Trung tâm y tế huyện Tam Nông mang lại cơ hội cho người bệnh đột quỵ não
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, do khoảng cách xa, nhiều người dân bị thiệt thòi trong tiếp cận các dịch vụ điều trị đột quỵ tiên tiến, dẫn đến mất cơ hội được can thiệp trong giai đoạn cửa sổ điều trị. Vì vậy, những năm gần đây, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị đột quỵ. Đặc biệt, từ tháng 7 năm 2023, Trung tâm chính thức thành lập và đưa vào hoạt động Đơn vị Đột quỵ trực thuộc Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc (HSTC&CĐ), mang lại cơ hội được điều trị trong “giờ vàng”, nâng cao cơ hội sống, hạn chế các di chứng, biến chứng cho người bệnh ngay tại cơ sở y tế địa phương.

Trung tâm Y tế huyện Tam Nông khai trương Đơn vị Đột quỵ trực thuộc Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc
Tại Phú Thọ, việc điều trị bệnh đột quỵ được áp dụng rộng rãi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, đối với đơn vị tuyến huyện, để thành lập đơn vị đột quỵ, áp dụng quy trình từ cấp cứu – điều trị và quản lý người bệnh đột quỵ cho đến phục hồi chức năng sau đột quỵ theo các tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ Châu Âu là sự nỗ lực rất lớn từ Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cùng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ.
Đơn vị Đột quỵ Trung tâm Y tế huyện Tam Nông có quy mô 20 giường bệnh, hoạt động với sự hỗ trợ chuyên môn trực tiếp từ Hội Đột quỵ Việt Nam và Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cùng với đội ngũ y, bác sỹ được đào tạo, chuyển giao quy trình cấp cứu, chẩn đoán, điều trị tích cực và phục hồi chức năng người bệnh đột quỵ tại Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai.
Đơn vị Đột quỵ được đầu tư các trang thiết bị hiện đại để chẩn đoán và điều trị đột quỵ, bao gồm: máy chụp cắt lớp vi tính, máy thở xâm nhập chức năng cao, máy thở xâm nhập thường, máy sốc điện khử rung, hệ thống oxy trung tâm, có thể cùng lúc triển khai cấp cứu, can thiệp đồng thời nhiều trường hợp đột quỵ vào viện cấp cứu.
BS Nguyễn Thị Thùy Dung – Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết: “Cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là một trong những cấp cứu khẩn cấp chạy đua với thời gian để tái tưới máu lên vùng não bị tổn thương, việc hình thành và đưa vào hoạt động Đơn vị Đột quỵ sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình xử lý đột quỵ, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh đột quỵ của Trung tâm. Chúng tôi hiện đang áp dụng quy trình chăm sóc người bệnh đột quỵ theo các tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ Châu Âu, giúp nhất quán trong quá trình điều trị, tăng khả năng điều trị thành công cho người bệnh. Đặc biệt, đơn vị tập trung vào việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại như điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và tiếp nhận, điều trị cấp cứu, hồi sức tích cực tất cả các trường hợp đột quỵ như xuất huyết não, tắc mạch não, nhồi máu não cấp…. Đặc biệt quan tâm đến điều trị đột quỵ cho người trẻ là nhóm lao động chính trong xã hội.”

TTND.GS.TS. Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam khám chuyên ngành tim mạch - đột quỵ cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông
Chỉ trong 02 tháng đi vào hoạt động, Đơn vị Đột quỵ đã cấp cứu, điều trị cho hơn 200 trường hợp đột quỵ. Tiêu biểu như trường hợp cụ bà N.T.T, 83 tuổi, trú tại xã Hưng Hoá, huyện Tam Nông bị xuất huyết nội sọ đã được các bác sỹ Trung tâm cấp cứu và điều trị phục hồi thành công. Người bệnh nhập viện sau tai nạn sinh hoạt trong tình trạng liệt 1/2 người trái, cơ lực 3/5, lơ mơ gọi hỏi không biết, Glassglow 13 điểm. Trên phim chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh não thất phải ngập máu và bị xoá hoàn toàn. Người bệnh được chẩn đoán xuất huyệt nội sọ kèm nhồi máu não. Ngay lập tức, các bác sỹ đã xử lý nội khoa cầm máu, chống phù não, theo dõi sát sao tri giác. Sau 10 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã ổn định, tỉnh táo, tự ăn và chuyển sang giai đoạn tập vật lý trị liệu để phục hồi.
Nhằm hoàn thiện hơn nữa các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho người bị đột quỵ, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cũng liên tục cử cán bộ đi học tập, cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới từ bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và quốc tế; tập trung vào việc tăng cường hợp tác, xây dựng mạng lưới các tổ chức, chuyên gia đầu ngành như Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam để trực tiếp đến thăm khám và điều trị cho người dân trên địa bàn huyện; hỗ trợ đào tạo, “cầm tay chỉ việc” chuyển giao các kỹ thuật khó trong lĩnh vực đột quỵ cho các bác sỹ tại Trung tâm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là ứng dụng phục vụ hội chẩn từ xa trong những tình huống khẩn cấp nhằm tăng khả năng tiếp cận với các phương pháp điều trị đột quỵ của bệnh viện chuyên khoa sâu về lĩnh vực này cho người bệnh ngay tại địa bàn huyện.
Bên cạnh điều trị, Trung tâm cũng không ngừng cập nhật, nghiên cứu về phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của đột quỵ sau điều trị; đào tạo, nâng cao năng lực y tế cho tuyến xã để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng.
