Lịch sử ra đời của Trường Quốc học Huế qua tài liệu lưu trữ
Nằm trên bờ sông Hương thơ mộng giữa Trung tâm thành phố Huế cổ kính, trải gần 130 năm lịch sử, trường Quốc học Huế trở thành niềm hãnh diện trong lòng mỗi người con xứ Huế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Ngôi trường là nơi chứng kiến bao thăng trầm trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Về hoàn cảnh lịch sử của việc thành lập ngôi trường nổi tiếng này là cả một câu chuyện dài, từ khoảng giữa thập niên 1890, dưới triều vua Thành Thái, trước thực tế chính quyền do người Pháp nắm giữ, nhận thấy Chính phủ Nam triều không những phải làm việc với Pháp qua thông ngôn mà chính quan lại của triều đình cũng phải biết tiếng Pháp, để không những chỉ làm việc với Pháp mà còn để tiếp cận với văn minh văn hóa Tây phương, vừa góp phần canh tân đất nước vừa có thể bảo vệ được quyền lợi của Việt Nam.
Do đó, Ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (tức ngày 23 tháng 10 năm 1896, triều đình Huế với chủ trương bãi bỏ trường Hành Nhân (trường dạy tiếng Pháp lập từ thười vua Đồng Khánh) để mở một trường học quốc gia tại Huế để cho người Việt Nam lấy tên là trường Quốc học.
Qua việc khai thác, nghiên cứu tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV hiện đang bảo quản phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ (1874-1945), chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc đến các tài liệu lưu trữ về việc thành lập trường Quốc học Huế. Sau đây là nội dung chi tiết của tài liệu lưu trữ được lược dịch.
Dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 về việc thành lập trường Quốc học Huế
“Nguyễn Thân, Nguyễn Thuật, Trương Như Cương, Hồ Nè và Phạm Phú Lâm phụng chỉ ban Dụ:
Phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất giúp các nho sinh nắm bắt kiến thức để giải quyết những vấn đề của triều đình và chính quyền, tính cân đối của việc dạy lí thuyết sẽ góp phần giáo dục tư tưởng và đào tạo bậc hiền tài. Mới đây, Hội đồng Cơ mật trình lên trẫm bản tấu, trong đó có thoả thuận chung giữa các ngài Toàn quyền Đông Dương, Phó nam vương, Khâm sứ Trung Kỳ, Hộ nam công về việc thành lập một trường dạy tiếng Pháp.1

Dụ của vua Thành Thái ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 18/11/1896 về việc thành lập trường Quốc học Huế, Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp, gallica.bnf.fr
Một Hội đồng do ngài Basset, Phó Khâm sứ Trung Kỳ – Thư kí đặc biệt của ngài Khâm sứ và ngài Bouyeure, Phó Đại biện Bộ Nội vụ cùng thành viên là ngài Ganter, Thượng thư Bộ Hộ Trương Như Cương, Thượng thư Bộ Lễ Huỳnh Vi và Thương biện Ngô Đình Khả được giao nghiên cứu về điều kiện tổ chức và hoạt động của trường này.
Trẫm đã xem bản tấu của Hội đồng Cơ mật, kết luận của Hội đồng phù hợp với các điều luật của triều đình. Nay trẫm ban Dụ rằng:
Quyết định thành lập một trường dạy tiếng Pháp mang tên trường Quốc học, tại đây việc giảng dạy chính là tiếng Pháp và có giảng dạy chữ Hán.
Con của hoàng thân, vương công (công tử) và thanh niên dòng dõi hoàng tộc, con của các quan lại (ấm tử), học sinh trường Quốc Tử Giám cũng như học sinh trường chính quy mở tại thủ phủ các tỉnh, nếu có nguyện vọng sẽ được nhận vào học và có quyền hưởng trợ cấp, miễn là đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn, tuổi từ 13 đến 20 tuổi.
Các trường hợp quá tuổi quy định vẫn được nhận vào trường nếu có khả năng nổi trội về học vấn.
Học sinh trường Hành Nhân cũng như con nhà thường dân nếu có trí tuệ và đủ năng lực về chữ Hán được công nhận có khả năng theo học sẽ được nhận vào trường Quốc học Huế.
Những bậc phụ huynh có con nhỏ tuổi từ 8-15 tuổi có thể cho con theo học với sự đồng ý của Trưởng giáo. Nhân sự giáo chức của trường gồm: 1 Trưởng giáo, 4 Giáo chức ở các hạng khác nhau và 01 Giáo chức phụ trách lớp sơ đẳng. Họ hưởng trợ cấp theo quy định của Hội đồng. Hai Giám thị của trường được hưởng lương nhưng không có trợ cấp giống như thư kí và nhân viên gác trường.
Trưởng giáo trường Quốc học Huế sẽ do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm, theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ, sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng Cơ mật. Trưởng giáo được trực tiếp liên hệ với Khâm sứ, Hội đồng Cơ mật và Thượng thư.
Chủ trương thành lập ngôi trường này của Chính phủ Nam triều được Pháp đồng ý. Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định số 1058 ngày 18 tháng 11 năm 1896 về việc thành lập một trường Pháp – Việt ở Huế, gọi là trường Quốc học Huế.

Nghị định số 1058 ngày 18 tháng 11 năm 1896 của Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập trường Quốc học Huế, Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp, gallica.bnf.fr
Nghị định số 1058 ngày 18 tháng 11 năm 1896 của Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập trường Quốc học Huế gồm 15 điều như sau:
“Điều 1. Với sự quan tâm của Chính phủ Nam triều nay quyết định thành lập tại Huế một trường học sẽ lấy tên là Quốc học.2
Trường này sẽ được đặt dưới sự giám sát tối cao của Khâm sứ Trung Kỳ. tiếng Pháp là ngôn ngữ chính dùng để giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên chữ Hán nôm vẫn được giảng dạy trong trường để học sinh có thể học được song song hai thứ tiếng.
Điều 2. Bãi bỏ trường Hành Nhân và thay bằng trường Quốc học.
Điều 3. Học sinh tuyển vào trường là các cựu học sinh trường Quốc Tử Giám và trường Hành Nhân cũ, tuổi từ 15 đến 20 tuổi, trừ trường hợp quy định tại điều 6.
Điều 4. Những đối tượng được nhận vào học tại trường Quốc học Huế bao gồm:
1. Công tử (con của các hoàng thân);
2. Tôn sinh (các thanh niên thuộc dòng dõi hoàng tộc);
3. Ấm tử (con của quan lại trong triều);
4. Học sinh trường Hành Nhân;
5. Học sinh trường Quốc Tử Giám. Những học sinh này được hưởng trợ cấp hoặc học bổng từ Chính phủ Nam triều theo quy định.
Điều 5. Tất cả các học sinh bản xứ sau khi đỗ kỳ thi tuyển chọn ban đầu, đủ trình độ chữ Hán để tiếp thu bài giảng có thể theo học tại trường.
Điều 6. Trẻ con dưới 15 tuổi và trên 8 tuổi có thể theo học ngoại trú tại một lớp học đặc biệt. Phụ huynh muốn cho con theo học phải có sự chấp thuận của Trưởng giáo.
Điều 7. Đội ngũ giáo chức của trường gồm: 1 Trưởng giáo; 1 Giáo chức hạng 1; 1 Giáo chức hạng 2; 1 Giáo chức hạng 3; 1 Giáo chức hạng 4; 1 Giáo chức phụ đạo; 2 Giám thị.
Điều 8. Trưởng giáo do Toàn quyền bổ nhiệm, theo đề nghị của ngài Khâm sứ Trung Kỳ được thông qua trước Hội đồng Cơ mật. Trưởng giáo xếp vào hàng quan lại và trực tiếp liên hệ với Khâm sứ, Hội đồng Cơ mật và Thượng thư các bộ trong triều.
Điều 9. Giáo chức chỉ được tuyển dụng sau khi đỗ kì thi tuyển chọn năng lực của một Hội đồng thi do Khâm sứ Trung Kỳ bổ nhiệm.
Điều 10. Ngoài tiền lương, hàng tháng, Trưởng giáo và Giáo chức trường Quốc học Huế còn hưởng trợ cấp chức vụ như sau:
1. Trưởng giáo: 50 đồng bạc Đông Dương
2. Giáo chức hạng nhất: 25 đồng bạc Đông Dương
3. Giáo chức hạng nhì: 20 đồng bạc Đông Dương
4. Giáo chức hạng ba: 15 đồng bạc Đông Dương
5. Giáo chức hạng tư: 10 đồng bạc Đông Dương
6. Giáo chức phụ trách lớp Sơ đẳng: 10 đồng bạc Đông Dương
Điều 11. Trưởng giáo và các giáo chức được bố trí chỗ ở tại trường.”

Hồ sơ số 259, Phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ghi về Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 18 tháng 11 năm 1896 về việc bổ nhiệm ông Ngô Đình Khả làm Trưởng giáo Trường Quốc học Huế, Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Để quản lý và tổ chức vận hành ngôi trường này, ngày 18 tháng 11 năm 1896, Toàn quyền Đông Dương ban hành Quyết định số 1640 về việc bổ nhiệm ông Ngô Đình Khả giữ chức Trưởng giáo trường Quốc học Huế. Và kể từ khi được thành lập, trường Quốc học Huế là nơi chứng kiến những tháng năm miệt mài học tập và hoạt động sôi nổi của nhiều danh nhân, chí sỹ yêu nước Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Phạm Văn Đồng, nhà sử học Đào Duy Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ,…
Ngày nay ngôi trường này đã và đang là nơi hun đúc, bồi dưỡng và góp phần đào tạo hiền tài cho đất nước. Mặt khác, sự ra đời của trường Quốc học Huế là một sự kiện văn hóa lịch sử quan trọng bậc nhất của Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX./.
Chú thích:
1. Thư viện Quốc gia Pháp, gallica.bnf.fr;
2. Hồ sơ số 259, Phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
Bùi Thị Nga