VẬN DỤNG KẾ TOÁN QUẢN TRỊ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM

09:29 15/02/2023
Cỡ chữ

APPLICATION OF MANAGEMENT ACCOUNTING IN VIETNAMESE MANUFACTURED BUSINESSES

Keywords: Management accounting, manufacturing enterprises, management accounting role, accounting status, accounting solutions.

Abstract: Management accounting is formed and developed from the need for information of corporate governance. The change of the business environment, especially the increasing competition and scarcity of resources along with the strong development of science, technology and the change of management methods have had a significant impact on the change of management accounting. Management accounting is an integral part of the general accounting information system in organizations. In the market economy, the cause of the development of management accounting is the competition between organizations, corporations, and countries. In any organization, management accounting information with its basic function is an effective tool for leaders to make decisions to run all activities towards the goal of maximizing profits.

 

Kế toán quản trị hình thành và phát triển xuất phát từ nhu cầu thông tin cho quản trị doanh nghiệp. Sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự cạnh tranh và sự khan hiếm của nguồn lực ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sự thay đổi phương pháp quản trị đã có tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi của kế toán quản trị. Kế toán quản trị có vai trò chủ đạo và chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa trên các thông tin mà kế toán quản trị cung cấp, các nhà quản trị đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất không chỉ chịu sức ép cạnh tranh với các công ty trong nước, mà còn phải cạnh tranh gay gắt, quyết liệt hơn từ công ty nước ngoài, có lợi thế hơn cả về vốn, thương hiệu và trình độ quản lý. Do vậy, để cạnh tranh được, các DN sản xuất cần phải tìm được một hướng đi hợp lý để tồn tại và phát triển.

  1. Vai trò của thông tin kế toán quản trị trong hoạt động quản lý của doanh nghiệp

Thông tin kế toán quản trị (KTQT) đặc biệt quan trọng trong quá trình vận hành của DN, đồng thời thông tin KTQT giúp các nhà quản lý đưa ra các phương thức để quản lý, kiểm soát, đánh giá “sức khỏe” tài chính của DN tốt hơn. Mỗi thông tin của KTQT thu được là kết quả của quá trình có tính 2 mặt: Thông tin và kiểm tra. Vì vậy, khi đề cập đến KTQT cũng như thông tin của KTQT không thể tách rời 2 đặc trưng cơ bản. Toàn bộ nội dung về hoạt động sản xuất kinh doanh, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra đều được phản ánh sinh động qua các thông tin kế toán.

Nghiên cứu cho thấy, trong quá trình điều hành DN, các nhà quản trị (NQT) phải trao đổi cập nhật thông tin kế toán. Họ không thể ra các quyết định mà không có thông tin kế toán. Hơn nữa, để giúp DN hoạt động có hiệu quả các NQT còn đòi hỏi thông tin kế toán phải đầy đủ, kịp thời, chính xác nhằm thực hiện tốt các chức năng và hoạt động quản trị của mình. Như vậy, KTQT có vai trò chủ đạo và chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của DN. Dựa trên các thông tin của KTQT cung cấp, các NQT đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của DN trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, thông tin của KTQT gồm có các nội dung sau:

Thứ nhất, cung cấp thông tin cho quá trình xây dựng kế hoạch và dự toán: Lập kế hoạch là xây dựng các mục tiêu phải đạt được và vạch ra các bước thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Kế hoạch mà NQT DN lập thường ở mức dự toán. Dự toán là sự liên kết các mục tiêu lại với nhau và chỉ rõ cách huy động, cũng như sử dụng nguồn lực. Trong số đó, dự toán về lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nếu thiếu tiền DN sẽ không có khả năng tạo ra lợi nhuận, dù kế hoạch xây dựng hợp lý. Vì vậy, để chức năng lập kế hoạch và dự toán có tính hiệu lực và khả thi cao thì chúng phải dựa trên những thông tin kế toán hợp lý và có cơ sở.

Thứ hai, cung cấp thông tin cho quá trình tổ chức thực hiện: Với chức năng thực hiện, NQT cần biết cách liên kết tốt các yếu tố giữa tổ chức, con người với nguồn lực lại với nhau sao cho kế hoạch được triển khai hiệu quả nhất. Để thực hiện tốt chức năng này nhà qu        ản lý cần nắm rõ thông tin kế toán, nhất là thông tin KTQT. Nhờ có thông tin do KTQT cung cấp mà NQT mới có thể đề ra quyết định đúng đắn trong quá trình lãnh đạo, phù hợp với mục tiêu chung.

Thứ ba, cung cấp thông tin cho quá trình kiểm tra đánh giá: NQT sau khi lập kế hoạch đầy đủ và hợp lý, tổ chức thực hiện kế hoạch đòi hỏi phải kiểm tra và đánh giá thực hiện nó. Phương pháp thường dùng là so sánh số liệu kế hoạch hoặc dự toán với số liệu thực hiện, để từ đó nhận diện các sai lệch giữa kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra. Để làm được điều này, NQT cần được cung cấp các báo cáo thực hiện, có tác dụng như một bước phản hồi giúp NQT nhận diện những vấn đề cần phải điều chỉnh.

Thứ tư, cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định: Phần lớn thông tin do KTQT cung cấp nhằm phục vụ chức năng ra quyết định. KTQT không chỉ giúp các NQT ra các quyết định bằng cách cung cấp thông tin thích hợp mà nó còn vận dụng các kỹ thuật phân tích vào những tình huống khác nhau, để từ đó NQT lựa chọn, ra các quyết định phù hợp.

Thứ năm, góp phần đổi mới cải tiến công tác quản lý của DN: Nguồn lực của DN được kế toán đo lường, định lượng thành các chỉ tiêu kinh tế, biểu hiện dưới hình thức giá trị nhằm cung cấp thông tin có giá trị cho chức năng kiểm tra và đánh giá. Quá trình kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh là nhằm nhận biết tiến độ thực hiện và phát hiện những nguyên nhân sai lệch giữa kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra. Việc kiểm tra đánh giá còn giúp cho DN phát hiện những tiềm năng, thế mạnh cần được khai thác; đồng thời, phát hiện những yếu kém cần được điều chỉnh.

  1. Thực trạng áp dụng KTQT trong các DN sản xuất hiện nay

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc áp dụng KTQT trong các DN không hề mới, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển như Anh, Pháp, Mỹ. Tuy nhiên ở Việt Nam, KTQT mới xuất hiện và phát triển gắn liền với các chính sách, chế độ kế toán áp dụng ở các DN và trở thành cấp bách trong việc xây dựng hệ thống thông tin kế toán vào đầu những năm 2000, khi các DN cần nâng cao chất lượng quản lý để tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tình hình thực tế hiện nay, hiện trạng áp dụng KTQT trong các DN sản xuất ở nước ta có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, các DN sản xuất mới chỉ tiếp cận cũng như có sự hiểu biết về KTQT trong giới hạn nhất định mặc dù các yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ quản lý luôn được đặt ra, còn KTTC là phần được chú trọng nhất. Phần hành KTQT chưa có vị trí độc lập trong DN, cũng có thể có một số DN có bộ phận KTQT độc lập với KTTC nhưng còn ở mức độ khiêm tốn. Có tình trạng này là do hệ thống kế toán DN vốn vận hành theo chế độ kế toán thống nhất do Bộ Tài chính ban hành, mà chế độ kế toán hiện nay mới chỉ đề cập đến nội dung KTTC, vì vậy các DN đã không tìm đến hệ thống kế toán nào khác ngoài hệ thống KTTC, điều này ảnh hưởng lớn đến các nhà quản trị trong việc sử dụng thông tin KTQT để kiểm soát, quản lý DN cũng như đưa ra các quyết định kinh tế.

Thứ hai, KTQT trong các DN sản xuất chủ yếu hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở khâu lập kế hoạch và quản trị chi phí, chứ chưa tạo ra giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp. KTQT còn vẫn bị hiểu sai từ nội dung đến cách thức xây dựng khiến cho nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn.

Thứ ba, còn ít doanh nghiệp sản xuất chú trọng đến việc đào tạo KTQT, do đó nhân viên tại DN được đào tạo chủ yếu để thực hiện công tác KTTC, còn KTQT chưa có đủ trình độ và kiến thức nhất định để thực hiện.

Thứ tư, về hệ thống chứng từ, lập sổ sách báo cáo KTQT: nhiều DN chưa sử dụng đầy đủ các chứng từ cần thiết để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh cho đúng với tính chất và nội dung của nghiệp vụ cũng như yêu cầu quản lý, còn thiếu các chứng từ kế toán nội sinh để phản ánh các nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu quản trị DN. Các DN sản xuất mới chỉ dừng lại báo cáo bắt buộc theo quy định của chế độ, còn báo cáo của KTQT phục vụ cho yêu cầu quản trị thì hầu như chưa có cơ sở để thực hiện.

Thứ năm, về công tác phân tích báo cáo KTQT trong các DN sản xuất: đa phần còn chưa được quan tâm đúng mức và mang nặng tính hình thức, việc phân tích báo cáo KTQT chủ yếu dưới hình thức diễn giải, giải thích số liệu hoặc thuyết minh mà chưa có dự toán cần thiết cho tương lai.

Thứ sáu, việc ứng dụng phần mềm dùng cho KTQT chưa được áp dụng, do DN sản xuất chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của KTQT và do hạn chế về nhân lực và chi phí bỏ ra. Các DN mới chỉ mới áp dụng phần mềm kế toán, nên việc lấy số liệu chỉ dừng ở việc tận dụng nguồn thông tin từ KTTC, trong khi chưa có sự liên kết giữa các bộ phận khác nhau.

  1. Các giải pháp ứng dụng KTQT vào các DN sản xuất

Từ những thực trạng trên, để có thể áp dụng KTQT vào các DN sản xuất cần phải có các giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, về phía các cấp quản lý vĩ mô: Nhà nước và các cơ quan quản lý cần can thiệp nhằm quy định và hướng dẫn mô hình KTQT, để DN thấy tầm quan trọng và hiệu quả mang lại khi vận dụng KTQT. Đồng thời, cần hỗ trợ các DN tốt hơn trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu, triển khai phát triển lâu dài KTQT. Để KTQT thật sự được quan tâm và vận dụng phổ biến ở các DN Việt Nam, đòi hỏi phải có sự can thiệp vĩ mô của Nhà nước và các cơ quan quản lý thông qua việc ban hành các chính sách, hướng dẫn mô hình vận dụng KTQT, để DN thấy được tầm quan trọng và hiệu quả mang lại khi vận dụng KTQT. Hơn nữa, bản thân DN, các nhà quản lý cũng phải xây dựng được hệ thống thông tin thông suốt trong nội bộ DN; mạnh dạn cải tiến, sắp xếp lại bộ máy kế toán cho phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường Cụ thể:

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

– Nhà nước cần ban hành một chính sách kế toán phân định riêng phạm vi phản ánh của KTQT cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện KTQT tại DN.

– Hội Kế toán Việt Nam hỗ trợ các DN tổ chức thực hiện KTQT thông qua việc đưa ra một số mô hình tổ chức kế toán mẫu phù hợp với từng loại hình DN, từng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, từng quy mô của DN thông qua các buổi hội thảo. Trên cơ sở đó, giúp DN nhận thức được vai trò và tác dụng của KTQT cũng như những định hướng cho việc tổ chức công tác KTQT phù hợp với DN mình.

Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kế toán quản trị

– Cần có sự cải tiến chương trình và phương pháp đào tạo chuyên ngành KTQT theo hướng thực hành và ứng dụng thực tế.

– Cần nghiên cứu tìm ra giải pháp để xây dựng mô hình đào tạo kết hợp gữa lý thuyết và thực hành giữa các trường, viện và DN. Đồng thời, cần có kế hoạch liên kết với DN để sinh viên thường xuyên được thực hành với các tình huống thực tế, qua đó phát huy vai trò chủ động, kỹ năng tư duy khoa học và nghệ thuật quản lý vào thực tiễn

Thứ hai, về phía các DN sản xuất:

Các DN sản xuất cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của KTQT, chủ động đẩy mạnh áp dụng KTQT trong hoạt động điều hành SXKD nhằm đạt được hiệu quả quản lý cao nhất.

Các DN phải tự xây dựng một hệ thống chỉ tiêu KTQT cụ thể theo mục tiêu đề ra đồng bộ và thống nhất, tránh sự trùng lắp, đảm bảo cho thông tin được thông suốt, nhanh chóng và kịp thời. Báo cáo KTQT cần kết hợp với các loại báo cáo khác của DN, như báo cáo về thị trường, về công nghệ sản xuất, từ đó giúp DN có cái nhìn toàn diện hơn về các yếu tố tác động đến quá trình SXKD.

DN cần xây dựng hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản, hệ thống sổ sách kế toán và hệ thống báo cáo KTQT cho phù hợp với công tác quản lý và đặc điểm SXKD riêng của DN, dựa trên các mô hình KTQT đã được áp dụng của các DN trong và ngoài nước. Báo cáo của KTQT lập ra phải sử dụng kết hợp với các báo cáo khác của DN như báo cáo về thị trường, đối thủ cạnh tranh, … để có những nhìn nhận một cách toàn diện hơn về các yếu tố tác động đến hoạt động của DN.

Đối với nhà quản trị DN: cần nâng cao nhận thức và trình độ quản lý để tăng cường hiệu quả đối với các quyết định quản trị, nhằm đáp ứng khả năng cạnh tranh và yêu cầu hội nhập thực tế.

Đối với việc tổ chức bộ máy kế toán của các DN: thực tế hiện nay, các DN chủ yếu tập trung vào KTTC, do đó cần sắp xếp lại bộ máy kế toán theo hướng kết hợp giữa bộ phận KTTC và KTQT, trong đó KTQT sử dụng nguồn thông tin đầu vào chủ yếu do KTTC cung cấp, xử lý và lượng hóa thông tin theo các chức năng riêng của mình.

Đối với nguồn nhân lực thực hiện KTQT: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho các kế toán viên về KTTC cũng như KTQT. Bên cạnh đó nhân viên KTQT cần phải đảm bảo được những chuẩn mực đạo đức đối với việc hành nghề, và các chuẩn mực này được nghiên cứu, ban hành bởi một tổ chức nghề nghiệp có uy tín.

Ứng dụng công nghệ thông tin trên phần mềm quản trị thống nhất, giúp cho việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Tăng cường học tập kinh nghiệm áp dụng KTQT của những tập đoàn kinh tế tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới về mô hình báo cáo, hệ thống chỉ tiêu, từ đó áp dụng phù hợp với thực tế của mình.

  1. Kết luận

KTQT được coi là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu trong điều kiện nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, bởi tính linh hoạt, hữu ích và kịp thời của thông tin kế toán phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ DN. Chính vì kiến thức về KTQT trong đội ngũ làm công tác kế toán của DN sản xuất còn mới mẻ, nên việc áp dụng vào thực tế có nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc đổi mới và không ngừng hoàn thiện công tác KTQT để thích nghi với yêu cầu, nội dung đổi mới hiện nay là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn./.

Tài liệu tham khảo

- Đoàn Xuân Tiên (2009), Giáo trình KTQT DN, Nxb Tài chính.

- Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy (2013), giáo trình Kế toán tài chính, Nxb Tài chính.

- Nguyễn Ngọc Quang (2010), KTQT DN, Nxb Đại học kinh tế quốc dân.

- Bộ Tài Chính (2006), Thông tư 53/2006- “Hướng dẫn chế độ áp dụng KTQT trong các DN”

 

Ths. Nguyễn Thị Mai Hương

Khoa Kế toán – Kiểm toán, Học viện Ngân hàng

Sudo Ecommerce
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo