Tổ công tác Chính phủ làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn phát biểu tại điểm cầu Phú Yên
Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính tại tỉnh Đồng Nai đến điểm cầu các tỉnh còn lại. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Phú Yên có đồng chí Tạ Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh đã nêu lên một số khó khăn hiện nay đang gặp phải, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, 4 tháng đầu năm 2023, các tỉnh được xem là ‘thủ phủ” công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương đều tăng trưởng rất thấp, nhất là công nghiệp. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường chậm, nhất là các ngành chủ lực như: Gỗ, may mặc, giày da, đồ điện tử...
Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 của các tỉnh đều đạt rất thấp. Cụ thể, tỉnh Gia Lai giải ngân được khoảng 7%, Đồng Nai hơn 10%, Bình Dương đạt 13,6%. Nguyên nhân chính đều do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo các địa phương cho biết, kinh tế tăng trưởng chậm, xuất nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến thu chi ngân sách, tác động đến kinh tế-xã hội trên địa bàn. Lãnh đạo 5 tỉnh cũng nêu lên sự chồng chéo, vướng mắc trong áp dụng giữa một số luật, nhất là Luật Đất đai, đồng thời, kiến nghị Đoàn công tác và Chính phủ kịp thời tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Đối với tỉnh Phú Yên, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của tỉnh tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cơ bản ổn định và tăng trưởng hầu hết ở các ngành sản xuất kinh doanh. GRDP tăng 7,14% so cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tỉnh về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, hoạt động vận tải hành khách và các hoạt động tín dụng, ngân hàng, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã cơ bản ổn định và có mặt tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những chỉ tiêu quan trọng đạt thấp so với kế hoạch đề ra như: tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 1.213,956 tỷ đồng, bằng 23,68% dự toán Trung ương giao; tiến độ thực hiện các dự án khá chậm, khối lượng thực hiện còn thấp so với kế hoạch vốn giao; giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp bằng 11,6% kế hoạch vốn trung ương giao…
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn kiến nghị Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo hoặc có ý kiến với cấp thẩm quyền để sớm giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại của các địa phương, tạo hành lang pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu gói kích cầu kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu; xem xét, ký kết Hiệp định dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để có cơ sở bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho dự án triển khai đầu tư xây dựng, sớm hoàn thành theo tiến độ đã được phê duyệt vào năm 2024; sớm ban hành các tiêu chí cụ thể về nội dung “Khách hàng có khả năng phục hồi” làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại triển khai đồng bộ, thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay 2% từ ngân sách nhà nước...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đầu tư tư nhân và đầu tư công là hai động lực cốt tử cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân đang vướng về thủ tục pháp lý ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc vướng về thủ tục đất đai, khiến nhiều nơi nhà đầu tư rơi vào tình cảnh có tiền cũng không đầu tư được.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương tập trung giải quyết các nút thắt thủ tục hành chính để đầu tư tư nhân phát triển và tăng cường đầu tư công. Bởi lẽ, nếu tắc đầu tư tư nhân và đầu tư công sẽ dẫn đến tắc cả nền kinh tế. Vì vậy, không còn cách nào khác, các bộ, ngành và địa phương cùng nhau tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển. Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, tình hình chung cả nước là giải ngân thấp. Hiện nay, có nhiều dự án nghìn tỷ chỉ giải ngân được 3%. Riêng 5 địa phương trên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng qua là quá thấp. Do đó, các tỉnh cần nỗ lực quyết liệt thực hiện các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công.
Với những kiến nghị của các địa phương, ngoài việc được đại diện các bộ, ngành trả lời tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận những vấn đề còn lại và tổng hợp để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.
Mỹ Luận/daklak.gov.vn
Nguồn: Tổ công tác Chính phủ làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn
https://tapchiketoankiemtoan.vn/