Cơ hội và thách thức của nghề kế toán và thuế trong kỷ nguyên vươn mình

ThS.LS Nguyễn Văn Được Thứ năm, 10/07/2025 10:06 (GMT+7)

Tạp chí Kế toán và kiểm toán trân trọng giới thiệu bài viết của ThS.LS Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín với những với những chia sẻ tâm huyết về nghề kế toán, thuế.


Nghề kế toán – thuế trước vận hội mới: Kỷ nguyên vươn mình của đất nước

Trong bối cảnh đất nước bước sang thời kỳ “Kỷ nguyên vươn mình”, tại Nghị quyết 68-NQ/TW, Đảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là lực lượng tiên phong… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW với mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp có trình độ, năng lực đổi mới, sáng tạo cao và tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10–12%.

Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 của Quốc hội với nhiều giải pháp và chính sách ưu đãi, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), doanh nghiệp khởi nghiệp như: miễn lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 3 năm, áp dụng thuế suất TNDN 15% hoặc 17%, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác giúp kinh tế tư nhân phát triển đúng tiềm năng như kỳ vọng. Từ đó, mở ra cơ hội lớn cho nghề kế toán, thuế tại Việt Nam phát triển và nâng tầm vai trò, sứ mệnh nghề nghiệp mà xã hội đã giao phó.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cũng đặt ra thách thức mới, đặc biệt trong thời đại công nghệ, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi kế toán viên hành nghề cũng như người làm công tác kế toán, thuế phải nhanh chóng đổi mới, bắt nhịp với xu thế của thời đại, đồng thời chủ động nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Cơ hội phát triển và nâng tầm vai trò nghề kế toán – thuế

Tinh thần của Nghị quyết 68, Nghị quyết 198 và các chính sách của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh mới tinh gọn bộ máy, đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nghiệp kế toán, thuế, tạo nên bước ngoặt lịch sử, góp phần tạo công bằng, minh bạch và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững. Đơn cử:

Trước tiên, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 được ví như bản tuyên ngôn thứ hai đối với kinh tế tư nhân. Theo đó, doanh nghiệp và doanh nhân được ví như “chiến sỹ trên mặt trận kinh tế” được đảm bảo đầu tư, kinh doanh và làm giàu chính đáng trên cơ sở được ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước. Khi kinh tê tư nhân được coi trọng và với hàng loạt các giải pháp, hỗ trợ, ưu đãi giúp cho kinh tế tư nhân phát triển, từ đó không chỉ gia tăng số lượng, chất lượng khách hàng cho nghề kế toán, thuế mà còn giúp cho chính các đơn vị hành nghề kế toán, thuế cũng có điều kiện phát triển với vai trò là một chủ thể của kinh tế tư nhân.

Thứ hai, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 đã xác định mục tiêu phấn đấu năm 2030 đạt 2 triệu doanh nghiệp, đây được xem là kỳ vọng lớn sẽ mở ra một “đại dương xanh” là thị trường vô cũng lớn cho các nghề nghiệp kế toán, thuế tiếp tục khai mở và phát triển vững mạnh với vai trò là đơn vị tư vấn, hỗ trợ quản trị tài chính, doanh nghiệp hữu hiệu, đặc biệt rất phù hợp với các DNVVN. Có thể nói "đại dương xanh” sẽ là thị trường vô cũng lớn cho các nghề nghiệp kế toán, thuế tiếp tục khai mở và phát triển vững mạnh với vai trò là đơn vị tư vấn, hỗ trợ quản trị tài chính, doanh nghiệp hữu hiệu, đặc biệt rất phù hợp với các DNVVN.

Thứ ba, với chính sách xóa bỏ thuế khoán theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 từ ngày 01/01/2026, cùng các quy định về hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử sử dụng máy tính tiền… tại Nghị định số 70 của Chính phủ, đây không chỉ là hành lang pháp lý mà còn là cơ sở, động lực để Hộ kinh doanh (HKD) sớm lớn mạnh, chuyển mình phát triển lên doanh nghiệp. Từ đó, các đơn vị có cơ hội áp dụng khoa học quản trị chuyên nghiệp, bài bản; đồng thời góp phần tạo ra sự công bằng, minh bạch và bình đẳng trong nền kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo động lực phát triển đất nước.

Tính đến tháng 05/2025, cả nước có khoảng gần 3 triệu HKD, trong đó hơn 2 triệu HKD phải nộp tờ khai thuế. Đây là lực lượng tiềm năng lớn cho quá trình chuyển đổi lên doanh nghiệp, đồng thời phải thực hiện kê khai và nộp thuế theo phương pháp kê khai, theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC. Đây chính là một thị trường rộng lớn, là mảnh “đất màu mỡ” cho sự phát triển của nghề kế toán, thuế.

Khi thuế khoán không còn, “vùng xám” không còn tồn tại, hộ kinh doanh buộc phải minh bạch, công khai và nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật. Doanh nghiệp và HKD sẽ phải tự nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật hoặc buộc phải sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp từ các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, đại lý thuế, tổ chức hành nghề luật sư… Đây cũng chính là cơ hội lớn để nghề nghiệp kế toán, thuế phát triển và khẳng định vai trò, vị thế mà xã hội từ trước đến nay đã tin tưởng và giao phó.

Thứ tư, quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng vẫn đảm bảo sự ngay ngắn, lề lối, cùng với sự bắt nhịp kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành theo phương châm “bàn làm, không bàn lùi”, đã góp phần cụ thể hóa chủ trương, hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, khi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời vào cuộc sống, hệ thống pháp luật được hoàn thiện sớm, không chỉ giúp giảm chi phí tuân thủ và chi phí xã hội mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo môi trường hành nghề kế toán, thuế được an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Thứ năm, với tinh thần đổi mới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào quá trình quản lý kinh tế, xây dựng chính quyền địa phương và đóng góp ý kiến, phản biện nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đây không chỉ là điểm sáng của kinh tế tư nhân mà còn là thế mạnh của các đơn vị hành nghề kế toán, kiểm toán, thuế và luật, vốn am hiểu sâu sắc về chính sách pháp luật và đã, đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hoàn thiện pháp luật quốc gia.

Góp ý và phản biện từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là từ các đơn vị hành nghề chuyên môn cũng như Hiệp hội nghề nghiệp, ngày càng được quan tâm và ghi nhận kịp thời. Điều đó cho thấy vai trò, sứ mệnh và vị thế của các nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, thuế và luật đang được khẳng định và không ngừng được nâng tầm. Với vai trò là những nhà tư vấn chuyên nghiệp, là cầu nối thiết thực, hiệu quả giữa doanh nghiệp với các cơ quan bộ, ngành, đặc biệt trong công tác tư vấn, tuyên truyền và phản biện chính sách pháp luật.

Mặc dù có nhiều cơ hội và thuận lợi như trên nhưng nghề nghiệp kế toán, thuế cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Thách thức: Đòi hỏi chuyên môn cao, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh vững vàng

Bối cảnh mới cũng mang đến áp lực lớn cho đội ngũ hành nghề kế toán, thuế, cụ thể:

Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật, các cam kết và chuẩn mực quốc tế đã và đang thay đổi mạnh mẽ theo yêu cầu phát triển của đất nước. Điều này buộc kế toán viên và người làm công tác kế toán, thuế phải không ngừng cập nhật kiến thức, thành thạo công nghệ và am hiểu nghiệp vụ chuyên sâu từ đó mới phát huy được vai trò, vị thế hành nghề.

Thứ hai, với sự phát triển của khoa học, công nghệ và quá trình hiện đại hóa công tác quản lý vĩ mô nói chung, đặc biệt trong quản lý thu, nộp thuế và hoàn thiện chế độ kế toán, nhiều công việc kế toán, thuế truyền thống đã và sẽ tiếp tục bị thay thế. Vì vậy, người hành nghề cần chủ động nâng cấp kỹ năng, đổi mới tư duy, hòa nhập xu thế phát triển công nghệ; đồng thời phải có chuyên môn cao và nghiệp vụ sắc sảo để trở thành nhà tư vấn, chuyên gia chuyên nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ sở đáng tin cậy trong việc ra quyết định kinh tế và hạn chế rủi ro góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Thứ ba, hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng chưa hoàn thiện, cần thêm thời gian để đồng bộ. Điều này đòi hỏi đội ngũ hành nghề kế toán, thuế phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền và phản biện chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tránh gây hoang mang dư luận. Đây vừa là thách thức, vừa là trách nhiệm của người hành nghề trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức hành nghề kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, đại lý thuế cần không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và luôn giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp, cơ quan thuế và cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tư vấn, phản biện chính sách pháp luật, từ đó trở thành cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, doanh nhân và là “cánh tay nối dài” thực sự của các cơ quan bộ, ngành.

Tóm lại, ngoài việc chủ động đổi mới và bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, người hành nghề kế toán, thuế trong thời kỳ “Kỷ nguyên vươn mình” cần phải “vừa hồng, vừa chuyên” với tâm sáng, lòng trong, nghiệp vụ tinh thông, sắc sảo, luôn giữ gìn bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp để trở thành trợ thủ đắc lực, hiệu quả cho doanh nghiệp, từ đó hoàn thành tốt sứ mệnh mà xã hội đã tin tưởng giao phó.

Thương hiệu Trọng Tín của ThS.LS.CPA.CPT Nguyễn Văn Được đã trở thành đối tác hỗ trợ, tư vấn chuyên nghiệp cho các khách hàng trên khắp cả nước

Được thành lập vào năm 2010, công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín là thương hiệu uy tín, chuyên nghiệp được Tổng cục thuế, Bộ tài chính và Bộ tư pháp cấp phép hành nghề về dịch vụ Thuế, Kế toán và Pháp lý. Hiện công ty đang cung cấp nhiều dịch vụ nổi bật như: Dịch vụ thuế, Dịch vụ kế toán, Tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, Tư vấn pháp luật, Thực hiện các dịch vụ pháp lý, Đại diện ngoài tố tụng, Nhân sự, Tư vấn quản lý, Đào tạo,… Với trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các chi nhánh văn phòng tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Phước, Thái Nguyên và Vũng Tàu, Trọng Tín đã trở thành đối tác hỗ trợ, tư vấn chuyên nghiệp cho các khách hàng trên khắp cả nước.