Kiên Giang: Nhiều mô hình hiệu quả chung tay Vì người nghèo
Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc, xã biên giới, ấp đặc biệt khó khăn. Trong phòng trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình hiệu quả chung tay Vì người nghèo.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang và đại diện Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Kiên Giang trao quà cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Thuận triển khai hoạt động mang ý nghĩa nhân sâu sắc, với Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Hội đã nhận đỡ đầu nuôi được 9 trẻ mồ côi. Trong năm 2023, Hội vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 200.000 đồng/trẻ/tháng. Đồng thời, vận động Hội Khuyến học hỗ trợ chi phí học tập cho 12 trẻ mồ côi, mỗi tháng 100.000 đồng/trẻ, cùng nhiều phần quà nhu yếu phẩm khác.
Mô hình “Chia sẻ với người bệnh khó khăn” của Trung tâm y tế huyện An Minh với phương châm “Chia sẻ để yêu thương - ai thừa đến cho, ai cần đến nhận”. “Cửa hàng 0 đồng”, “Bếp tự nấu” của Chi bộ 1 thuộc Đảng ủy Trung tâm Y tế huyện An Minh mở cửa 24/24 để người bệnh và thân nhân người bệnh đến nhận quần áo bất cứ thời gian nào mà không phải trả tiền. Mô hình góp phần chia sẻ với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn khi đến khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện.
Từ năm 2020 đến nay, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Long Thạnh (Giồng Riềng) triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Ngôi nhà vì bạn”. Mô hình giúp học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống, được an tâm đến trường, vươn lên trong học tập. Đồng thời, giáo dục học sinh toàn trường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau trong cuộc sống. “Ngôi nhà vì bạn” góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học của trường từ 2,49% năm học 2019-2020, xuống còn 0,83% năm học 2022-2023. Mô hình còn phát huy được sức mạnh đoàn kết trong tập thể nhà trường, giữa các thế hệ học sinh qua các năm học; góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Đồng thời là cầu nối, giúp học sinh khó khăn được tiếp sức đến trường, thực hiện ước mơ, vươn lên trong cuộc sống.
Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng, bằng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, Kiên Giang đang từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo; phấn đấu năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 2%, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, 50% số xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh cơ bản không còn ấp, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
