Vietcombank đạt thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ
Việc trao tặng bằng khen diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” diễn ra ngày 8/5/2024. Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Hơn 2 năm thực hiện Đề án 06, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai các nhiệm vụ các năm tiếp theo. Theo đó, toàn ngành ngân hàng và Vietcombank đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Tại Quyết định số 171/QĐ–NHNN ngày 18/02/2022 của Thống đốc NHNN về việc Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và Công văn số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/04/2023 về Kế hoạch phối hợp Triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Bộ Công an và NHNN (Kế hoạch 01), Vietcombank được giao nhiệm vụ là một trong các tổ chức tín dụng (TCTD) thí điểm và triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động của ngân hàng.
Ngay trong năm 2022, Vietcombank đã thành lập Ban triển khai Đề án 06 (BTK) do Tổng Giám đốc là Trưởng Ban Triển khai, trực tiếp chỉ đạo, định hướng hoạt động của BTK, với sự tham gia của các thành viên Ban điều hành phụ trách các Khối Bán lẻ, Khối Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi số, Khối Quản lý rủi ro, Khối Pháp chế và Tuân thủ. Vietcombank xác định nhiệm vụ ứng dụng các giải pháp thuộc Đề án 06 và Kế hoạch 01 của NHNN và Bộ Công an là rất quan trọng trong hoạt động của ngân hàng.
2 năm qua, Vietcombank đã tích cực xây dựng hệ thống công nghệ, hạ tầng, quy trình sản phẩm dịch vụ ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Vietcombank đã phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (C06) và các bộ ban ngành, các đơn vị có liên quan triển khai 06 nhiệm vụ trọng tâm để làm sạch dữ liệu khách hàng, chấm điểm cấp tín dụng, phối hợp triển khai tài khoản an sinh xã hội...
Nhờ đó, Vietcombank đã đạt được những kết quả tích cực: Hoàn thành xây dựng hệ thống ứng dụng điểm khả tín đối với sản phẩm thấu chi online; là đơn vị đi đầu hoàn thành thủ tục, kết nối kỹ thuật với nền tảng định danh và xác thực điện tử và ứng dụng VneID; triển khai thành công ứng dụng CCCD gắn chip trong việc định danh và xác thực khách hàng tại quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ; phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành và các đơn vị liên quan như Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) để hoàn thành mục tiêu liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc chi trả các khoản an sinh xã hội đến người dân...
Tại sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 06, đánh giá, năm 2023, ngành Ngân hàng không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sự phối hợp của Bộ Công an với NHNN bằng các nhiệm vụ trọng tâm đã làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các TCTD, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.
Đến nay, đã có 48 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 58 TCTD xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp tại quầy giao dịch; 14 TCTD đang ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào các nghiệp vụ như mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch, đối chiếu xác thực thông tin… Các ngân hàng hoàn thiện giải pháp công nghệ, quy trình nghiệp vụ để thí điểm, nhận chi trả an sinh xã hội, thanh toán tiền điện nước dự kiến tiết kiệm chi phí khoảng 95 tỷ đồng/tháng; giảm thiểu tối đa thời gian, công sức, chi phí… từng bước thay thế các giải pháp truyền thống.
Liên quan đến triển khai đề án 06, trong sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Vietcombank đã giới thiệu về giải pháp định danh và xác thực thông tin khách hàng cá nhân và hình ảnh sinh trắc học khuôn mặt khách hàng thông qua kết nối trực tiếp (app-to-app) giữa app Ngân hàng và App VNeID. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng giải pháp này trên thị trường, mang tới trải nghiệm liền mạch và hoàn toàn online cho người dân, đảm bảo các thông tin đối khớp với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư là cập nhật nhất. Vietcombank cũng đồng thời trình diễn ứng dụng xác thực sinh trắc học bằng dữ liệu khuôn mặt (Facepay) theo quy định mới của NHNN, giúp tăng cường công tác phòng chống gian lận, lừa đảo trong các giao dịch điện tử.
Cũng tại sự kiện, Bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Quản lý rủi ro Vietcombank đã chia sẻ những thông tin liên quan đến chủ đề kết nối, tích hợp ứng dụng VNeID trong xác thực, định danh khách hàng để phòng ngừa gian lận, lừa đảo. Kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử VNeID giúp ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, được cung cấp bởi Bộ Công an.
Sự ghi nhận của NHNN là động lực để Vietcombank thêm nỗ lực, trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ cùng Kế hoạch 01 của ngành Ngân hàng nhằm không ngừng nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ khách hàng, gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động, góp phần tích cực thực hiện chuyển đổi số ngành ngân hàng.