Công ty Vạn Xuân trúng hàng loạt gói thầu
Trong tổng số 209 gói thầu mà Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trường Sơn tham gia, doanh nghiệp này đã trúng tới 199 gói, chỉ trượt 4 gói, còn lại 4 gói chưa có kết quả và 2 gói bị huỷ.
Giá trúng thầu “sát sàn”
Ra đời vào ngày 7/10/2020, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trường Sơn là một cái tên còn khá mới trên thị trường xây dựng. Doanh nghiệp này đặt trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội và được điều hành bởi ông Nguyễn Sơn Đông – người vừa giữ vai trò giám đốc, vừa là người đại diện pháp luật. Sau vài năm hoạt động, công ty nhanh chóng trở thành tâm điểm trong giới đấu thầu nhờ những con số đáng chú ý.
Tỷ lệ trúng thầu của doanh nghiệp này gần như tuyệt đối. Trong tổng số 209 gói thầu tham gia, Trường Sơn trúng tới 199 gói, trượt 4 gói, còn lại 4 gói chưa có kết quả và 2 gói bị huỷ. Tổng giá trị các gói thầu trúng, bao gồm cả các gói tham gia theo hình thức liên doanh đạt gần 115 tỷ đồng. Trong đó, hơn 19 tỷ đồng đến từ các gói thầu chỉ định, và cũng hơn 19 tỷ đồng đến từ các gói mà công ty trúng nhưng không có thông báo mời thầu công khai.
Thứ 2, giá trúng thầu của doanh nghiệp này thường xuyên tiệm cận, vượt qua mức dự toán được phê duyệt. Theo thống kê từ dữ liệu các gói thầu mà Trường Sơn đã tham gia và trúng thầu, một điều nổi bật là mức giá mà công ty này đưa ra thường rất sát với giá dự toán. Trung bình, giá trúng thầu của Trường Sơn vượt hơn 100% so với giá được chủ đầu tư dự toán ban đầu – điều vốn hiếm khi xảy ra trong các cuộc thầu có tính cạnh tranh.
Cụ thể hơn, gần 40% số gói thầu mà Trường Sơn trúng có tỷ lệ chênh lệch giá trúng thầu so với giá gói thầu dao động từ 1% đến 5%. Hơn 30% các gói thầu mà công ty tham gia không có bất kỳ chênh lệch nào giữa giá dự toán và giá trúng thầu – tức tỷ lệ chênh lệch bằng 0%. Khoảng 17% số gói thầu còn lại có mức chênh lệch chưa đến 1%.
Với mức giá trúng thầu cao như vậy, việc tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước – mục tiêu cốt lõi của quy trình đấu thầu – gần như không thể đạt được. Điều này cũng cho thấy, chủ đầu tư chưa tối ưu được bài toán chi phí.
Điểm kỹ thuật trình bày "ăn đứt" điểm tài chính?
Trong năm 2025, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trường Sơn túng tới 14 gói thầu dù chưa hết tháng 4. Trong số này, nổi bật là hai gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) làm chủ đầu tư, đều được doanh nghiệp này "chốt sổ" ngay trong tháng 2/2025.
Hai gói thầu nói trên gồm: Gói thầu số 08: Giám sát xây dựng thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đường vùng bãi Xuân Quan - Phụng Công, và Gói thầu số 02: Tư vấn giám sát thi công xây dựng thuộc dự án Xây dựng tuyến ĐH.22 kéo dài từ ĐH.23 đến ĐT.379.
Điểm chung đáng chú ý của cả hai dự án này là đều chứng kiến doanh nghiệp trúng thầu vượt qua những đối thủ có giá dự thầu thấp hơn, nhờ vào điểm kỹ thuật vượt trội – điều mà nhiều nhà thầu khác phải "thừa nhận" là đáng để học hỏi.
Trong đó, Gói thầu số 02 có giá trị gói thầu 1,13 tỷ đồng, được tổ chức đấu thầu công khai theo hình thức một giai đoạn, hai túi hồ sơ. Theo thông tin từ quá trình mời thầu, có bốn đơn vị nộp hồ sơ tham dự. Tuy nhiên, sau khi đánh giá bước kỹ thuật, chỉ còn lại hai nhà thầu đủ điều kiện là Trường Sơn và Công ty Cổ phần Tacico. Đến đây, cuộc cạnh tranh giữa hai đối thủ bước sang giai đoạn quyết định: đánh giá tổng hợp trên cả tiêu chí kỹ thuật và tài chính – hai yếu tố vốn luôn được xem là nền tảng để đảm bảo tính công bằng trong đấu thầu.
Tại đây, khoảng cách giữa hai nhà thầu càng trở nên rõ rệt. Ban đầu, Trường Sơn đưa ra mức giá dự thầu là 1,118 tỷ đồng – sát với giá gói thầu, trong khi Tacico đề xuất giá cao hơn, ở mức 1,162 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tacico sau đó đã điều chỉnh giảm giá mạnh tay, chỉ còn hơn 790 triệu đồng – tương đương mức giảm tới 32% so với giá gói thầu.
Theo đó, Tacico đạt điểm tài chính tuyệt đối (100 điểm), còn Trường Sơn chỉ đạt 70,68 điểm do không có giảm giá. Những tưởng lợi thế tài chính sẽ giúp Tacico lật ngược tình thế, song kết quả cuối cùng lại cho thấy điều ngược lại.
Trường Sơn giành chiến thắng nhờ vượt trội về điểm kỹ thuật, với 98,5 điểm, so với 88 điểm của Tacico. Như vậy, dù giá dự thầu thấp hơn nhiều, nhưng tổng điểm sau khi cộng dồn không đủ giúp Tacico giành phần thắng. Theo kết quả công bố, Trường Sơn hoàn toàn đủ điều kiện trúng thầu – kết quả có vẻ hợp lý nếu chỉ nhìn trên bảng điểm.
Tuy nhiên, chính phần đánh giá kỹ thuật – nơi mang tính quyết định trong trường hợp này – lại đang là tâm điểm của của gói thầu số 02. Không ít nhà thầu bày tỏ sự thắc mắc trước cơ chế chấm điểm mà Ban quản lý huyện Văn Giang đang áp dụng, đặc biệt ở những tiêu chí được cho là dễ gây cảm tính.
Cụ thể, trong nhóm tiêu chí thuộc mục giải pháp và phương pháp luận, vốn chiếm tới 30-40% tổng số điểm kỹ thuật, cách chấm điểm được xây dựng dựa trên mức độ “trình bày đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, hợp lý…” – những khái niệm nghe có vẻ logic nhưng lại rất khó đo lường một cách khách quan.
Ví dụ, ở nội dung Hiểu rõ mục tiêu, phạm vi, quy mô, nhiệm vụ của gói thầu, nhà thầu có thể nhận được từ 0 đến 3 điểm tùy vào cách “trình bày”. Những biểu đạt như “cơ bản đạt yêu cầu”, “tương đối đầy đủ” hay “trình bày không hợp lý” thay vì có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng.
Không chỉ riêng mục này, các tiêu chí khác trong phần kỹ thuật cũng sử dụng ngôn ngữ đánh giá tương tự, như “trình bày dễ theo dõi”, “thuyết phục”, “trình bày một cách hoàn chỉnh”... Điều này khiến nhiều nhà thầu lo ngại rằng, điểm số kỹ thuật có thể không "hợp ý" Ban quản lý huyện Văn Giang, thậm chí tạo ra lợi thế cho các nhà thầu biết “trang điểm” hồ sơ một cách khéo léo.
Trong môi trường cạnh tranh, một vài điểm kỹ thuật chênh lệch – nếu không được xác lập dựa trên tiêu chuẩn rõ ràng – có thể làm thay đổi hoàn toàn kết quả đấu thầu, đồng thời gây tổn hại đến niềm tin vào tính minh bạch của quy trình.
Thực tế cho thấy, không ít nhà thầu có năng lực kỹ thuật tốt, giá chào thầu cạnh tranh, nhưng lại “rớt” vì không đạt tiêu chí trình bày theo kiểu “rõ ràng, hợp lý”. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính công bằng, đặc biệt khi các điểm số được “định đoạt” bởi những tiêu chí mang tính chủ quan thay vì những yêu cầu kỹ thuật cụ thể.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại cách xây dựng hệ thống tiêu chí kỹ thuật, hướng đến việc chuẩn hóa và định lượng hóa càng nhiều càng tốt. Việc thiết lập các chỉ số rõ ràng, dễ đo đếm không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng giữa các nhà thầu, mà còn bảo vệ chính các bên mời thầu trước những nghi ngờ không đáng có.