Nhiệm vụ trọng tâm trong lộ trình đổi mới của VAA
Ngày 04/04/2025, Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2025.
Ngày 17/4, thực hiện kế hoạch đào tạo năm 2025 của Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Trung tâm nghiên cứu và tư vấn khoa học kế toán tổ chức khai giảng Khóa tập huấn hướng dẫn thực hiện phương án tự chủ tài chính và xử lý các vướng mắc khi áp dụng chế độ kế toán tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Đến dự lễ khai giảng có TS.Vũ Đức Chính - Phó Chủ tịch VAA, nguyên Cục trưởng Cục quản lý và giám sát Kế toán Kiểm toán, Bộ Tài chính; bà Trần Thị Thanh Nga, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn khoa học kế toán, VAA; cùng với sự tham gia của gần 60 học viên đến từ các cơ quan, bệnh viện, đoàn thể, trường học...
Chương trình đào tạo diễn ra trong 2 ngày 17 - 18/4/2025. Giảng viên khoá đào tạo là bà Vũ Thị Hải Yến - Chuyên viên cao cấp, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính - Kinh tế ngành, Bộ Tài chính; ông Huỳnh Hữu Thọ - KTVCC, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, KTNN.
Chủ đề khoá tập huấn nhằm hướng dẫn xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; kỹ năng thẩm định phương án tự chủ tài chính của ĐVSNCL theo quy định của Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; các vướng mắc khi thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp; hướng dẫn bút toán xử lý các vướng mắc khi chuyển đổi và áp dụng chế độ kế toán mới theo Thông tư 24/2024/TC-BTC và trao đổi tình huống thực tế.
Theo TS.Vũ Đức Chính - Phó Chủ tịch VAA, nguyên Cục trưởng Cục quản lý và giám sát Kế toán Kiểm toán, Bộ Tài chính: "Về cơ chế tự chủ, qua nắm bắt thực tế, chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều vướng mắc tại đơn vị sự nghiệp công lập mà đơn vị cơ sở chưa giải quyết được; trong đó có cả các vấn đề cụ thể như phân loại, xây dựng phương án tự chủ ở mức độ phù hợp. Với Thông tư 24/2024/TT-BTC, các đơn vị có một thời gian chuẩn bị triển khai, tuy nhiên quá trình chuyển đổi cũng có các vướng mắc phát sinh, nên cần trao đổi các vấn đề từ thực tế để cùng giải quyết; còn những vấn đề nào chưa giải quyết được ngay thì có thể đề xuất để bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật".
Mục tiêu lớp học này nhằm trang bị cho người học các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Thông tư số 56/2022/TT-BTC bao gồm: xây dựng các phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các vấn đề cần lưu ý; kỹ năng thẩm định phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các vấn đề cần lưu ý; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: Chủ trương của Đảng về đơn vị sự nghiệp công lập, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, phân cấp tự chủ tài chính theo từng nhóm đối tượng; giá dịch vụ công; nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước... và các sai sót thường gặp khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, người học còn được trang bị cách thức xử lý các sai sót thường gặp khi thực hiện chuyển đổi hệ thống báo cáo sổ sách từ chế độ kế toán cũ sang chế độ kế toán mới và cách thức xử lý; hướng dẫn bút toán xử lý các vướng mắc khi áp dụng chế độ kế toán mới theo Thông tư 24/2024/TT-BTC tại các đơn vị hành chính sự nghiệp.