Hé lộ kế hoạch kinh doanh của các ông lớn ngành thép
Gửi biên tậpThứ năm, 27/03/2025 08:42 (GMT+7)
Năm 2025 mở ra với hàng loạt thách thức cam go cho ngành thép Việt Nam. Những biến động kinh tế toàn cầu, các rào cản thương mại ngày càng siết chặt, cùng với sức ép cạnh tranh nội địa khiến các doanh nghiệp lớn không thể lơ là. Trước bối cảnh đầy bất trắc, các ông lớn ngành thép đã công bố chiến lược kinh doanh với tâm thế thận trọng, phản ánh rõ nét những khó khăn đang vây quanh.
Phòng thủ trước sóng gió, tìm lối thoát trong bão tố
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL - mã chứng khoán: TVN) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 34.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế chỉ 180 tỷ đồng. Con số này giảm đáng kể so với năm 2024, khi doanh thu đạt 36.188 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 311 tỷ đồng. Sự suy giảm này phản ánh những áp lực lớn từ thị trường thép.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đưa ra hai kịch bản tài chính cho niên độ 2024-2025. Trong phương án thận trọng, doanh nghiệp dự tính tiêu thụ 1,8 triệu tấn thép, đạt doanh thu 35.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Nếu thị trường thuận lợi hơn, con số này có thể tăng lên 1,95 triệu tấn, doanh thu 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai kịch bản đều thấp hơn so với niên độ trước, cho thấy Hoa Sen không kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ. Để bảo vệ giá cổ phiếu, công ty dự kiến mua lại 50 - 100 triệu cổ phiếu quỹ, một động thái thận trọng trước diễn biến thị trường.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức (VGS) lại thể hiện rõ sự co cụm khi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 6.700 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế lao dốc 30%, chỉ còn 94,6 tỷ đồng. Dù vậy, Việt Đức vẫn mạnh tay đầu tư vào dự án thép đúc cán liên tục tại Vĩnh Phúc với công suất 500.000 tấn/năm và rót vốn vào dự án bất động sản Việt Đức Legend City trị giá 6.269 tỷ đồng. Đây là sự mạo hiểm trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất ổn.
Công ty Cổ phần Lưới thép Bình Tây (VDT) dù đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23%, nhưng con số này chỉ đạt 2 tỷ đồng, khá khiêm tốn. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) dự tính tiêu thụ 620.000 tấn thép nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 30 tỷ đồng, giảm mạnh 62,5% so với năm trước.
Những con số trên phản ánh sự hụt hơi của nhiều doanh nghiệp trước sức ép từ các tập đoàn lớn như Hòa Phát hay VAS. Tình trạng ảm đạm càng rõ nét khi Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức - VNSTEEL (TDS) chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng, dù gấp 6 lần năm ngoái nhưng vẫn quá nhỏ so với thời kỳ hoàng kim.
Điểm sáng hiếm hoi đến từ Công ty Cổ phần Thép Nhà Bè - VNSTEEL (TNB) với doanh thu năm 2025 dự báo đạt 1.602 tỷ đồng, tăng 14%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng 72%, đạt 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù tỷ lệ tăng trưởng cao, con số này vẫn khá khiêm tốn so với mặt bằng chung.
Lối đi nào giữa những áp lực bủa vây ?
Bước sang năm 2025, ngành thép Việt Nam vẫn loay hoay trước những thách thức cũ nhưng với mức độ cam go hơn. Hy vọng về sự phục hồi vẫn le lói, song thực tế lại nhuốm màu ảm đạm: nhu cầu thị trường chưa có dấu hiệu bứt phá, giá thép tiếp tục lình xình, bất động sản vẫn "đóng băng" và các rào cản thương mại ngày càng siết chặt. Trong thế trận này, đâu là hướng đi để ngành thép Việt trụ vững trước vòng xoáy bất ổn?
Theo dự báo từ Hiệp hội Thép Thế giới ( Worldsteel ), nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 1,2% sau hai năm suy giảm liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ để tạo nên cú hích mạnh mẽ cho ngành.
Các "ông lớn" khai thác quặng như Rio Tinto, BHP và FMG vẫn duy trì chiến lược sản xuất, trong khi Vale chủ động tăng sản lượng lên 325-335 triệu tấn. Ấn Độ – một trong những quốc gia sản xuất thép hàng đầu – cũng nâng sản lượng quặng sắt lên 305-310 triệu tấn, phản ánh nỗ lực duy trì nguồn cung.
Dù nguồn cung quặng vẫn ổn định, điều đó không đồng nghĩa với một viễn cảnh tươi sáng cho ngành thép Việt Nam. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thô trong hai tháng đầu năm 2025 chỉ nhích nhẹ 0,1% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng thép thành phẩm giảm tới 5,2%, phản ánh sự suy yếu của cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu thép thành phẩm lao dốc mạnh 39,3% so với năm 2024, chỉ đạt hơn 941 nghìn tấn – một con số đáng báo động về sự thu hẹp của thị trường quốc tế đối với thép Việt.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm 2025 là việc Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19% - 28%. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp giá HRC trong nước tăng khoảng 8% - 9% trong giai đoạn 2025-2026, mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất HRC như Hòa Phát (HPG). Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen (HSG) hay Nam Kim (NKG) lại không đáng kể.
Ở chiều ngược lại, ngành thép Việt Nam tiếp tục đối mặt với chính sách bảo hộ thương mại từ các thị trường xuất khẩu lớn. Đặc biệt, Mỹ đã áp mức thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Đây là cú giáng mạnh vào các doanh nghiệp thép Việt Nam, nhất là khi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với các sản phẩm chủ lực như tôn mạ, HRC và CRC.
Không chỉ Mỹ, khu vực Đông Nam Á cũng đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh trực diện khi hàng loạt nhà máy thép mới đi vào hoạt động, khiến áp lực cạnh tranh trong khu vực ngày càng khốc liệt.
Giữa áp lực bủa vây từ thị trường quốc tế, thị trường nội địa đang trở thành cứu cánh duy nhất của ngành thép trong năm 2025. Theo dự báo từ Chứng khoán MB (MBS), nhu cầu thép trong nước có thể tăng khoảng 10% nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và dòng vốn đầu tư công.
Chứng khoán SSI Research cũng nhận định rằng hai yếu tố chính thúc đẩy tiêu thụ thép nội địa trong năm nay sẽ là sự hồi phục của thị trường bất động sản và đầu tư công tăng tốc. Cụ thể, Số lượng căn hộ mở bán mới trong năm 2025 dự kiến tăng gấp đôi so với năm 2023, cho thấy dấu hiệu cải thiện của lĩnh vực địa ốc.
Các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường liên vùng Đông – Tây cùng các đại dự án cảng biển như Cần Giờ (TP.HCM) và Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) sẽ là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ thép.
Dù còn nhiều thách thức, năm 2025 có thể đánh dấu giai đoạn ổn định hơn của ngành thép nếu các doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa. Trong bối cảnh áp lực từ thị trường quốc tế ngày càng lớn, khả năng thích ứng và điều chỉnh chiến lược sẽ quyết định sự sống còn của ngành thép Việt Nam trong tương lai gần.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc thực hiện các biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.
Tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 26/7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.