29%. Hệ số giá vốn hàng bán năm 2023 phản ánh để thu được 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,7950 đồng giá vốn, còn năm 2022 phản ánh để thu được 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,8764 đồng giá vốn. Hệ số giá vốn hàng bán giảm là dấu hiệu tích cực, cho thấy Kido đã quản lý tốt giá thành, tránh được tình trạng gây lãng phí vốn góp, từ đó góp phần làm tăng lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh.  

Thứ ba, hệ số chi phí bán hàng (Hcpb)  năm 2023 là 0,0808, năm 2022 là 0,0638 lần, tăng 0,0170 (tương ứng 26,66%). Hệ số chi phí bán hàng tăng chứng tỏ năm 2023 công tác quản lý chi phí bán hàng của Kido không tốt, dẫn đến gây tác động không tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.  

Thứ tư, hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp (Hcpq)  năm 2023 là 0,0205 lần, năm 2022 là 0,0148 lần tăng 0,0057 lần với tỷ lệ tăng 38,32%. Hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2023 phản ánh để thu về 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,0205 đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, còn năm 2022 phản ánh để thu về được 1 đồng doanh thu thuần, công ty cần bỏ ra 0,0148 đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cho thấy công ty phải bỏ ra nhiều hơn 0,0057 đồng chi phí để thu về 1 đồng doanh thu thuần. Hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh cho thấy Kido cần xem xét lại hiệu quả sử dụng chi phí quản lý doanh nghiệp, tránh làm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm đi.  

Kết luận:  

Kết quả hoạt động kinh doanh của Kido trong năm 2023 có biến động đáng chú ý so với năm 2022. Tuy phải đối mặt với những khó khăn và kết quả kinh doanh không thuận lợi, hiện nay, Tập đoàn Kido vẫn đang dẫn đầu ngành bơ tại Việt Nam (chiếm thị phần 74,9%); Top 01 ngành hàng kem (chiếm 46,7% thị phần); Top 01 ngành sản xuất bánh bao tại Việt Nam và Top 02 ngành dầu ăn tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hệ số sinh lời hoạt động ròng ROS, hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh, hệ số sinh lời từ hoạt động bán hàng, hệ số sinh lời hoạt động trước thuế đều giảm đáng kể. Vì vậy, Tập đoàn Kido cần chú ý hơn tới hệ số chi phí, hệ số chi phí bán hàng và hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp để cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.   

Hồng Nhung & Huyền My
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo