TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thu thuế xuất nhập khẩu
Tính từ đầu năm 2024, tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 36,44% dự toán và giảm gần 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách gặp khó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm.
Vì sao số thu từ xuất nhập khẩu suy giảm?
Theo thống kê của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho thấy, lũy kế đến ngày 28/5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 46,84 tỷ USD, tăng 3,37% (so với cùng kỳ năm 2023), tương đương tăng 1,52 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế tăng gần 740 triệu USD, tương đương tăng 5,27%, đạt 14,84 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu có thuế đều tăng nhưng số thu ngân sách nhà nước của đơn vị lại giảm 8,77%, tương đương giảm 4.582 tỷ đồng, đạt 36,44% dự toán pháp lệnh và mới thu được 47.661 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm, theo phân tích của Phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh), chủ yếu do tác động giảm của kim ngạch các mặt hàng chính có thuế suất cao, trị giá lớn.

Cụ thể, mặt hàng ô tô nhập khẩu 19.023 chiếc, kim ngạch có thuế 0,35 tỷ USD, giảm 30,2% về lượng và 43,2% về trị giá, với số thuế phải thu 5.517 tỷ đồng, giảm 51,78%, tương đương số giảm tuyệt đối 5.924,4 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 11.441 tỷ đồng).
Tiếp đến là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, với kim ngạch có thuế 1,44 tỷ USD, giảm 7,8%; số thuế phải thu 3.496,9 tỷ đồng, giảm 3%, tương đương giảm 108,2 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 3.605,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, nguyên nhân giảm số thu còn do tác động của chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, theo Nghị quyết 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết 30/6/2024 trong khi cùng kỳ năm 2023, chính sách giảm thuế chưa được áp dụng.
Chủ động nắm bắt tình hình và đẩy mạnh chống thất thu
Để giải quyết tình hình trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp và triển khai thực hiện với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh được giao trong năm 2024.
Đó là tăng cường theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình thu ngân sách nhà nước, cụ thể là thường xuyên phân tích số liệu và đánh giá những yếu tố tác động đến số thu ngân sách như ảnh hưởng của kinh tế thế giới, tác động của các chính sách thuế đối với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu, kết quả triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để xây dựng giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác xử lý nợ thuế, không để phát sinh nợ thuế khó thu hồi, thực hiện tốt phương châm “giảm 1 đồng nợ thuế là tăng thu 1 đồng cho ngân sách để phục hồi, phát triển kinh tế”. Tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn tính đến thời điểm 28/5/2024 là 1.873 tỷ đồng, giảm 6.054,5 tỷ đồng so với thời điểm 29/4/2024.
Kế đến là thực hiện thống nhất, hiệu quả chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là công tác miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại các chi cục; thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về công tác trị giá hải quan, phối hợp với các chi cục tổ chức tham vấn nhanh chóng, chính xác, hiệu quả…
Đặc biệt, đơn vị thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác phân loại, áp mã số thuế hàng hóa trong và sau thông quan; chú trọng các nhóm mặt hàng có kim ngạch lớn, hàng dễ nhầm lẫn về mã số, các tờ khai luồng xanh hoặc các lô hàng đã thông quan có hàng hóa giống như các mặt hàng tại các thông báo phân tích phân loại, các trường hợp cùng một mặt hàng nhưng khai báo nhiều mã số khác nhau hoặc kết quả phân tích phân loại không thống nhất nhằm kịp thời truy thu thuế do áp sai mã số, ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để gian lận mã số, thuế suất.