Vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu Trong kiểm toán báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành
Abstract
Presently, the risk-based and materialistic audit approach has become an indispensable audit method, in line with international practices. The State Audit of Vietnam has promulgated an audit process based on risk assessment and materiality determination in most of the audit fields, including the audit of financial statements, financial statements, and budgets of ministries and branches. This method helps the auditor to gain a relatively complete understanding of the audited entity, to ensure that the sample is selected with the assurance of being representative of the population, and to ensure that the audit volume is suitable for the audited entity, which is right at the focus of the audit, achieving economics and quality in the audit, in line with the system of international accounting standards.
1. Thực trạng áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTC, BCQT ngân sách bộ, ngành
1.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, hướng dẫn về đánh giá rủi ro xác định trọng yếu của KTNN tương đối đầy đủ và chi tiết: KTNN đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống CMKT phù hợp với hệ thống CMKT của INTOSAI, gồm Chuẩn mực KTNN 1315:“Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính” CM KTNN 1320 “Xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính” và CM KTNN 1330 “Biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính”. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn về đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu chi tiết cho từng lĩnh vực, trong đó hướng dẫn đối với kiểm toán BCTC, BCQT ngân sách bộ, ngành được ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-KTNN ngày 31/12/2019.
Thứ hai, việc áp dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu tại các đoàn kiểm toán đã dần đi vào nề nếp, từ đó giảm thiểu rủi ro, nâng cao chất lượng kiểm toán. Giai đoạn lập KHKT tập trung đánh giá các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kiểm toán tại từng đơn vị, xác định mức trọng yếu tổng thể, trọng yếu thực hiện đối với từng nội dung, khoản mục kiểm toán, xác định đúng và đủ số lượng mẫu chọn kiểm toán làm cơ sở phân tích kết quả các phát hiện kiểm toán giúp kiểm toán viên nhà nước có đủ cơ sở pháp lý, để từ đó đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp.
Thứ ba, giúp KTV, đoàn kiểm toán thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị phù hợp trong báo cáo kiểm toán, tăng uy tín của KTNN.
1.2. Những khó khăn, vướng mắc
Do đây là phương pháp tiếp cận kiểm toán phức tạp, đòi hỏi KTV phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm cũng như xét đoán chuyên môn nghề nghiệp vững vàng, nên việc áp dụng không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:
Thứ nhất, trong giai đoạn khảo sát thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán tổng quát, việc phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu của một số đoàn kiểm toán còn chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chưa đầy đủ theo quy định; thiếu tính kết nối giữa khâu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, rủi ro kiểm toán với xác định trọng yếu kiểm toán và chọn mẫu kiểm toán nên nhiều kế hoạch kiểm toán tổng quát chưa thể hiện được đặc điểm và rủi ro khác biệt của từng cuộc kiểm toán.
Thứ hai, trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, việc vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, khi chọn mẫu còn chưa phù hợp: việc áp dụng thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản chưa được ghi chép cụ thể trong tài liệu làm việc của KTV và tổ kiểm toán; Việc lấy mẫu kiểm toán của KTV trong kiểm toán chi tiết các nội dung được phân công chủ yếu trên cơ sở kinh nghiệm, chưa căn cứ kết quả đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán; chưa thể hiện rõ việc rà soát lại kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu có phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu ban đầu hay không…
Thứ ba, trong lập báo cáo kiểm toán còn thiên về phát hiện sai sót, tăng thu ngân sách Nhà nước, chưa chú trọng xác nhận BCTC, BCQT. Kết quả kiểm toán trên cơ sở mẫu chọn, việc đánh giá các sai sót mang tính cá biệt và hệ thống để tính toán suy rộng cho tổng thể, làm cơ sở so sánh với mức trọng yếu đã xác định chưa được áp dụng triệt để nên ý kiến xác nhận cơ bản đều là ý kiến ngoại trừ. Có trường hợp giới hạn các nội dung kiểm toán, không phải do nguyên nhân khách quan dẫn đến việc đưa ra các xác nhận về tính trung thực hợp lý còn ở mức độ nhất định. Trình bày báo cáo kiểm toán của một số đoàn còn hạn chế, chưa ngắn gọn, súc tích, chưa trình bày các vấn đề nhấn mạnh,…
Thứ tư, việc quy định khung tỷ lệ sử dụng để ước tính mức trọng yếu áp dụng với từng tiêu chí đôi khi còn chưa phù hợp. Ví dụ: đối với cuộc kiểm toán ngân sách thường sử dụng tiêu chí kinh phí đề nghị quyết toán để ước tính mức trọng yếu, tỷ lệ 0,5%-2%. Tuy nhiên, đối với những đơn vị có số kinh phí đề nghị quyết toán giá trị lớn thì việc áp dụng khung tỷ lệ này sẽ có mức trọng yếu tương đối cao, dẫn để rủi ro kiểm toán cao và KTNN chưa có hướng dẫn chi tiết việc xác định tiêu chí ước tính mức trọng yếu trên cả 2 giá trị tỷ lệ (tương đối) và giá trị tuyệt đối, nhằm giảm thiểu rủi ro khi đưa ra ý kiến kiểm toán.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTC, BCQT ngân sách bộ, ngành
Thứ nhất, KTNN định kỳ nên có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về việc áp dụng phương pháp kiểm toán tiếp cận kiểm toán, dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán theo từng nhóm lĩnh vực, nhằm có sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trong ngành. Qua đó, có sự điều chỉnh và ban hành bổ sung hướng dẫn cụ thể phù hợp với các lĩnh vực, đặc biệt đối với một số lĩnh vực kiểm toán đặc thù.
Thứ hai, việc vận dụng phương pháp cần được hướng dẫn thực hiện ngay trong quá trình lựa chọn đầu mối kiểm toán để lập KHKT năm, khi lựa chọn đầu mối được kiểm toán cho từng cuộc kiểm toán dự kiến đưa vào KHKT năm cần áp dụng phương pháp này căn cứ vào thông tin lưu trữ trên hệ thống của KTNN và các thông tin thu thập bổ sung đánh giá đúng các loại rủi ro theo yêu cầu, xác định được các vấn đề trọng yếu của các cuộc kiểm toán. Từ đó mới tiến hành xem xét, lựa chọn các đơn vị cần được kiểm toán, nhằm đảm bảo quá trình kiểm toán tập trung vào các trọng yếu đã xác định, phù hợp với các rủi ro đã được đánh giá.
Thứ ba, thường xuyên đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho KTV về phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong hoạt động kiểm toán, để KTV có thể vận dụng một cách thuần thục.
Thứ tư, khi tiến hành kiểm soát, kiểm tra, thanh tra, thẩm định KHKT, BCKT… của các bộ phận tham mưu (thuộc đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán), của các đơn vị tham mưu đối với các đoàn kiểm toán, các thành viên của bộ phận, của đoàn thanh tra, kiểm soát… nếu thuộc vấn đề liên quan đến thực hiện phương pháp này cần có sự trao đổi, xem xét một cách thấu đáo với thành viên của đoàn, tổ kiểm toán để cùng đi đến thống nhất nhằm đảm bảo xét đoán của KTV phù hợp với phương pháp, kỹ thuật được hướng dẫn, hạn chế tối đa rủi ro cho KTVNN, cho đoàn, tổ kiểm toán, hình thành các ý kiến kết luận kiến nghị phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ năm, tăng cường trao đổi với đơn vị được kiểm toán để đơn vị nắm bắt được chính xác yêu cầu của đề cương khảo sát, trên cơ sở đó lập báo cáo theo đề cương khảo sát đầy đủ, đúng theo yêu cầu, phục vụ hữu hiệu hơn trong quá trình khảo sát cũng như khi lập kế hoạch kiểm toán. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, để phục vụ công tác thu thập thông tin đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, tại các đơn vị được kiểm toán một cách hiệu quả.
Nguyễn Thị Thu Trung – Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán
Hoàng Anh Văn – Kiểm toán Nhà nước Khu vực VII
Tài liệu tham khảo
- KTNN, (2019), Quyết định số 01/2019/QĐ-KTNN ngày 30/01/2019 về việc Ban hành hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán, dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTC, Hà Nội.
- KTNN, (2021), Kỷ yếu tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán, dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán, Hà Nội.
- Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, (2019), Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán BCTC (bản cập nhật lần 3) Hà Nội.
- Quốc hội, (2015), Luật KTNNsố 81/2015/QH13 ngày 24/6/2015, Hà Nội.
- Quốc hội, (2015), Luật ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015, Hà Nội.