Giải pháp hút vốn đầu tư ngoại trong kỷ nguyên mới

UBCKNN Thứ sáu, 28/03/2025 16:50 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có những chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư.

Kết luận Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam diễn ra sáng ngày 28/3/2025 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của đông đảo của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các đại sứ quán, tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới, các doanh nghiệp FDI, các định chế tài chính, các thành viên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có những chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết quá trình đổi mới, mở cửa đã giúp Việt Nam thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư qua thị trường vốn và thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2024, các cân đối vĩ mô luôn được đảm bảo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu kết luận tại Hội nghị

‘Sự hiện diện của các quỹ đầu tư quốc tế hàng đầu, các tập đoàn tài chính lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.’ - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ. 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và giai đoạn 2025-2030, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đột phá, mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh mới trong nhiều lĩnh vực; đồng thời cũng đặt ra bài toán về nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Bộ trưởng đã chỉ đạo một số giải pháp Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là nguồn vốn thông qua hệ thống quỹ đầu tư, cụ thể:

Thứ nhất, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất thực hiện các dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa khu vực trong nước và đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, cải cách về thể chế thông qua hoàn thiện các văn bản pháp luật về thị trường vốn, các quỹ đầu tư, các định chế trung gian, các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.

Thứ ba, về thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu; Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi ngay trong năm 2025; đồng thời, yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung hàng hoá…

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro theo lộ trình phù hợp với yêu cầu quản lý ngoại hối và nhu cầu mở rộng thương mại, đầu tư quốc tế.

Thứ tư, Bộ Tài chính cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống quỹ đầu tư. Vừa qua, Chính phủ đã ban chính sách về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua (i) đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư; (ii) đa dạng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thiết lập các quỹ đầu tư mới trên thị trường; và (iii)  xem xét điều chỉnh thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán để thúc đẩy đầu tư qua các định chế đầu tư chuyên nghiệp này. 

Thứ năm, tiếp tục cùng với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút vốn FDI thông qua: (i) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính; (ii) Đẩy mạnh hợp tác công tư với các Tập đoàn, Quỹ Đầu tư có nguồn vốn bền vững, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh tốt tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo,…; (iii) Ban hành chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các các dự án có sức lan tỏa, lắng nghe các kiến nghị từ doanh nghiệp để xử lý khó khăn; (iv) Tạo sự gắn kết giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ sáu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục duy trì đối thoại chính sách để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất giải pháp xử lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Việt Nam. 

Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của tất cả các bên, thị trường vốn Việt Nam và hệ thống quỹ đầu tư sẽ ngày càng phát triển; đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục có những kết quả ấn tượng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay và giai đoạn tới’ – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.