Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập - nhìn từ góc độ kế toán

TS. Châu Hồng Phương Thảo Thứ hai, 28/04/2025 09:54 (GMT+7)

Hiện nay, công tác quản lý và sử dụng tài sản công luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp quản lý cũng như các đơn vị thực thi quan tâm. Căn cứ pháp lý về tài sản công đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa

Các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), việc quản lý và sử dụng tài sản công, đặc biệt là tài sản cố định (TSCĐ) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình nâng cao mức độ tự chủ tài chính theo chủ trương của Chính phủ. Để TSCĐ phát huy hiệu quả khi sử dụng, các đơn vị cần thiết kế quy trình quản lý theo đúng quy định pháp luật và tổ chức công tác kế toán chặt chẽ, tuân thủ chế độ kế toán hiện hành. Bài viết trình bày những tồn tại trong công tác kế toán TSCĐ ở các ĐVSNCL và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng TSCĐ của các đơn vị này.

1. Giới thiệu

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác”. Từ khái niệm này có thể thấy tài sản công là một bộ phận đáng kể trong nguồn lực hoạt động của các tổ chức thuộc khu vực công nói chung. Hiện nay, việc quản lý và sử dụng tài sản công được thực hiện thống nhất thông qua các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về nguồn hình thành tài sản, quản lý và sử dụng tài sản, kế toán và báo cáo. Công tác thanh tra, kiểm tra về việc quản lý, sử dụng tài sản công của các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng được thực hiện sát sao nhằm đảm bảo tài sản này được khai thác hết tiềm năng và sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng tài sản công còn phát sinh nhiều vấn đề cần xem xét, đặc biệt đối với TSCĐ như: Tài sản không được sử dụng đúng mục đích hoặc sử dụng nhưng kém hiệu quả; thiếu sự minh bạch, công khai trong quản lý tài sản; sai phạm về kế toán, thiếu cơ chế xử lý hiệu quả,…

Xét riêng trường hợp các ĐVSNCL, trước xu thế tăng cường cơ chế tự chủ tài chính, áp lực tìm kiếm nguồn thu của các đơn vị này càng gia tăng, khi đó việc sử dụng TSCĐ cho mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết là tất yếu. Để việc sử dụng tài sản công nói chung của các ĐVSNCL đúng quy định và hiệu quả, cần phải có sự thống nhất giữa việc tuân thủ cơ chế tài chính và chế độ kế toán. Hiện nay, hệ thống pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công đã được quy định khá chi tiết và toàn diện, tuy nhiên trong quá trình thực thi các đơn vị còn gặp vướng mắc. Điều này dẫn đến tài sản công chưa được khai thác tối ưu, gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

2. Cơ sở pháp lý

Tài sản công ở ĐVSNCL chịu điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14. Luật quy định nguyên tắc, phương thức, cơ chế quản lý tài sản công, bao gồm các loại tài sản công, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng tài sản công. Sau luật là Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về phân loại tài sản công, quản lý tài sản công, quy trình mua sắm tài sản công, cho thuê và các quy định về xử lý tài sản công. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP ngày 19/05/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Liên quan đến nguồn hình thành tài sản, một trong những nội dung được quan tâm nhiều đó là việc tuân thủ các quy định về đấu thầu trong mua sắm TSCĐ. Nội dung này được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu 22/2023/QH15 hướng dẫn thực hiện chi tiết tại Nghị định 24/2024/NĐ- CP.  Ngày 29/11/2024, Quốc hội tiếp tục ban hành Luật số 57 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu. Trong đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Đấu thầu cần lưu ý gồm: Hạn mức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, quy định về việc thành lập tổ chuyên gia trong hoạt động đấu thầu. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp Trung ương, các địa phương tiếp tục ban hành các Nghị quyết về phân cấp quản lý và sử dụng tài sản công áp dụng phù hợp với đặc trưng của từng địa phương.

Tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ khi thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện: (1) Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên, (2) có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên. 

Riêng TSCĐ tại ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tài sản tại ĐVSNCL thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao TSCĐ vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật và tài sản tại ĐVSNCL được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật được xác định là TSCĐ khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện sau đây: (1) Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên, đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên giá TSCĐ theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp (khoản 2, khoản 3, Điều 3 Thông tư 23/2023/TT-BTC).

Đối với công tác kế toán TSCĐ tại đơn vị, Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chi tiết kế toán gồm chứng từ, tài khoản, sổ sách và báo cáo liên quan đến TSCĐ. Bên cạnh đó, chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ được quy định tại Thông tư 23/2023/TT-BTC. Mọi TSCĐ hiện có tại đơn vị phải được quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

Yêu cầu đặt ra, là các đơn vị phải hạch toán đúng, đủ giá trị của tài sản, đảm bảo sự trùng khớp giữa giá trị và hiện vật, có hệ thống sổ sách và báo cáo theo đúng chế độ kế toán hiện hành, công khai và minh bạch. Nội dung nổi bật cần lưu ý trong quản lý TSCĐ tại ĐVSNCL là quy định đối với tài sản có giá trị thương hiệu của đơn vị. Mặc dù, Thông tư 23/2023/TT-BTC có quy định khá chi tiết về giá trị thương hiệu ĐVSNCL, tuy nhiên định nghĩa về giá trị thương hiệu ĐVSNCL chưa rõ ràng, dẫn đến sự không đồng nhất khi áp dụng trong thực tế kế toán.

Theo nguyên tắc quản lý TSCĐ được quy định tại Điều 5 Thông tư 23/2023/TT-BTC thì đơn vị có trách nhiệm:

(1)  Lập thẻ TSCĐ, kế toán đối với toàn bộ TSCĐ hiện có;

(2)  Kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm; thực hiện điều chỉnh số liệu kế toán nếu có chênh lệch phát sinh khi thực hiện kiểm kê;

(3)  Thực hiện báo cáo kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

(4)  TSCĐ đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 38 Nghị định 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL thì các đơn vị phải lập Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công để quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến đầu tư xây dựng, mua sắm, tiếp nhận, thuê, khoán kinh phí, sử dụng, khai thác, kiểm kê, đánh giá lại, chuyển đổi công năng sử dụng, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý tài sản khác; lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản; bảo vệ tài sản; bảo dưỡng, sửa chữa tài sản; kiểm kê, kiểm tra tài sản; báo cáo tài sản công. Quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kế toán tài sản công tại đơn vị nói chung và TSCĐ nói riêng tại các đơn vị.

3. Tồn tại trong kế toán TSCĐ tại ĐVSNCL

Mặc dù hệ thống quy định pháp luật về kế toán TSCĐ tại các ĐVSNCL khá đầy đủ, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Các vấn đề phổ biến bao gồm:

Kế toán tăng TSCĐ

Khi hạch toán tăng TSCĐ, các đơn vị cần lưu ý đến nguồn hình thành để hạch toán theo đúng hướng dẫn của chế độ kế toán (trước khi Thông tư 24/2024/TT-BTC có hiệu lực vào ngày 01/01/2025 thì các đơn vị thực hiện theo Thông tư 107/2017/TT-BTC). Trong đó, nguồn hình thành bao gồm: Mua sắm, đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước; được tài trợ, biếu tặng; nhận điều chuyển từ đơn vị khác. Đối với mỗi nguồn hình thành, nguyên giá và giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận phù hợp với bản chất nghiệp vụ phát sinh. Hạn chế thường gặp ở đơn vị là việc ghi tăng nguyên giá TSCĐ nhưng không đầy đủ, không tính các khoản chi phí có liên quan phát sinh trước khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, các đơn vị còn gặp khó ở bước ghi nhận nguyên giá đối với TSCĐ nhận từ nguồn tài trợ, biếu tặng khi bên tài trợ không có đủ minh chứng theo đúng quy định. Mặc dù có quy định về việc thành lập hội đồng thẩm định giá để có căn cứ ghi sổ nhưng các đơn vị vẫn còn e ngại khi thực hiện các thủ tục có liên quan. Bên cạnh đó, một trong những lỗi cơ bản về kế toán TSCĐ mà các đơn vị mắc phải là không cập nhật nguyên giá TSCĐ khi tăng, không lập đầy đủ các thẻ TSCĐ đang quản lý và sử dụng. Đặc biệt là trong những trường hợp thay đổi người làm kế toán mà công tác bàn giao chưa đảm bảo quy định, điều này dẫn đến sự không phù hợp giữa giá trị và hiện vật TSCĐ.

Kế toán giảm TSCĐ

TSCĐ giảm do bán, thanh lý là trường hợp phổ biến. Các đơn vị thường không thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý khi bán hoặc thanh lý TSCĐ theo quy định, không tiến hành hạch toán giảm TSCĐ sau khi thanh lý. Một số TSCĐ không còn đủ tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ cần chuyển qua theo dõi như công cụ, dụng cụ nhưng đơn vị không thực hiện đúng như quy định chế độ kế toán. Trước đây, khi áp dụng tiêu chuẩn xác định TSCĐ theo Thông tư 45/2018/TT-BTC, căn cứ đặc điểm tài sản sử dụng thực tế của ngành, lĩnh vực, địa phương và yêu cầu quản lý có những tài sản có nguyên giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng vẫn có thể được xem xét ghi nhận là TSCĐ. Nhưng đến ngày 10 tháng 6 năm 2023 khi Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì tài sản được ghi nhận là TSCĐ khi có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên. Do đó, các đơn vị cần rà soát lại những TSCĐ nào có nguyên giá dưới 10.000.000 đồng thì phải chuyển sang theo dõi như công cụ, dụng cụ.

 Tính hao mòn, khấu hao TSCĐ

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Thông tư 23/2023/TT-BTC, TSCĐ tại ĐVSNCL đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), TSCĐ thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật. Khi TSCĐ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật, đơn vị thực hiện trích khấu hao theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp. Nếu TSCĐ vừa sử dụng cho hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ, đơn vị phải thực hiện tính toán, xác định tổng giá trị hao mòn và khấu hao trong năm của TSCĐ theo mức hao mòn hàng năm quy định chi tiết tại Điều 14 Thông tư 23/2023/TT-BTC. Tồn tại phổ biến ở các đơn vị là không trích khấu hao TSCĐ hoặc trích khấu hao quá thấp, không phù hợp với khoản thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Xem lại quy định tại điểm b, khoản 2 điều 15 Thông tư 23/2023/TT-BTC “Căn cứ thời gian sử dụng, tần suất sử dụng hoặc khối lượng công việc hoàn thành, đơn vị tính toán phân bổ số khấu hao và số hao mòn trong tổng giá trị hao mòn và khấu hao trong năm đã xác định tại điểm a khoản này để hạch toán vào chi phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chi phí kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đối với số khấu hao; thực hiện hạch toán kế toán hao mòn tài sản cố định đối với số hao mòn”, nhận thấy quy định tạo sự linh hoạt cho đơn vị khi xác định số trích khấu hao TSCĐ, mặt khác cũng là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc ghi nhận và hạch toán khoản khấu hao.

Trước tiên, khi sử dụng TSCĐ để thực hiện các hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, các đơn vị phải xác định khoản trích khấu hao TSCĐ và quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ được lập theo hướng dẫn của Thông tư 56/2022/TT-BTC. Việc trích khấu hao TSCĐ được thực hiện từ ngày TSCĐ được dựa vào sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và dừng trích khấu hao TSCĐ từ sau ngày kết thúc việc sử dụng TSCĐ vào các mục đích trên. Chi phí khấu hao TSCĐ phải được phân bổ cho từng hoạt động sự nghiệp, từng hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để hạch toán chi phí của từng hoạt động tương ứng. Với quy định này, kế toán ở đơn vị phải mở sổ đăng ký phần khấu hao TSCĐ, trong đó tách riêng số hao mòn và khấu hao phụ thuộc vào mức độ sử dụng TSCĐ trong hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, một số các đơn vị thực hiện trích khấu hao chưa đủ theo mức độ sử dụng TSCĐ. Điều này gây áp lực đến ngân sách nhà nước khi phải bù đắp chi phí hao mòn TSCĐ.

4.    Kiến nghị

TSCĐ giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của ĐVSNCL. Do đó, để đảm bảo hiệu quả quản lý và sử dụng TSCĐ, cần nâng cao chất lượng công tác kế toán. Theo cơ chế tài chính và chế độ kế toán như quy định hiện hành, đơn vị có thể linh hoạt lựa chọn chính sách kế toán phù hợp với thực tiễn sử dụng TSCĐ. Nhìn nhận một cách khách quan về những vấn đề còn tồn tại trong công tác kế toán TSCĐ thông qua các kết luận thanh tra là cơ sở để đề xuất các kiến nghị giúp cải thiện chất lượng công tác kế toán tại đơn vị. Hơn nữa, việc cải thiện chất lượng công tác kế toán TSCĐ là nhiệm vụ cần thiết để tận dụng hiệu quả của TSCĐ trong ĐVSNCL. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng TSCĐ – nhìn từ góc độ kế toán được đề xuất như sau:

Thứ nhất, trong việc quản lý và khai thác TSCĐ, trước tiên đơn vị cần nắm rõ các cơ sở pháp lý liên quan. Thực tế cho thấy, thủ trưởng các ĐVSNCL thường tập trung nhiều đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, thiếu sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý tài chính nói chung và khai thác TSCĐ nói riêng, do đó còn phụ thuộc vào sự tham mưu của bộ phận kế toán. Hiện trạng này cho thấy, việc chuẩn hóa và nâng cao trình độ của kế toán tại ĐVSNCL là điều rất cần thiết. Đảm bảo kế toán viên có kiến thức vững về kế toán TSCĐ từ việc định giá, ghi nhận đến việc áp dụng các phương pháp khấu hao, hao mòn TSCĐ. Việc kế toán nắm vững các quy định hiện hành sẽ tổ chức thực hiện công tác kế toán tốt hơn, đồng thời kế toán sẽ đảm nhiệm tốt vai trò tư vấn quản lý tài chính cho thủ trưởng, góp phần thực hiện tốt vai trò phục vụ công của đơn vị.

Thứ hai, trong công tác kế toán TSCĐ, cần thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin về TSCĐ như: nâng cấp làm thay đổi nguyên giá, sửa chữa, bảo dưỡng, bán, thanh lý,... Ngoài ra, kế toán cần đảm bảo đầy đủ các chứng từ liên quan đến việc thay đổi TSCĐ, mở đầy đủ các sổ, thẻ theo dõi TSCĐ như quy định theo Thông tư 24/2024/TT-BTC. Sau khi hoàn tất các thủ tục bán hoặc thanh lý TSCĐ, kế toán cần kịp thời hạch toán giảm TSCĐ theo quy định.

Thứ ba, kế toán theo dõi chặt chẽ nguồn hình thành TSCĐ và mục đích sử dụng để hạch toán phù hợp các nội dung: Nguyên giá TSCĐ, hao mòn, khấu hao, bán hoặc thanh lý. Bên cạnh đó, cần phân bổ khoản khấu hao và hao mòn theo tỷ lệ hợp lý đối với những TSCĐ vừa sử dụng cho hoạt động theo chức năng vừa cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết theo quy định tại Thông tư 23/2023/TT-BTC.

Thứ tư, thủ trưởng ĐVSNCL cần nhận thức đầy đủ vai trò quản lý tài chính, đặc biệt trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, để có những chỉ đạo kịp thời cho bộ phận kế toán. Ngoài ra, thủ trưởng đơn vị cần chủ động khai thác TSCĐ nhằm tăng nguồn thu của đơn vị theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình sử dụng TSCĐ của các bộ phận trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh những hành vi sử dụng tài sản không đúng mục đích, gây lãng phí. Xây dựng quy trình kiểm kê tài sản định kỳ cũng là phương pháp quản lý tài sản giúp đảm bảo sự phù hợp giữa giá trị trên sổ sách và hiện vật.

Thứ năm, đơn vị cần sắp xếp và phân loại TSCĐ theo đúng quy định, chuyển sang theo dõi như công cụ, dụng cụ đối với những TSCĐ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn; chủ động xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả sử dụng TSCĐ bằng các tiêu chí như tỷ lệ sử dụng tài sản trong công việc, chi phí bảo trì, sửa chữa, để có cái nhìn rõ ràng về hiệu quả sử dụng tài sản và đưa ra biện pháp cải tiến phù hợp. Lưu ý rằng, hoạt động này cần có sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa cơ chế tài chính và hoạt động kế toán.

5. Kết luận

TSCĐ là nguồn lực quan trọng trong hoạt động của ĐVSNCL. Ngoại trừ, các đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính, TSCĐ của các đơn vị khác chủ yếu được hình thành từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc khai thác, sử dụng và quản lý TSCĐ cần tuân thủ các quy định về quản lý tài chính nhà, đồng thời phải hạch toán đầy đủ và hợp lý. Mặc dù cơ sở pháp lý về kế toán TSCĐ khá hoàn thiện, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện ở các ĐVSNCL vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Dựa trên các quy định hiện hành và các kết luận thanh tra tài chính, bài viết đã đề cập chi tiết những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và sử dụng TSCĐ tại ĐVSNCL. Từ đó, đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác kế toán TSCĐ, góp phần hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị.

Tài liệu tham khảo

Bộ Tài chính. (2022). Thông tư số 56/2022/TT-BTC. Hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Hà Nội.

Bộ Tài chính. (2024). Thông tư số 23/2023/TT-BTC. Hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hà Nội.

Bộ Tài chính. (2024). Thông tư số 24/2024/TT-BTC. Hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Hà Nội.

Chính Phủ. (2017). Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công. Hà Nội.

Chính Phủ. (2021). Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Hà Nội.

Chính Phủ (2024). Nghị định số 114/2024/NĐ-CP. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công. Hà Nội.

Quốc hội. (2021). Luật số 15/2017/QH14. Quản lý, sử dụng tài sản công. Hà Nội.

Quốc hội. (2023). Luật số 22/2023/QH15. Luật đấu thầu. Hà Nội.

Quốc hội. (2024). Luật số 57/2024/QH15. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật đấu thầu. Hà Nội.