Các hộ kinh doanh có doanh thu khoán thay đổi trên 50% sẽ thông báo với cơ quan thuế để được điều chỉnh mức khoán cho thời gian còn lại trong năm. Cơ hội đã đến, điều quan trọng là các hộ kinh doanh sẵn sàng chuyển mình để bắt nhịp. Các cơ quan quản lý sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ kịp thời.
Đó là khẳng định của đại diện cơ quan thuế thành phố Hà Nội tại tọa đàm "Hộ kinh doanh với chính sách thuế mới" ngày 8/7/2025. Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó trưởng Thuế TP Hà Nội cho biết hộ kinh doanh phát sinh tâm lý lo ngại bị truy thu của thời gian trước, sau khi sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai sẽ khai bổ sung nếu có sai sót. Còn với các hộ nộp thuế khoán, trường hợp phát sinh trên 50% doanh thu họ sẽ thông báo với cơ quan thuế để điều chỉnh cho thời gian còn lại của năm tính thuế. Với các trường hợp rủi ro, cơ quan thuế sẽ rà soát dữ liệu với các trung gian thanh toán, vận chuyển để xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó trưởng Thuế TP Hà Nội, phát biểu tại tọa đàm, ngày 8/7. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ngoài lo ngại truy thu, theo Phó trưởng Thuế TP Hà Nội, trong giai đoạn đầu chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử nhiều hộ kinh doanh chưa rõ quy định về điều chỉnh, thay thế, hủy hóa đơn.
Việc các tiểu thương lo lắng không phải vấn đề hàng giả, nhái vì "không kinh doanh mặt hàng này". Song, họ lo lắng về thiếu hóa đơn đầu vào, do thói quen mua bán từ trước tới nay chưa yêu cầu chứng từ đầy đủ.
Một số mặt hàng chỉ bán quay vòng sau một năm, dẫn đến việc kê khai theo thời gian ngắn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, cơ quan thuế đã linh hoạt, cho phép hộ kinh doanh kê khai theo mã số, mã ngành hàng, giá... để phù hợp với đặc thù kinh doanh của chợ truyền thống.
Nói về vấn đề này, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Kế toán dịch vụ và Hộ kinh doanh, Công ty Cổ phần MISA, cho biết nhiều hộ vẫn thu tiền mặt, ghi chép bằng sổ tay, nên khó phân biệt giữa dòng tiền kinh doanh và cá nhân. Trong khi đó, để xuất hóa đơn đầu ra đúng quy định, người bán cần có hóa đơn đầu vào. Đây là điểm yếu của nhiều hộ kinh doanh hiện nay, đặc biệt với các mặt hàng tồn kho chưa có hóa đơn hợp lệ.
Về giải pháp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng hệ thống chính sách thuế tương đối phức tạp, nhất là với những hộ mới tiếp cận công nghệ hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Vì vậy, bà đề nghị ngành thuế cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, hướng dẫn rõ ràng, nâng cấp hạ tầng công nghệ để hỗ trợ người nộp thuế.
Chẳng hạn, với người lớn tuổi, việc sử dụng hóa đơn điện tử, kê khai trên nền tảng số còn nhiều lúng túng nên họ cần được hỗ trợ đặc biệt.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Nguyên, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường TP Hà Nội, cho biết họ sẽ hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình thực hiện các quy định mới.
Song, ông cũng khẳng định việc thực hiện chính sách mới về thuế, hóa đơn điện tử là bước tiến quan trọng giúp hộ kinh doanh hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp hơn trong dài hạn. Theo ông Nguyên, nếu người kinh doanh chỉ nghĩ đến việc làm ăn chộp giật, cơ hội sẽ dễ trượt dài vào vi phạm và không thể tồn tại lâu dài trên thị trường. Ngược lại, khi tuân thủ pháp luật, họ sẽ có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn tín dụng, từ đó mở rộng sản xuất và nâng vị thế cạnh tranh.
Từ 1/6, theo Nghị định 70, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm thuộc một số ngành nghề (ăn uống, khách sạn, bán lẻ, vận tải hành khách, thẩm mỹ, vui chơi giải trí...) phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Đồng thời, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh vào 2026.
Hà Nội hiện có 4.979 hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 1 tỷ đồng, chiếm 1,5% trên số hộ quản lý thuế và bằng 2,8% số hộ khoán. Thực tế, việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền được thực hiện từ năm 2023. Theo số liệu của cơ quan thuế, từ 1/6, có thêm 9.155 hộ đăng ký triển khai sử dụng, trong đó khoảng một nửa chủ động tham gia.
Đại diện cơ quan thuế nói việc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là giải pháp phù hợp, đặc biệt với những hộ có điều kiện tiếp cận công nghệ. Hiện các nhà cung cấp có nhiều giải pháp với chi phí thấp kèm nhiều ưu đãi, như miễn phí tới 6 tháng, cho các hộ kinh doanh sử dụng giải pháp này.
Cơ quan Thuế dự kiến đề xuất tăng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm hiện nay; đồng thời sửa đổi tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân phân biệt theo quy mô doanh thu.
Nhiều hộ kinh doanh buôn bán áo quần ở chợ và buôn bán quần áo ở cửa hàng thắc mắc khai thuế đầu vào và đầu ra như thế nào. Thực tế các mặt hàng này, rất nhiều sản phẩm không có hoá đơn từ bên bán, không có hoá đơn VAT.
Tạp chí Kế toán và kiểm toán chia sẻ những thắc mắc thường gặp và cách xử lý để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham khảo về việc báo cáo thuế, cách tính doanh thu, kê khai hoá đơn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng máy tính tiền, máy tính... trao đổi tại buổi phỏng vấn do Vnexpress tổ chức mới đây.
Sau khi bỏ thuế khoán từ 2026, ngành thuế định hướng chia hộ kinh doanh thành 4 nhóm theo doanh thu để quản lý. Và các hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ bằng những giải pháp thiết thực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính mời các tập đoàn công nghệ thông tin xây dựng phần mềm hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Các hộ kinh doanh có doanh thu khoán thay đổi trên 50% sẽ thông báo với cơ quan thuế để được điều chỉnh mức khoán cho thời gian còn lại trong năm. Cơ hội đã đến, điều quan trọng là các hộ kinh doanh sẵn sàng chuyển mình để bắt nhịp. Các cơ quan quản lý sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ kịp thời.