Tháo gỡ các vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách

PV Thứ sáu, 11/10/2024 10:33 (GMT+7)

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Luật cần tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

 

Tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/10/2024  

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mục tiêu của dự án Luật là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

 

Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam; hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị.  

 

Luật Kiểm toán độc lập sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập.  

 

Theo đó, với Luật Chứng khoán, dự thảo sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK). Đồng thời sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng TTCK.    

 

Tại Luật NSNN, một nội dung sửa đổi là bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương (NSĐP) để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ. Luật cũng bổ sung quy định cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam tại khoản 1 Điều 74 Luật NSNN để đáp ứng tình hình thực tế nhiệm vụ của các cơ quan Đảng.    

 

Với Luật Dự trữ quốc gia, dự thảo bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.    

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với sự cần thiết nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án Luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế.    

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều, khoản nêu tại dự án Luật; đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển.    

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá, dự án Luật này nhận được sự đồng thuận tương đối cao trong các ủy ban, trong UBTVQH. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ báo cáo thẩm tra sơ bộ cùng các ý kiến đóng góp tại phiên họp hôm nay để hoàn thiện dự án Luật.    

Liên quan đến một số ý kiến về cơ chế cho phép các địa phương sử dụng NSĐP đầu tư các công trình hạ tầng của ngân sách cấp trên tại địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị cho phép luật hóa luôn cơ chế này tại Luật NSNN vì đã đủ cơ sở thực tiễn.    

Theo Phó Thủ tướng, đây là yêu cầu thực tế bởi trong khi một số địa phương ngân sách không đáp ứng được nhu cầu đầu tư thì một số địa phương khác có đủ khả năng. Hiện tại, Luật Thủ đô đã quy định nội dung này. TP. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện cơ chế này theo Nghị quyết 98/2023/QH15, sau khi tổng kết cũng sẽ được chính thức hóa.    

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, quy định này để xử lý vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đầu kỳ, khi chuẩn bị kế hoạch đầu tư công thì chưa thể nhìn hết được các khoản thu của NSNN, như các khoản từ tiết kiệm chi, tăng thu. Do đó, có một số dự án cấp bách, cần được làm ngay nhưng chưa có trong danh mục cần được triển khai theo quy định này, và “không có sự xung đột giữa Luật NSNN và Luật Đầu tư công”. Vì vậy, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn được thông qua đề xuất như tờ trình của Chính phủ.    

Kết luận phiên họp, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của UBTVQH và cơ quan thẩm tra, lưu ý rà soát đảm bảo sửa những vấn cần thiết, cấp bách có thể cải thiện ngay, có sự đồng thuận cao. Đồng thời rà soát đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, tránh chồng chéo với các luật khác tới đây cũng trình Quốc hội. Dự kiến, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình rút gọn.