Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh năm 2023

08:00 05/04/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh năm 2023

I. Giới thiệu tổng quan về Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh

1. Giới thiệu chung

Được thành lập từ năm 2003 bởi ông Lương Trí Thìn với tiền thân là Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã trở thành một trong những đơn vị hoạt động bất động sản chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, mang đến cho khách hàng trên toàn quốc những sản phẩm bất động sản ưu việt.

Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, hiện nay Đất Xanh là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản uy tín tại Việt Nam. Đất Xanh hiện đang phát triển theo mô hình khép kín “Đầu tư - Xây dựng - Dịch vụ”.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0303104343

Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh

2. Lĩnh vực kinh doanh

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh là một công ty hoạt động với quy mô lớn, hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực chính sau: 

  • Phát triển bất động sản.
  • Dịch vụ bất động sản.
  • Xây dựng và vật liệu xây dựng.
  • Đầu tư mở rộng, phát triển các khu công nghiệp,…

3. Ngành nghề kinh doanh chính

Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (Xây dựng dân dụng, công nghiệp; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác) - Mã ngành 4290

Sản xuất xi măng, vôi, thạch cao; bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao - Mã ngành 2394&2395

Hoàn thiện công trình xây dựng (Sửa chữa nhà. Hoàn thiện công trình xây dựng) - Mã ngành 4330

Dịch vụ lưu trú ngắn ngày: Khách sạn, biệt thự hoặc căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; Nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; Nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở lưu trú tương tự - Mã ngành 5510

Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê: Kinh doanh nhà, dịch vụ nhà đất. Cho thuê nhà ở, xưởng, văn phòng (trừ Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng) - Mã ngành 6810

4. Thành tựu

Sau 20 năm hình thành và phát triển, Đất Xanh đã trở thành một trong những Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, hoạt động đa ngành trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản; đầu tư phát triển bất động sản; xây dựng dân dụng hạ tầng; đầu tư tài chính và dịch vụ tài chính.

Những năm vừa qua, Đất Xanh là một trong những doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số thành công, xuyên suốt công tác quản trị và hoạt động kinh doanh. Hệ sinh thái công nghệ bất động sản như iHouzz (proptech), Fina (fintech) nhanh chóng triển khai thành công và được khách hàng đón nhận.

Hệ sinh thái công nghệ được đầu tư và xây dựng bài bản sẽ là ưu điểm nổi trội để Đất Xanh sẵn sàng bước vào cuộc đua chuyển đổi số.

II. Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh năm 2023

1. Tình hình kết quả kinh doanh 

BẢNG 1. PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ CHUNG TÌNH HÌNH KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA CÔNG TY 

Đơn vị: VNĐ

Chỉ tiêu  

Năm 2023  

Năm 2022  

Tăng/Giảm  

Tỷ lệ (%)  

1  

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ  

1  

37.332.127.250  

984.002.769.433  

(946.670.642.183)  

-96,21%  

2  

Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp  

2  

18.180.420.416  

412.004.321.205  

(393.823.900.789)  

-95,59%  

3  

Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ  

3  

19.151.706.834  

571.998.448.228  

(552.846.741.394)  

-96,65%  

4  

Doanh thu hoạt động tài chính  

4  

367.511.933.786  

725.508.051.047  

(357.996.117.261)  

-49,34%  

5  

Chi phí tài chính  

5  

134.345.001.025  

226.309.756.344  

(91.964.755.319)  

-40,64%  

 

Chi phí́ lãi vay  

 

136.605.467.273  

218.309.660.051  

(81.704.192.778)  

-37,43%  

6  

Chi phí bán hàng  

6  

4.500.496.287  

76.527.321.283  

(72.026.824.996)  

-94,12%  

7  

Chi phí quản lý doanh nghiệp  

7  

90.067.831.769  

361.297.806.137  

(271.229.974.368)  

-75,07%  

8  

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh  

8  

157.750.311.539  

633.371.615.511  

(475.621.303.972)  

-75,09%  

9  

Thu nhập khác  

9  

1.952.567.889  

2.924.816.203  

(972.248.314)  

-33,24%  

10  

Chi phí khác  

10  

36.689.904.690  

19.434.960.672  

17.254.944.018  

88,78%  

11  

Lợi nhuận khác  

11  

(34.737.336.801)  

(16.510.144.469)  

(18.227.192.332)  

-110,40%  

12  

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế  

12  

123.012.974.738  

616.861.471.042  

(493.848.496.304)  

-80,06%  

13  

Chi phí thuế TNDN hiện hành  

13  

9.199.655.017  

9.682.857.515  

(483.202.498)  

-4,99%  

14  

Chi phí thuế TNDN hoãn lại  

14  

0  

4.578.018.193  

(4.578.018.193)  

-100,00%  

15  

Lợi nhuận sau thuế TNDN  

15  

113.813.319.721  

602.600.595.334  

(488.787.275.613)  

-81,11%  

16  

Tổ̉ng luân chuyển thuần  

(1) + (4) + (9)  

406.796.628.925  

1.712.435.636.683  

(1.305.639.007.758)  

-76,24%  

17  

Tổng chi phí  

(2) + (5) + (6) + (7) + (10) + (13) + (14)  

292.983.309.204  

1.109.835.041.349  

(816.851.732.145)  

-73,60%  

18  

Doanh thu kinh doanh  

(1) + (4)  

404.844.061.036  

1.709.510.820.480  

(1.304.666.759.444)  

-76,32%  

19  

Lợi nhuận từ hoạt động bán hàng  

(3) - (6) - (7)  

(75.416.621.222)  

134.173.320.808  

(209.589.942.030)  

-156,21%  

20  

Hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS)  

(15)/(16)  

0,2798  

0,3519  

(0,0721)  

-20,49%  

21  

Hệ số sinh lời từ hoạt động trước thuế  

(12)/(16)  

0,3024  

0,3602  

(0,0578)  

-16,05%  

22  

Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh  

(8)/(18)  

0,3897  

0,3705  

0,0192  

5,17%  

23  

Hệ số sinh lời từ hoạt động bán hàng  

(19)/(18)  

(0,1863)  

0,0785  

(0,2648)  

-337,35%  

24  

Hệ số chi phí (Hcp)  

(17)/(16)  

0,7202  

0,6481  

0,0721  

11,13%  

25  

Hệ số GVHB (Hgv)  

(2)/(18)  

0,0449  

0,2410  

(0,1961)  

-81,37%  

26  

Hệ số CPBH (Hcpb)  

(6)/(18)  

0,0111  

0,0448  

(0,0336)  

-75,17%  

27  

Hệ số CPQLDN (Hcpq)  

(7)/(18)  

0,2225  

0,2113  

0,0111  

5,27%  

2. Nhận xét

2.1. Đánh giá khái quát

Theo bảng phân tích trên, có thể thấy được lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong năm 2023 là 113.813.319.721 đồng, giảm 488.787.275.613 đồng so với năm 2019 (tương ứng giảm 81,11%). Sự sụt giảm trong lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dẫn đến hệ số sinh lời hoạt động (ROS) của doanh nghiệp giảm từ 0,3519 xuống còn 0,2798 (tỷ lệ giảm 20,49%). 

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2023 là 113.813.319.721 đồng thể hiện doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng hệ số sinh lời hoạt động (ROS) cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã có sự giảm đi so với năm 2022. Từ căn cứ trên, ta đi vào phân tích về kết quả kinh doanh của công ty, thông qua việc phân tích chi tiết các chỉ tiêu trên để đưa ra nhận xét khách quan nhất về tình hình kinh doanh của công ty. 

2.2. Phân tích chi tiết

Các chỉ số luân chuyển thuần, doanh thu kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, chi phí lãi vay, hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS) đều giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, hệ số chi phí (Hcp) tăng 11,13% và chi phí khác cũng tăng một cách đột biến - tăng 88,78%, lợi nhuận khác giảm mạnh so với năm 2022 - giảm 110,40%. Năm 2023, doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả.

Thứ nhất, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 so với năm 2022 giảm 946.670.642.183 đồng (tương ứng 96,21%). Nguyên nhân do doanh thu từ bán căn hộ và doanh thu từ dịch vụ tư vấn phát triển bất động sản giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu từ bán căn hộ năm 2023 giảm 641.940.255.929 đồng so với năm 2022, tương đương giảm 99,98%. Bên cạnh đó, trong khi năm 2022 Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận doanh thu từ dịch vụ tư vấn phát triển bất động sản là 309.700.000.000 thì năm 2023 doanh thu từ dịch vụ tư vấn phát triển bất động sản năm 2023 là 0 đồng. 

Điều đó cho thấy hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đang kém hiệu quả, nguyên nhân có thể được lý giải bằng sự khó khăn bao trùm toàn thị trường bất động sản năm 2023, khiến doanh nghiệp không thu hút được khách hàng do đó không bán được sản phẩm và dịch vụ. Theo số liệu từng quý, ta có thể thấy doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của quý I/2023 cao nhất, các quý sau giảm dần và không có xu hướng tăng trưởng trở lại. Theo đó, doanh thu của doanh nghiệp đã ghi nhận sự giảm mạnh vào quý II/2023 và quý IV/2023, cụ thể: doanh thu quý I/2023 ghi nhận 20.899.343.531 đồng, quý II/2023 ghi nhận 8.471.664.239 đồng, quý III/2023 ghi nhận 6.049.117.718 đồng và quý IV/2023 chỉ ghi nhận doanh thu 1.912.001.762 đồng. Thực trạng cho thấy, doanh nghiệp vẫn chưa xác định được hướng đi hợp lý để thích ứng với sự bất ổn của thị trường.

Thứ hai, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp năm 2023 so với 2022 giảm 393.823.900.789 đồng tương ứng với 95,59%. Nguyên nhân lớn nhất đến từ việc năm 2023 doanh nghiệp không bán được nhiều căn hộ, số giá vốn bán căn hộ giảm 360.798.618.254 đồng, tương đương giảm 99,77%.

Thứ ba, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 giảm 552.846.741.394 đồng, tương đương giảm 96,65% so với năm 2022. Nguyên nhân do doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ và giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp đều giảm mạnh so với năm trước.

Thứ tư, doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 giảm 357.996.117.261 đồng so với năm 2022, tương ứng với 49,34%. Nguyên nhân chủ yếu do cổ tức nhận được năm 2023 giảm 48,71% so với năm 2022, tương ứng 340.959.679.302 tỷ đồng.

Thứ năm, chi phí tài chính năm 2023 giảm 91.964.755.319 đồng so với năm 2022, tương đương giảm 40,64%. Trong đó, chủ yếu do chi phí lãi vay giảm mạnh - giảm 81.704.192.778 đồng, giảm 37,43% so với năm 2022.

Thứ sáu, chi phí bán hàng năm 2023 giảm 72.026.824.996 đồng, tương đương giảm 94,12% so với năm 2022. Nguyên nhân do năm 2023 Tập đoàn đã  cắt giảm 1.305 nhân viên, dẫn đến chi phí lương giảm 3.117.982.949 đồng (tương ứng 42.02%). Năm 2023, Tập đoàn cũng không ghi nhận chi phí quảng cáo nào, dẫn đến giảm 18.460.674.189 đồng chi phí. Đáng chú ý, các khoản chi phí bán hàng khác đều giảm mạnh, cao nhất là chi phí môi giới giảm 49.243.752.742 đồng (tương đương 99,85%); tiếp theo là chi phí khác giảm 1.075.126.914 đồng; và chi phí khấu hao và hao mòn giảm 129.288.202 đồng (tương đương 61,78%).

Thứ bảy, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2023 so với năm 2022 giảm 271.229.974.368 đồng tương đương với 75,07%. Giảm mạnh nhất là chi phí dự phòng - giảm 162.404.479.554 đồng (tương đương 97,01%) so với năm 2022. Bên cạnh đó, do việc cắt giảm nhân sư nên chi phí lương cũng giảm đáng kể - giảm 42.268.093.461 đồng, tương đương 40,97% so với năm 2022. Năm 2023, chi phí dịch vụ mua ngoài giảm 33.422.902.706 đồng, tương đương 75,35% và không ghi nhận phát sinh chi phí tư vấn phát hành trái phiếu (giảm 33.151.942.083 đồng) so với năm 2022. Các chi phí quản lý doanh nghiệp khác giảm 292.436.496 đồng, tương đương 2,94%. Riêng chi phí khấu hao và hao mòn ghi nhận tăng 309.879.932 đồng, tương đương 9,46%.

Thứ tám, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 so với năm 2022 giảm 475.621.303.972 đồng, tương ứng với 75,09%, tình hình này là do sự sụt giảm của lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (giảm 552.846.741.394 đồng) và doanh thu hoạt động tài chính (giảm 357.996.117.261 đồng). Đồng thời, các chỉ tiêu: Giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm. 

Do vậy, hệ số sinh lời lợi nhuận hoạt động kinh doanh giảm và hệ số sinh lời bán hàng tăng (hệ số sinh lời hoạt động kinh doanh giảm 267.841 triệu đồng tương ứng với 15,39%; hệ số sinh lời hoạt động bán hàng tăng 7.803,28 tương ứng với 10,11%)

Thứ chín, chi phí khác của doanh nghiệp năm 2023 tăng 17.254.944.018 đồng, tương ứng với 88,78% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp bị phạt thanh lý hợp đồng, chi phí phạt thanh lý hợp đồng năm 2023 tăng 14.297.431.495 đồng (tương đương 2077,06%) so với năm 2022.

Thứ mười, chi phí thuế TNDN hiện hành năm 2023 ghi nhận 9.199.655.017 đồng, giảm 483.202.498 đồng so với năm 2022 (tương ứng 4,99%). Trong đó, chi phí thuế TNDN hiện hành năm 2023 của doanh nghiệp là 0 và khoản điều chỉnh thuế TNDN trích thiếu trong những năm trước là 9.199.655.017 đồng (tăng 8.936.805.560 đồng, tương ứng 3399,97%)

Thứ mười một, lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2023 giảm 488.787.275.613 đồng, tương ứng 81,11% so với năm 2022 khiến cho hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS) giảm 20,49%, tương ứng 0,0721 lần. Công ty nên phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý chi phí, nhằm đem lại những biến đổi tích cực hơn nữa.

3. Về các hệ số sinh lời

Thứ nhất, hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh năm 2023 là 0,3897, giảm 0,0192 lần với tỷ lệ giảm 5,17% so với năm 2022. Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,3897 đồng lợi nhuận trước thuế, còn năm 2022, với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu về được 0,3705 đồng lợi nhuận trước thuế. Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh giảm đi cho thấy dấu hiệu không tích cực trong khả năng sinh lời từ việc kinh doanh của doanh nghiệp, cần đề ra biện pháp để tối ưu việc kinh doanh của công ty. 

Thứ hai, hệ số sinh lời hoạt động bán hàng năm 2023 là -0,1863, năm 2022 là 0,0785 lần, giảm 0,2648 lần (tương ứng giảm 337,35%) so với năm 2022. Hệ số sinh lời hoạt động bán hàng năm 2023 phản ánh với 1 đồng doanh thu bán hàng, công ty bị lỗ 0,1863 đồng lợi nhuận, còn năm 2022 hệ số sinh lời hoạt động bán hàng phản ánh với 1 đồng doanh thu bán hàng công ty thu được 0,0785 đồng lợi nhuận. Hệ số sinh lời hoạt động bán hàng giảm mạnh cho thấy hoạt động bán hàng của doanh nghiệp đang có gặp vấn đề lớn, cần khắc phục gấp. 

Thứ ba, hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS) năm 2023 là 0,2798 lần, năm 2022 là 0,3519 lần giảm 0,0721 lần với tỷ lệ giảm 20,49%. Hệ số sinh lời ròng năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,2798 đồng lợi nhuận sau thuế, còn năm 2019 hệ số sinh lời ròng phản ánh trong 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,3519 đồng lợi nhuận sau thuế. Hệ số sinh lời ròng giảm đi là dấu hiệu không tích cực, điều này cho thấy hiệu quả quản lý của công ty chưa được tốt. 

Thứ tư, hệ số sinh lời hoạt động trước thuế năm 2023 là 0,3024 lần, năm 2022 là 0,3602 lần giảm 0,0578 lần với tỷ lệ giảm 16,05%. Hệ số sinh lời hoạt động trước thuế năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,3024 đồng lợi nhuận trước thuế, còn năm 2022, với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu về được 0,3602 đồng lợi nhuận trước thuế. Hệ số sinh lời hoạt động trước thuế giảm đi là dấu hiệu không tích cực, tuy công ty làm ăn vẫn có lãi nhưng vẫn cần có những giải pháp hợp lý để cải thiện khả năng sinh lời cho doanh nghiệp. 

4. Về các hệ số chi phí

Thứ nhất, hệ số chi phí (Hcp) năm 2023 là 0,7202 lần, năm 2022 là 0,6481 lần tăng 0,0721 lần với tỷ lệ tăng 11,13%. Hệ số chi phí năm 2023 cho biết để thu được 1 đồng luân chuyển thuần, công ty cần phải bỏ ra 0,7202 đồng chi phí, còn năm 2022 để thu được 1 đồng luân chuyển thuần, công ty cần bỏ ra 0,6481 đồng chi phí. Hệ số chi phí tăng 11,13% tạo ảnh hưởng ít nhiều đến lợi nhuận của công ty. Công ty cần chú ý tìm cách giảm hệ số chi phí để cải thiện khả năng sinh lời của vốn kinh doanh.

Thứ hai, hệ số giá vốn hàng bán (Hgv) năm 2023 là 0,0449 lần, năm 2022 là 0,2410 lần, giảm 0,1961 lần với tỷ lệ giảm 81,37%. Hệ số giá vốn hàng bán năm 2023 phản ánh để thu được 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,0449 đồng giá vốn, còn năm 2022 phản ánh để thu được 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,2410 đồng giá vốn. Hệ số giá vốn hàng bán giảm là dấu hiệu tích cực, cho thấy việc quản lý giá thành đã được thực hiện chặt chẽ, tránh được tình trạng gây lãng phí vốn góp, từ đó góp phần làm tăng lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, công ty cần xem xét thận trọng việc giảm giá vốn để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. 

Thứ ba, hệ số chi phí bán hàng (Hcpb) năm 2023 là 0,0111, năm 2022 là 0,0448 lần, giảm 0,0336 (tương ứng 75,17%). Hệ số chi phí bán hàng giảm chứng tỏ doanh nghiệp đã quản lý hợp lý chi phí bán hàng nhằm tối ưu kết quả kinh doanh.

Thứ tư, hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp (Hcpq) năm 2023 là 0,2225 lần, năm 2022 là 0,2113 lần tăng 0,0111 lần với tỷ lệ tăng 5,27%. Hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2023 phản ánh để thu về 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,2225 đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, còn năm 2022 phản ánh để thu về được 1 đồng doanh thu thuần, công ty cần bỏ ra 0,2113 đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cho thấy công ty phải bỏ ra nhiều hơn 0,0111 đồng chi phí để thu về 1 đồng doanh thu thuần, tức là hiệu quả quản lý chi phí của công ty giảm đi.  

Kết luận:  

Kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2023 có sự thay đổi kém đi so với năm 2022. Các hệ số sinh lời hoạt động ròng ROS, hệ số sinh lời từ hoạt động bán hàng, hệ số sinh lời hoạt động trước thuế đều giảm. Doanh thu có xu hướng giảm do khách hàng/nhà đầu tư bất động sản ngày càng mất niềm tin vào thị trường bất động sản, đây là hệ quả của quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú ý hơn tới hệ số chi phí và hệ số chi phí quản lý doanh nghiệp để cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

III. Đánh giá ưu nhược điểm của doanh nghiệp

1. Ưu điểm

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh là công ty có độ phủ sóng mạnh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam vì liên tục có những dự án mới thu hút được khách hàng với nhiều năm hoạt động, Đất Xanh đã tạo dựng được uy tín và trở thành địa chỉ thân thuộc của hàng trăm ngàn khách hàng. .

Công ty đi trước xu thế, nắm bắt được thị trường đang cần gì và tạo ra một sân chơi chung cho tất cả mọi người. Nhận định được phân khúc thế mạnh của mình và đi đúng phân khúc của thị trường, nghĩa là đưa ra sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường và được mọi người đón nhận. 

Các sản phẩm của Đất Xanh cung cấp cho khách hàng đều có chất lượng, mẫu mã đẹp và phương thức thanh toán hợp lý với người mua. Do đó, khách hàng vẫn tin tưởng và đến với Đất Xanh và doanh thu rất ổn định.

Doanh nghiệp có bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng, nhanh chóng thích ứng, có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách phía trước với một đội ngũ với trên 2000 con người có nhiều tâm huyết, hoài bão, năng động, sáng tạo và dày dạn trong kinh nghiệm

2. Hạn chế

Trong năm 2023, với tình hình khó khăn chung của thị trường gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận sau thuế của công ty, làm doanh thu giảm cho thấy doanh nghiệp chưa có những kịch bản kịp thời để đối phó với sự đóng băng của thị trường. 

Bên cạnh đó doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho rất lớn. Trong đó, chiếm đa số là bất động sản dở dang, còn lại là bất động sản thành phẩm, bất động sản hàng hóa.

Về khía cạnh quản lý, khả năng quản lý chi phí của doanh nghiệp còn chưa tốt khi có sự tăng đột biến về chi phí xây dựng cơ bản dở dang và chi phí các dự án khác.

Hồng Nhung & Thảo Nguyên
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo