Nhìn lại đường trượt dốc của Tập đoàn Đua Fat
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat (mã chứng khoán: DFF, sàn UPCoM) vừa bị phạt 470 triệu đồng vì hàng loạt thông tin công bố sai lệnh hoặc giấu trong nhiều năm. Trong khi đó, cổ phiếu của ban lãnh đạo bị các công ty chứng khoán bán giải chấp, nợ đọng hơn 3.000 tỷ đồng...
Ngày 09/5/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 173/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat số tiền 470 triệu đồng.
Trong đó, phạt tiền 92,5 triệu đồng do Công ty không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).
Phạt tiền 65 triệu đồng do Công ty công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Phạt tiền 175 triệu đồng do Công ty công bố thông tin sai lệch theo quy định tại khoản 5 điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP).
Phạt tiền 137,5 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

UBCKNN buộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đua Fat hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch, theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm d khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat được thành lập vào ngày 29/6/2009, với hoạt động kinh doanh chính là phá dỡ các kết cấu công trình và cấu kiện xây dựng. Trụ sở chính của công ty đặt tại số 15, Liền kề 10, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội.
Báo cáo tài chính quý 1/2025 cho thấy Đua Fat lỗ 117 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ. Trước đó, năm 2023 lỗ gần 199 tỷ và năm 2024 lỗ kỷ lục hơn 402 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm tài chính 2024, Tập đoàn Đua Fat ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 291,6 tỷ đồng, giảm mạnh 60,8% so với năm 2023. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp báo lỗ ròng hơn 402,3 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ hơn 117,5 tỷ đồng của năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Đua Fat giảm 15,6% so với đầu năm, xuống còn gần 3.338 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt hơn 1.563,6 tỷ đồng, giảm 11,1% so với đầu năm và chiếm 46,8% tổng tài sản.
Tổng nợ phải trả của Tập đoàn Đua Fat tại thời điểm cuối năm 2024 là hơn 3.039,8 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ, với hơn 2.040,6 tỷ đồng, tương đương 67,1% tổng nợ.

Ông Lê Duy Hưng sinh năm 1979, là kỹ sư khoan thăm dò – khảo sát. Trước khi sáng lập Tập đoàn Đua Fat vào năm 2009, ông từng giữ vai trò đội trưởng thi công tại CTCP Kỹ thuật Nền móng và Xây dựng 20 trong giai đoạn 2002–2009.
Từng là cái tên lớn trong ngành xây dựng nền móng, giờ đây Đua Fat đang đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập.
DFF cũng vừa công bố thông tin về việc giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, cho thấy làn sóng bán giải chấp cổ phiếu DFF vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cụ thể, ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Đua Fat, đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng hơn 4 triệu cổ phiếu DFF trong hai phiên giao dịch ngày 18/2/2025 và 19/2/2025. Trong đó, phiên 18/2, hơn 3,8 triệu cổ phiếu DFF của ông Hưng bị bán giải chấp và tiếp tục thêm 200.000 cổ phiếu bị bán trong phiên 19/2 theo phương thức khớp lệnh.
Trước các giao dịch này, ông Hưng nắm giữ hơn 37,7 triệu cổ phiếu DFF, tương đương 47,18% vốn điều lệ của Tập đoàn Đua Fat. Sau khi bị bán giải chấp, số lượng cổ phiếu DFF mà ông Hưng sở hữu giảm xuống còn hơn 33,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 42,15%.
Không chỉ riêng ông Hưng, người nhà của ông cũng chịu áp lực bán giải chấp tương tự. Ông Lê Văn Thịnh, em ruột của ông Lê Duy Hưng, đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp toàn bộ 779.700 cổ phiếu DFF mà ông sở hữu trong phiên giao dịch ngày 18/2/2025. Giao dịch này khiến ông Thịnh không còn là cổ đông của Tập đoàn Đua Fat.
Đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch Lê Duy Hưng và người nhà bị bán giải chấp cổ phiếu DFF. Theo báo cáo quản trị năm 2024 của công ty, ông Hưng đã bị bán giải chấp 258.600 cổ phiếu DFF, giảm tỷ lệ sở hữu từ 47,5% (38 triệu cổ phiếu) xuống 47,18% (hơn 37,7 triệu cổ phiếu).
Ông Lê Văn Thịnh cũng bị bán giải chấp hơn 6 triệu cổ phiếu DFF trong năm 2024, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,5% (6,8 triệu cổ phiếu) xuống chỉ còn 0,01% (779.700 cổ phiếu). Bà Trần Thị Hồng Nhung, vợ ông Thịnh, cũng bị bán giải chấp 5,08 triệu cổ phiếu DFF, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,5% (6 triệu cổ phiếu) xuống 0,011% (920.000 cổ phiếu).
Chu kỳ xuống dốc của DFF nhiều khả năng xuất phát từ việc đầu tư mua sắn, xây dựng mạnh tay năm 2022. Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, doanh thu thuần đạt 1.597 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Dù con số này đạt mức cao nhất trong 5 năm qua nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại âm 684 tỉ đồng.
Doanh thu tăng, giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng 18% lên 1.382 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi lên 142 tỷ đồng.
Sau khấu trừ, lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn hơn 1,9 tỷ đồng, lao dốc 92% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 29 đồng, suy giảm nghiêm trọng so với mức 629 đồng cùng kỳ.
Giải trình về kết quả kinh doanh bết bát, doanh nghiệp cho biết, năm 2022 đã đầu tư nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho chiến lược kinh doanh trong tương lai, dẫn đến chi phí tài chính tăng mạnh 105%. Đồng thời, công ty chưa ghi nhận chi phí lãi vay trong kỳ của Công ty Vình Hoá và trích lập dự phòng thiếu đối với khoản đầu tư vào đây.
Tính tới ngày 31.12.2022, quy mô tài sản của Đua Fat đạt hơn 4.361 tỉ đồng, tăng hơn 64% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu cũng mở rộng 81% lên 896 tỉ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 52 tỷ đồng trong khi nợ phải trả tăng 60% so với cùng kỳ lên 3.464 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu tư cho thấy, Đua Fat tăng tốc độ mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác lên 779 tỉ đồng, tăng tới 387%.
Phía dòng tiền tài chính, tiền thu từ đi vay tăng 89% so với cùng kỳ lên 1.946 tỷ đồng, trong khi dòng tiền trả nợ gốc vay tăng 35% lên 895 tỷ đồng.
Bởi vậy, trong năm 2022, lưu chuyển tiền thuần chuyển sang âm 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 69 tỷ đồng. Từ đó khiến tiền và tương đương tiền cuối năm sụt giảm 47% xuống 52 tỷ đồng.
Khi đó cổ phiếu DFF kết phiên có giá quanh 14.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến phiên kết thúc 16/5, DFF còn 1.400 đồng/cổ phiếu.
