Kiến nghị giảm bớt các điều kiện về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán

Tường Vy Thứ sáu, 18/04/2025 18:20 (GMT+7)

Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) kết hợp với Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến; đồng thời trao đổi và thảo luận về các quy định của Luật Kế toán năm 2015 liên quan tới hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.

Tham dự hội nghị ngày 8/4/2025, về phía Bộ Tài chính có ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Kế toán, Kiểm toán cùng lãnh đạo, chuyên viên của một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Về phía Hội nghề nghiệp, TS. Vũ Đức Chính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), ThS. Hà Thị Tường Vy - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) và gần 150 đại biểu là các tổng giám đốc, giám đốc, người đại diện pháp luật các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ảnh họp Hội nghị

Theo ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, năm 2024, Quốc hội đã ban hành Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, trong đó sửa đổi một số chính sách cấp bách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Năm 2025, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo sửa đổi toàn diện Luật Kế Toán năm 2015. Theo đó có nhiều nội dung Bộ Tài chính cần tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị. Tại hội nghị này, Bộ Tài chính tập trung lấy ý kiến, đồng thời trao đổi, thảo luận về các quy định của Luật Kế toán năm 2015 liên quan tới hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.

Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Chính phủ về giảm điều kiên kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, do vậy Bộ Tài chính mong muốn nhận được các ý kiến về các quy định trong Luật Kế toán liên quan tới hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.

Hội nghị diễn ra sôi nổi từ 8h00 sáng đến hơn 17h00 ngày 8/4/2025. Các đại biểu trao đổi về những vướng mắc hiện tại và đưa ra đề xuất, kiến nghị hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về hành nghề và kinh doanh dịch vụ kế toán, để hoàn thiện Luật Kế toán cho phù hợp với thực tiễn; cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ kế toán.

Nhìn chung, các ý kiến đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thông tin kế toán trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng thuê dịch vụ kế toán, hơn là tổ chức bộ máy kế toán để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các rủi ro trong quản lý và điều hành. Thực tế, sử dụng dịch vụ kế toán thể hiện sự chuyên môn hoá cao, vừa mang lại cho doanh nghiệp hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, vừa mang lại sự ổn định và chuyên nghiệp. Từ đó, tăng độ tin cậy và khách quan của thông tin kinh tế, cũng như đảm bảo tính tuân thủ pháp luật.

Từ sự phân tích đó, gần như 100% đại biểu tham gia hội thảo đều thấy rằng dịch vụ kế toán cần phải xác định là loại dịch vụ có điều kiện được quy định tại Luật Kế toán để đảm bảo độ tin cậy, khách quan của thông tin kinh tế, cũng như đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Thông tin kế toán cung cấp đóng vai trò then chốt trong điều hành quản lý nền kinh tế.

Tuy nhiên, để giúp cho dịch vụ kế toán phát triển, các ý kiến tập trung đề nghị Ban soạn thảo Luật kế toán cần xem xét lại các điều kiện quy định tại Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật kế toán hiện hành về dịch vụ kế toán để có thể giảm bớt các điều kiện cho phù hợp với thực tiễn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tổ chức thi chứng chỉ kế toán viên và quản lý hành nghề các công ty dịch vụ kế toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán nên giao cho hội nghề nghiệp thực hiện; Bộ Tài chính tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành các chính sách chế độ thực hiện vai trò giám sát, đồng thời xử lý các vi phạm hành chính về kế toán (nếu có).