Dòng tiền dè dặt, VN-Index hướng 1.270 điểm giữa kỳ vọng và thận trọng

Ngọc Thu Thứ tư, 07/05/2025 08:46 (GMT+7)

Thị trường trở lại khi hệ thống KRX được vận hành với một phiên hồi phục đầy tính thăm dò. VN-Index bật tăng nhưng nhanh chóng vấp phải lực cản từ nhóm vốn hóa lớn, cho thấy dòng tiền chưa sẵn sàng “đặt cược lớn”. Thanh khoản cải thiện, khối ngoại mua ròng, nhưng độ phân hóa cao và lực bán tại vùng kháng cự cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao trùm.

Thị trường ngày 6/5 duy trì đà phục hồi, thanh khoản cải thiện khi tâm lý nhà đầu tư dần ổn định. Mở cửa trong sắc xanh, VN-Index tiếp tục thử thách vùng kháng cự tâm lý quanh mốc 1.250 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời từ nhóm vốn hóa lớn khiến đà tăng bị thu hẹp. Kết phiên, VN-Index nhích nhẹ 1,90 điểm (+0,15%) lên 1.241,95 điểm – vượt qua đường trung bình 200 tuần quanh 1.235 điểm, củng cố tín hiệu phục hồi trung hạn.

Trong khi đó, chỉ số VN30 đối mặt với lực bán tại vùng cản kỹ thuật quanh MA200 ngày, chốt phiên giảm nhẹ 0,75 điểm (-0,06%) xuống 1.319,66 điểm.

Trên sàn HOSE, độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 166 mã tăng giá – dẫn dắt bởi nhóm công nghệ, bảo hiểm, dầu khí, dệt may và thủy sản. Ngược lại, bất động sản phân hóa rõ nét, trong khi nhóm cảng biển quay đầu điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng. Các cổ phiếu thuộc ngành khu công nghiệp, xây dựng và cao su cũng chịu áp lực bán nhẹ với thanh khoản thấp. Có 148 mã giảm và 57 mã giữ giá tham chiếu.

Thanh khoản tiếp tục cải thiện, khối lượng giao dịch trên HOSE tăng 28,6% so với phiên trước, tiệm cận mức trung bình. Dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu luân chuyển mạnh hơn, tập trung vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực. Khối ngoại cũng góp phần hỗ trợ thị trường khi mua ròng 72 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2505 tăng 1,10 điểm (+0,88%) lên 1.317,50 điểm, thu hẹp khoảng cách với chỉ số cơ sở VN30 còn -2,16 điểm. Các hợp đồng kỳ hạn xa như VN30F2506, VN30F2507 và VN30F2509 vẫn giao dịch dưới giá cơ sở, với mức chênh lệch từ -2,36 đến -2,66 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tăng vọt 189% so với phiên trước, dù vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên gần nhất. Khối lượng mở (OI) đạt 45.024 hợp đồng – cao hơn phiên liền kề, phản ánh sự gia tăng vị thế nắm giữ và kỳ vọng biến động trong biên độ 1.180–1.320 điểm vẫn còn tiếp diễn.

Nhận định của các công ty chứng khoán:

Chứng khoán DNSE

Nhận định phiên 7/5, xu hướng SHORT trong phiên. Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 5 phút duy trì xu hướng tăng trong phiên sáng, sau giảm mạnh vào cuối phiên chiều. RSI chưa vào vùng quá bán, cho thấy vẫn còn dư địa SHORT đầu phiên tới.

Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 1 giờ chịu áp lực giảm mạnh vào cuối phiên. Kết phiên bằng cây nến giảm biên độ lớn, thanh khoản vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy xung lực giảm mạnh, báo hiệu tiếp diễn xu hướng SHORT trong phiên tới. Kế hoạch giao dịch, nhà đầu tư nên cân nhắc tham gia vị thế SHORT khi chỉ số thủng hỗ trợ S1 (1314.1 điểm).

Chứng khoán Phú Hưng

Thị trường giao dịch lưỡng lự khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài, dù vậy, lực cầu tham gia mạnh mẽ hơn vào phiên chiều giúp chỉ số đóng cửa trong sắc xanh. Sự lạc quan về thương mại toàn cầu hạ nhiệt góp phần thúc đẩy tâm lý. Trung Quốc báo hiệu sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, sau nhiều nỗ lực tiếp cận từ Washington. Trong khi đó, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã kết thúc vòng đàm phán song phương thứ hai, với Tokyo đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận thương mại vào tháng 6. Trong nước, hệ thống KRX chính thức vận hành vào ngày 05/05 cũng góp thêm xúc tác tích cực.

VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1230 điểm tiếp tục củng cố cho xu hướng phục hồi lớn. Tín hiệu kỹ thuật cân bằng và chưa biểu thị chiều hướng xấu đi. Dòng tiền luân chuyển tốt ở nhóm Mid-cap sẽ là động lực, khi hoạt động luân phiên tăng giá giữa các nhóm ngành đang diễn ra tích cực. Nếu không có thêm bất ổn từ bên ngoài, kỳ vọng chỉ số sẽ hướng tới mục tiêu 1260 - 1270 điểm trong các phiên tới. Dù vậy, khớp lệnh thấp hàm ý sự thận trọng vẫn còn khi ngày đàm phán đầu tiên giữa Việt nam và Hoa Kỳ đang đến gần. Sự đi lên có thể kèm theo rung lắc.

Đối với HNX-Index, nỗ lực bứt phá vẫn gặp khó khăn với mẫu hình nến “spinning top” cho thấy cung bán tiếp tục chi phối ở vùng giá cao. Giao dịch có lẽ cần tích lũy thêm quanh ngưỡng 210 điểm.

Chiến lược chung, nắm giữ, chờ chốt lời một phần với những Mid-cap có hiệu suất tốt. Tỷ trọng chung được kiểm soát ở mức trung bình để tránh biến động bất ngờ từ vĩ mô. Các nhóm ưu tiên chú ý là Vận tải - Cảng, Đầu tư công, Bất động sản, Ngân Hàng, Tiện ích.

Chứng khoán TPS

Chỉ số VN-Index tiếp đà tăng điểm, trùng khớp với dự báo của chúng tôi trong bản tin trước. Tuy nhiên đà tăng của thị trường đã bị thu hẹp đáng kể khi dần về cuối phiên. Điểm sáng của thị trường hôm nay đến từ hoạt động mua ròng của khối ngoại và thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể so với phiên hôm qua, điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã có phần tích cực hơn.

Mặt khác, theo góc nhìn phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang chạm kháng cự ngắn hạn quanh 1,240 điểm (+/-), nếu động lực từ phe mua tiếp tục duy trì thì chỉ số có khả năng vượt kháng cự và hướng đến mốc cao hơn quanh 1,260 điểm (+/-). Ngoài ra, Việt Nam sẽ đàm phán đầu tiên với Mỹ vào 07/05/2025 là thông tin quan trọng có thể tác động lên thị trường trong ngắn hạn.