Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến động, không ít doanh nghiệp niêm yết lại khiến nhà đầu tư bất ngờ khi mạnh tay chi trả cổ tức ở mức cao kỷ lục. Từ cổ tức bằng tiền mặt lên tới 150%, cho đến thưởng cổ phiếu với tỷ lệ trên 158%, những khoản chi hàng chục tỷ đồng cho cổ đông đang khiến giới đầu tư một lần nữa phải dõi theo từng động thái của doanh nghiệp.
Dòng tiền “chảy mạnh” từ cổ tức: Tín hiệu tự tin hay cuộc chơi ngắn hạn?
Trong danh sách
những doanh nghiệp sắp trả cổ tức lớn, Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ
Triển lãm Việt Nam (mã chứng khoán: VEF) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khiến giới đầu tư phải sửng sốt vì công bố kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt lên tới 435%.
Theo đề xuất
vừa được Hội đồng quản trị VEF trình lên, công ty sẽ chia cổ tức thành hai đợt
với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đợt đầu tiên, VEF sẽ sử dụng
phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2024 để trả cổ tức với
tỷ lệ 135%, tương đương 13.500 đồng/cổ phiếu. Nhưng chưa dừng lại ở
đó, đợt tiếp theo còn ấn tượng hơn khi công ty dự kiến tạm ứng cổ tức từ lợi
nhuận quý I/2025 với tỷ lệ "khó tin" 300%, tương
đương 30.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu cộng lại,
cổ đông của VEF sẽ được "rót tiền" lên tới 43.500 đồng cho mỗi cổ
phần đang nắm giữ – mức cổ tức cao đến choáng váng trên thị trường chứng
khoán Việt Nam.
Với
hơn 166,6 triệu cổ phần đang lưu hành, VEF sẽ phải chi ra hơn 7.200 tỷ
đồng để hoàn tất kế hoạch chi trả cổ tức "khủng" này trong vòng
6 tháng sau Đại hội đồng cổ đông thường niên. Và người hưởng lợi lớn nhất không
ai khác chính là Tập đoàn Vingroup (mã VIC) – cổ đông sở hữu tới 83,32%
vốn tại VEF. Với tỷ lệ nắm giữ này, Vingroup có thể nhận về hơn 6.000
tỷ đồng tiền mặt, một “khoản thu” không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh tập
đoàn này đang tái cơ cấu mạnh mẽ và tăng tốc trong các lĩnh vực then chốt.
CTCP Logistics Portserco (mã chứng khoán: PRC) cũng đang trở thành cái tên gây chú ý khi công bố thưởng cổ phiếu cho
cổ đông với tỷ lệ lên tới 158,3%, tương đương người sở hữu 12 cổ phiếu sẽ
nhận thêm 19 cổ phiếu mới. Đây không phải lần đầu tiên Portserco gây ngạc nhiên
với mức chi trả cao – năm 2023, công ty này cũng đã chi cổ tức tới 35%, vượt xa
mặt bằng ngành logistics.
Về kết quả
kinh doanh, quý I/2025, Portserco ghi nhận doanh thu gần 31 tỷ đồng, gần
như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận sau thuế lại tăng vọt
50%, đạt hơn 600 triệu đồng. Doanh nghiệp có tiền thân là xí nghiệp dịch vụ trực
thuộc Cảng Đà Nẵng, hiện hoạt động đa ngành từ vận tải đa phương thức, sửa chữa
cơ khí, cho đến phân phối dầu nhớt và dịch vụ hàng hải.
Nếu
Portserco ưu tiên chia thưởng bằng cổ phiếu thì CTCP May Xuất khẩu Phan
Thiết (mã chứng khoán: PTG) lại gây sốc bằng một đợt chia cổ tức tiền mặt “khủng”
nhất lịch sử công ty – lên tới 150%, chia làm hai đợt trong năm 2024. Cụ thể, đợt
2 sẽ được chốt danh sách vào ngày 9/5 với tỷ lệ 100%, tương đương mỗi cổ
phiếu nhận 10.000 đồng. Trước đó, vào giữa tháng 6/2024, PTG đã tạm ứng đợt 1 với
tỷ lệ 50%.
Nguồn tiền
chi cổ tức không chỉ đến từ lợi nhuận năm 2024, mà còn khai thác cả phần lợi
nhuận chưa phân phối của các năm trước. Với tổng doanh thu năm 2024 đạt
hơn 488 tỷ đồng, hoàn thành gần 96,4% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế vượt
15% kế hoạch, đạt trên 52 tỷ đồng.
Không chịu
đứng ngoài làn sóng chia cổ tức “khủng” đang khuấy động thị trường, Công ty Cổ
phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online – mã chứng khoán: FOC) cũng công bố kế hoạch chia cổ
tức năm 2024 với tỷ lệ 100% bằng tiền mặt, tương đương 10.000 đồng cho mỗi cổ
phiếu đang lưu hành.
Với hơn 18,4
triệu cổ phiếu đang được nắm giữ trên thị trường, FPT Online sẽ chi ra khoảng 184
tỷ đồng để thực hiện đợt chi trả này – một con số không hề nhỏ so với quy mô
công ty.
Đáng chú
ý, hai cổ đông lớn nhất của FPT Online là Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FOX)
– công ty mẹ sở hữu 56,51% vốn, và Tập đoàn FPT – nắm giữ 23,86%, sẽ là những
người hưởng lợi lớn nhất. Theo tính toán, FOX sẽ nhận về hơn 100 tỷ đồng, trong
khi Tập đoàn FPT cũng bỏ túi hơn 40 tỷ đồng tiền mặt từ khoản cổ tức này.
Không nằm
ngoài cuộc đua, CTCP Cấp nước Ninh Thuận (mã chứng khoán: NNT) cũng thông báo chia
cổ tức tiền mặt ở mức 60,67%, tương đương 6.067 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị
chi trả gần 57,6 tỷ đồng. Với quy mô vốn điều lệ chưa đến 100 tỷ đồng, việc bỏ
ra số tiền lớn như vậy để trả cổ tức cho thấy mức độ tự tin của công ty vào
dòng tiền và hiệu quả kinh doanh. Cần nhắc lại, NNT nhiều năm qua vẫn giữ
“phong độ” cổ tức ổn định, với tỷ lệ từ 25–60% xuyên suốt từ năm 2020 đến nay.
Năm
2024, Cấp nước Ninh Thuận đạt doanh thu 213 tỷ đồng, tăng 6,5%, lợi
nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, tăng trưởng 8,3%. Con số này là đáng nể trong
ngành hạ tầng cấp nước – vốn thường ổn định nhưng hiếm khi tăng trưởng mạnh,
cho thấy chiến lược kiểm soát chi phí và tối ưu nguồn nước đã phát huy hiệu quả.
Tiếp đến là CTCP Tập đoàn Macstar (mã chứng khoán: MAC) vừa thông báo trả cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50%, tương đương cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Trong quý 1/2025, dù doanh thu tăng nhẹ 2%, đạt 42,8 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 20% lên 7,5 tỷ đồng và tổng tài sản vượt 400 tỷ đồng, nhưng quy mô kinh doanh vẫn ở mức nhỏ.
Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức tiền mặt lên tới 435%
Ở chiều ngược lại, CTCP MEINFA (mã chứng khoán: MEF) lại duy trì một chiến lược rõ ràng và nhất quán hơn, trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%/cổ phiếu, tương đương 5.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức chi trả cao ngất ngưởng, đặc biệt khi biết rằng MEF duy trì việc trả cổ tức tiền mặt từ 30% trở lên suốt từ năm 2012 tới nay.
Doanh thu năm 2024 đạt 380 tỷ đồng, lợi nhuận tăng gần 10% lên 43 tỷ đồng, tài sản đạt gần 300 tỷ đồng. Dù quy mô không lớn, nhưng sự ổn định và xuyên suốt trong chiến lược cổ tức của MEINFA phần nào cho thấy sự vững vàng về tài chính – điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Tương tự MEINFA, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (mã chứng khoán: CTS) cũng công bố phát hành hơn 63,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng với tỷ lệ 43%. Dù nguồn vốn phát hành trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết năm 2024.
Trong nhóm doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền, Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy Lợi II (mã chứng khoán: HEC) gây chú ý khi công bố tỷ lệ cổ tức 45% bằng tiền mặt, tương đương 4.500 đồng/cổ phiếu, chi trả vào ngày 18/06/2025. Dẫu vậy, kết quả kinh doanh năm 2024 lại sụt giảm đáng kể: doanh thu giảm 20% xuống còn 220 tỷ đồng, lợi nhuận ròng giảm hơn 10% còn 60 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Khử trùng Việt Nam (mã chứng khoán: VFG) lại có mức chi trả cổ tức kỷ lục theo đợt: 30% cho đợt cuối năm 2024, nâng tổng mức chi trả cổ tức cả năm lên 50%. Với hơn 41,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VFG dự chi khoảng 125 tỷ đồng cho đợt này. Đây là mức chi trả lớn nhất trong lịch sử hoạt động công ty, một phần phản ánh tiềm lực tài chính của VFG.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất và tài chính, lĩnh vực hạ tầng – cấp nước cũng góp mặt trong “làn sóng cổ tức”. Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Cấp nước Đồng Nai (mã chứng khoán: DVW) thông báo trả cổ tức 30% bằng tiền mặt (3.000 đồng/cổ phiếu), chi trả vào ngày 30/5/2025.
Không thể phủ nhận rằng cổ tức cao là một tín hiệu hấp dẫn, đặc biệt trong giai đoạn thị trường chứng khoán thiếu động lực tăng trưởng. Và nhìn bề ngoài, việc trả cổ tức “khủng” có thể là lời khẳng định sức khỏe tài chính doanh nghiệp, nhưng nếu nhìn sâu hơn, đây cũng là một tín hiệu chiến lược mà các công ty đang phát đi trong mùa đại hội cổ đông.
Một mặt, doanh nghiệp có thể muốn khẳng định vị thế với nhà đầu tư, nhất là khi giá cổ phiếu chưa phản ánh đầy đủ giá trị nội tại. Mặt khác, việc chi trả cổ tức lớn – nhất là bằng tiền mặt – cũng có thể cho thấy sự thiếu hụt cơ hội đầu tư nội bộ, buộc doanh nghiệp phải chia sẻ lợi nhuận thay vì tái đầu tư.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo rằng cổ tức cao
chưa hẳn là tín hiệu tích cực nếu doanh nghiệp không duy trì được đà tăng trưởng
dài hạn. Trong một thị trường vốn đang “khát” dòng tiền như hiện nay, những
“cơn mưa cổ tức” có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn để giữ chân nhà đầu tư, đặc
biệt với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, ít kênh tăng trưởng mới.
Dù vậy, trong mắt các nhà đầu tư giá trị, những công ty như
Portserco, PTG hay NNT – với lịch sử chi trả cổ tức đều đặn và tỷ suất cổ tức
cao – vẫn là điểm sáng đáng để theo dõi, nhất là trong giai đoạn thị trường thiếu
động lực hồi phục như hiện nay.
Bởi cuối cùng, dòng tiền thực nhận vẫn là yếu tố mà mọi nhà
đầu tư đều quan tâm – bất kể thị trường đang tăng hay giảm.
Việc Chính phủ chính thức cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8% đánh dấu lần tăng thứ tư kể từ năm 2023 đã đặt nền tảng cho một bối cảnh mới trong ngành điện, tạo lực đẩy về mặt doanh thu cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh điện. Tuy nhiên, làn sóng tăng giá điện vẫn chưa đủ mạnh để khuấy động thị trường chứng khoán, nơi cổ phiếu ngành điện đang mắc kẹt giữa hiệu quả kinh doanh và nghịch lý thanh khoản.