Nhiều chi nhánh phía nam Vietcombank kiểm soát rủi ro yếu
Minh Thương Thứ bảy, 05/07/2025 15:09 (GMT+7)
Đơn cử như về công tác xử lý nợ xấu và rủi ro tín dụng, Vietcombank Tây Ninh vẫn thiếu tài liệu chứng minh hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ...; chi nhánh Vũng Tàu xử lý rủi ro đối với các khoản nợ nhóm 5 nhưng chưa có các thông tin về việc trích lập dự phòng...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Khu vực 12 mới đây đã công bố kết luận thanh tra tại ba chi nhánh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (mã VCB) gồm: Bình Dương, Vũng Tàu và Tây Ninh.
Cơ quan thanh tra chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Theo đó, Vietcombank Bình Dương bị nhắc nhở còn một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động cấp tín dụng: Công tác thẩm định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay, thẩm định tài sản bảo đảm chưa chặt chẽ...; về phía khách hàng chưa thực hiện đúng nguyên tắc vay vốn.
Tại Vietcombank Vũng Tàu, về công tác thẩm định, xét duyệt cho vay đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định.
Công tác kiểm tra, giám sát vốn vay đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ và chưa đảm bảo thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền chiết khấu của khách hàng.
Ngoài ra, công tác định giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa đúng theo quy định nội bộ của Vietcombank về định giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất lại theo định kỳ tối thiểu 1 năm/lần.
Công tác xử lý nợ có vấn đề đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa đầy đủ đúng theo quy định.
Bên cạnh đó, về công tác phân loại nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra, Vietcombank Vũng Tàu chưa đánh giá đầy đủ, chặt chẽ, chính xác khả năng trả nợ của khách hàng để đưa về nhóm có rủi ro thấp hơn đối với khách hàng.
Chi nhánh này thực hiện trình xử lý rủi ro đối với các khoản nợ nhóm 5 nhưng chưa có các thông tin về việc trích lập dự phòng rủi ro (dự phòng cụ thể, dự phòng chung) và đề xuất sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Các thông tin chỉ nằm rời rạc tại các mẫu biểu/báo cáo có liên quan trước khi trình.
Về công tác ngoại hối, Chi nhánh thực hiện cung ứng dịch vụ cho khách hàng là pháp nhân mở tài khoản đầu tư trực tiếp đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra nhưng chưa đánh giá điều kiện hay yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh việc đáp ứng đầy đủ quy định về không bố trí kế toán hay người phụ trách kế toán là chưa đúng theo quy định đối với 3 khách hàng.
Chánh Thanh tra NHNN khu vực 12 yêu cầu ba chi nhánh Vietcombank nghiêm túc thực hiện các kiến nghị để khắc phục tồn tại, nhằm đảm bảo hoạt động đúng quy định, hiệu quả và an toàn
Tại Vietcombank Tây Ninh, thanh tra NHNN cũng chỉ ra nhiều tồn tại về hoạt động cấp tín dụng. Cụ thể, Chi nhánh thu thập chưa đầy đủ tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, quy mô kinh doanh, doanh thu, chi phí, tình hình tài chính, nguồn thu để trả nợ của khách hàng.
Công tác thẩm định, xét duyệt cho vay Chưa đánh giá toàn diện hiệu quả phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính và mức độ tham gia vốn tự có của khách hàng. Một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính chưa phù hợp với số liệu thực tế. Việc tái cấp tín dụng cho khách hàng trong bối cảnh chỉ số tài chính sụt giảm cũng chưa được thẩm định đầy đủ.
Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát vốn vay thiếu rà soát điều kiện phê duyệt tín dụng, chưa thu thập đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn đúng mục đích. Các báo cáo kiểm tra chưa cập nhật số liệu kinh doanh tại thời điểm kiểm tra.
Về công tác xử lý nợ xấu và rủi ro tín dụng, Vietcombank Tây Ninh vẫn còn một số tồn tại khi thiếu tài liệu chứng minh hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ. Thẩm định thiếu toàn diện, không đánh giá đúng thực trạng hoạt động của khách hàng.
Hồ sơ xử lý rủi ro còn nhiều thiếu sót như: Thiếu hồ sơ chứng minh khả năng tài chính và hiệu quả của phương án sử dụng vốn; việc thẩm định và xét duyệt vẫn được thực hiện ngay cả khi khách hàng có dấu hiệu suy giảm về tài chính nhưng chưa được đánh giá kỹ lưỡng.
Quá trình kiểm tra, giám sát vốn vay chủ yếu dựa vào tài liệu do khách hàng cung cấp, thiếu việc đối chiếu thực tế hoạt động. Hồ sơ giải ngân không có minh chứng rõ ràng về mục đích sử dụng vốn, trong khi công tác định giá tài sản đảm bảo như máy móc, thiết bị lại không đầy đủ hồ sơ thẩm định.
Căn cứ kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra NHNN khu vực 12 yêu cầu ba chi nhánh Vietcombank nói trên nghiêm túc thực hiện các kiến nghị để khắc phục tồn tại, nhằm đảm bảo hoạt động đúng quy định, hiệu quả và an toàn trong thời gian tới.
Giảm trích lập dự phòng, nợ xấu toàn hệ thống có xu hướng tăng
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2025, Vietcombank lãi trước thuế gần 10,860 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, nhờ giảm mạnh dự phòng rủi ro. Thu nhập lãi thuần của Vietcombank giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 13.687 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ cũng giảm 44%, còn gần 806 tỷ đồng.
Một số nguồn thu ngoài lãi khác tăng trưởng như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 69%, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 60%, lãi từ hoạt động khác tăng 30%.
Chi phí hoạt động cũng tăng 12% lên 5,652 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 5%, còn 11.612 tỷ đồng.
Trong quý, ngân hàng trích hơn 752 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Vietcombank báo lãi trước thuế gần 10.860 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%.
Tổng tài sản tính đến cuối quý 1 của Vietcombank đạt hơn 2.1 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng đều đi ngang ở mức gần 1,47 triệu tỷ đồng và hơn 1.5 triệu tỷ đồng.
Tính đến 31/03/2025, tổng nợ xấu của Vietcombank chiếm 15.036 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tăng 8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 0,96% đầu năm lên 1,03%.
Nhiều khả năng, tình hình lợi nhuận và nợ xấu của Vietcombank đã được cải thiện hơn trong quý 2/2025. Chưa có báo cáo tài chính, nhưng theo thông tin tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh, nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Để cơ cấu các khoản nợ khủng, cải thiện tình trạng vượt chi phí lãi vay quy định theo báo cáo kiểm toán và chuẩn bị đầu tư cùng quỹ mạo hiểm quốc tế, Tập đoàn Kinh Bắc phát hành cổ phiếu giá rẻ, bố trí tài sản công ty thành viên trả nợ...
SD4 còn có hàng loạt khoản phải thu có vấn đề, dự án thủy điện Xekaman 1 xây xong nhưng không nghiệm thu, bù giá. Trong khi, một thành viên khác của Tổng Công ty Sông Đà là SDU lại bị truy thu thuế hơn 12 tỷ đồng.