Tổ chức nghề nghiệp hành nghề Kế toán Việt Nam 10 năm hoạt động
Buổi lễ vinh dự được đón tiếp: Về phía Bộ Tài chính có Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán và kiểm toán, Phó chủ tịch VICA, PGS.TS Lưu Đức Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán và kiểm toán cùng các lãnh đạo và chuyên viên phòng doanh nghiệp; về phía Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có Chủ tịch Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Đoàn Xuân Tiên cùng các lãnh đạo, cán bộ văn phòng Hội. Buổi lễ cũng vinh dự được đón tiếp gần 100 hội viên tổ chức và cá nhân của VICA.
Ngay sau phần khai mạc chương trình của PGS.TS Đặng Văn Thanh, chủ tịch VAA, đồng thời là chủ tịch của VICA là phần báo cáo hoạt động 10 năm của VICA cũng như những định hướng hoạt động trong thời gian tới do Ths Hà Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký VICA báo cáo.
Trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, dịch vụ kế toán đã được thừa nhận, thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán đã hình thành và phát triển. Kế toán không còn thuần túy là công cụ quản lý kinh tế tài chính mà đã trở thành một dịch vụ, một nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp. Đội ngũ những người hành nghề kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán đã hành thành. Với mục đích tập hợp những người hành nghề kế toán để cùng nhau hỗ trợ, động viên và chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam. Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (gọi tắt là VICA) đã được thành lập. Đây là tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp của các cá nhân có Chứng chỉ Kế toán viên (APC/KET) hoặc chứng chỉ Kiểm toán viên (KTV) do Bộ Tài chính cấp và các cơ sở, doanh nghiệp dịch vụ kế toán đang hoạt động tại Việt Nam. Chi hội là Hội thành viên và là tổ chức trực thuộc Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. 10 năm hoạt động đối với một tổ chức là không dài, nhưng Chi hội đã có bước phát triển khá vững chắc và đạt được nhiều thành tựu:
Trước hết, Chi hội và các hội viên của chi hội đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển thị trường dịch vụ kế toán ở Việt Nam. Bằng trách nhiệm và năng lực nghề nghiệp, các hội viên của chi hội đã cung cấp những dịch vụ kế toán có chất lượng cho các doanh nghiệp, trực tiếp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong tổ chức thông tin kế toán, kê khai thuế và quản trị kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp, số lượng người hành nghề kế toán đã tăng. Chất lượng dịch vụ đã nâng lên đáng kể và dịch vụ kế toán đã được nhiều doanh nghiệp biết đến, đã có vị thế trong đời sống kinh tế xã hội.
Thứ hai, vị thế và vai trò của Chi hội, tổ chức nghề nghiệp của những người hành nghề kế toán đã được xác lập trong nền kinh tế. Chi hội đã tập hợp được đội ngũ ngày càng đông đảo những người hành nghề kế toán, kiểm toán trong cả nước, được sự quan tâm của các chuyên gia kế toán, kiểm toán nước ngoài. Từ vài chục hội viên ban đầu, đến nay, Chi hội kế toán hành nghề đã có 80 hội viên tập thể, 79 hội viên cá nhân (trong đó 2 hội viên danh dự, 60 hội viên cá nhân chính thức, 10 hội viên liên kết, và 7 hội viên dự bị). Chi hội là một trong những tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao, là một trong những Hội thành viên tích cực, hoạt động có hiệu quả của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Chi hội thường xuyên chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, có nhiều biện pháp và việc làm hỗ trợ tích cực có hiệu quả cho các hội viên trong việc đăng ký hành nghề, phát triển năng lực, hoàn thành nghĩa vụ cập nhật, rèn luyện và nâng cao kỹ năng chuyên môn và phương pháp công tác, bồi dưỡng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Quy chế hoạt động mẫu, quy trình cung cấp dịch vụ và quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán do Ban quản lý hành nghề VAA và chi hội cung cấp đã giúp cho các DN dịch vụ kế toán thực hiện tốt các hoạt động nghề nghiệp và làm cơ sở để xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thứ ba, để hoạt động hành nghề có chất lượng, tuân thủ các quy định nghề nghiệp và quy định của nhà nước, Chi hội đã xây dựng được hệ thống các quy định, quy chế, nội quy hoạt động của Chi hội và quản lý các hoạt động của dịch vụ kế toán, điển hình là các Quy trình cung cấp dịch vụ; Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ. Chi hội đã xây dựng và ban hành hệ thống hướng dẫn mẫu về quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, ban hành bảng câu hỏi để phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng dịch vụ, xây dựng quy định về đánh giá chấm điểm và phân loại chất lượng dịch vụ kế toán, làm cơ sở cho các doanh nghiệp tự kiểm tra, soát xét chất lượng dịch vụ; xây dựng Quy chế vinh danh tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực hành nghề dịch vụ kế toán, làm cơ sở cho công tác thi đua khen thưởng trong lĩnh vực dịch vụ kế toán.
Đây không chỉ là căn cứ tổ chức các dịch vụ mà quan trọng hơn là giúp cho việc điều hành hoạt động của các Công ty Dịch vụ kế toán có hiệu quả, góp phần hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng, giá trị dịch vụ kế toán, và uy tín với khách hàng.
Thứ tư, dưới sự chỉ đạo của VAA, Lãnh đạo Chi hội đã chủ động tổ chức các hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức, tổ chức hội thảo, cung cấp thông tin, tổ chức các diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, tư vấn, giải đáp vướng mắc kịp thời cho hội viên… nhằm phục vụ tốt nhất cho hội viên. Cho đến nay, VICA đã tổ chức hàng trăm lớp cập nhật kiến thức, hàng chục cuộc hội thảo trong cả nước với trên 10.000 lượt người tham gia. Việc tổ chức các lớp cập nhật và hội thảo luôn đổi mới về phương pháp và phong phú về nội dung, cách thức tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, giảng viên có chuyên sâu về chuyên đề mình phụ trách nên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo hội viên và kế toán viên hành nghề. Để nâng cao cất lượng đào tạo, phát triển năng lực cho hội viên, Chi hội đã hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế: ACCA, ICAEW… với một số Tập đoàn, Tổng công ty, Trung tâm đào tạo như Kết hợp với Web Kế toán, Công ty CP Misa, Trung tâm đào tạo Smart Train;….. tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và hội thảo khoa học. Hoạt động đào tạo luôn được VICA quan tâm và là hoạt động thành công nhất, không chỉ hỗ trợ phát triển năng lực hội viên, đảm bảo đủ giờ theo quy định cho hội viên, nâng cao vị thế của VICA mà là nguồn tài chính quan trọng đảm bảo hoạt động của Chi hội.
Thứ năm, đã tổ chức thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán tại hơn 70 doanh nghiệp dịch vụ với sự tham gia của Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán – Bộ Tài chính (Nay là Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính) theo ủy quyền của VAA từ năm 2012 – 2017. Tăng cường công tác hỗ trợ và kiểm soát chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp kế toán. Biểu dương khen thưởng kịp thời các tổ chức cá nhân có thành tích, chấn chỉnh, kiến nghị xử lý kịp thời các tổ chức và cá nhân hội viên vi phạm các chuẩn mực, chế độ kế toán và đạo đức nghề nghiệp kế toán kiểm toán. 10 năm qua, nhiều hội viên được Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài chính tặng giấy khen, bằng khen.
Thứ sáu, thực hiện tốt chức năng tư vấn khoa học và phản biện xã hội của Hội nghề nghiệp. Chi hội thường xuyên tạo điều kiện và tổ chức để hội viên được tiếp cận các chính sách chế độ mới và tham gia vào việc tư vấn, phản biện các dự án Luật, các chính sách kinh tế tài chính, kế toán và kiểm toán và người hành nghề tham gia vào các dự thảo chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là cơ hội và cũng là điều kiện để Hội viên nắm hiểu và nắm chắc các quy đinh luật pháp, các cơ chế chính sách của nhà nước trong hoạt động nghề nghiệp và cung cấp dịch vụ. Từ thực tế hoạt động nghề nghiệp, nhiều ý kiến đóng góp của Hội viên của chi Hội được các cơ quan nhà nước tiếp nhận và góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách luật pháp của nhà nước, đặc biệt là chính sách tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán.
Thứ bảy, bộ máy lãnh đạo và điều hành của Chi hội ngày càng được tăng cường và củng cố. Ban lãnh đạo, các ban chuyên môn và các Ủy viên Ban chấp hành đều nhiệt tình trách nhiệm, năng nổ, trí tuệ vì tổ chức nghề nghiệp. Hai văn phòng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động tích cực và có hiệu quả kể cả cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm.
Những vấn đề đặt ra cho Chi hội trong thời gian tới:
Những hoạt động và thành tựu đạt được của Chi hội kế toán hành nghề trong 10 năm qua là đáng khích lệ và trân trọng. Tuy nhiên cũng phải thấy những hạn chế và những vướng mắc cần tháo gỡ để chi hội tiếp tục pháp triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán Việt Nam đầy tiềm năng.
Một là, quy mô thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam còn nhỏ hẹp, thị phần cho các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, số lượng khách hàng hạn chế và chủ yếu là khách hàng quy mô nhỏ.
Hai là, chất lượng dịch vụ kế toán đã được nâng lên đáng kể, song chưa đạt được như mong muốn và còn khoảng cách xa so với kỳ vọng của xã hội. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ kế toán có chất lượng tốt được các khách hàng nước ngoài chấp nhận kể cả các khách hàng khó tính như các doanh nghiệp Nhật Bản, Pháp, Úc, Hàn Quốc…..nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa có chất lượng đảm bảo, chưa chiếm được lòng tin của khách hàng. Có giám đốc doanh nghiệp dịch vụ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ kế toán cung cấp. Việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán chưa được quan tâm đúng mức. Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật trong quá trình hành nghề, chưa chấp hành các quy định về Chế độ kế toán, hiểu và nắm các quy định nghiệp vụ chưa tốt, còn để xảy ra sai sót trong việc xử lý chứng từ kế toán, sử dụng TK, phương pháp hạch toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính.
Phương hướng phát triển tổ chức nghề nghiệp
Chiến lược phát triển kế toán và kiểm toán đến năm 2030 đã xác định Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục phát triển thị trường dịch vụ kế toán với quy mô phù hợp, với đội ngũ kế toán viên có chứng chỉ theo chuẩn khu vực, thỏa mãn yêu cầu các doanh nghiêp trong nền kinh tế thị trường mở cửa. Với những mục tiêu cụ thể:
– Nâng cao chất lương dịch vụ kế toán, nâng cao năng lực tổ chức quản lý, tăng cường hỗ trợ quản lý của tổ chức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn của các kế toán viên, các chuyên gia kế toán.
– Phát triển các công ty dịch vụ kế toán với quy mô hợp lý, đủ mạnh, hoạt động đa dạng để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường Việt Nam. Gia tăng số lượng KTV có chứng chỉ. Đảm bảo các kế toán viên được thường xuyên bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp.
– Xác lập và nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán trong hỗ trợ và quản lý dịch vụ kế toán, kế toán viên hành nghề theo thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Tăng cường năng lực của tổ chức nghề nghiệp, phát triển VICA thành tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao.
Phương hướng và nhiệm vụ phát triển tổ chức nghề nghiệp kế toán
Với mục tiêu củng cố và phát triển Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam trở thành tổ chức nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao, thành viên tích cực của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, góp phần tích cực vào phát triển hệ thống kế toán kiểm toán và thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán Việt Nam, Chi hội Kế toán hành nghề cần triển khai các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tập hợp đông đảo hơn nữa những người hành nghề kế toán kiểm toán vào tổ chức nghề nghiệp kế toán. Muốn vậy cần tăng cường tuyên truyền quảng bá về nghề nghiệp, nâng cao và thống nhất nhận thức về dịch vụ kế toán, về nghề nghiệp kế toán trong nền kinh tế thị trường. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để xây dựng Hội hành nghề kế toán, tổ chức thành viên của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Tăng cường bộ máy lãnh đạo, các ban chuyên môn và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Hội. Xây dựng và triển khai các hoạt động nghề nghiệp, cuốn hút sự tham gia của các hội viên và nâng cao sự hấp dẫn, vị thế của Hội.
Thứ hai, có biện pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, tăng quy mô của thị trường dịch vụ. Những người hành nghề kế toán không được bằng lòng với quy mô và chất lượng dịch vụ hiện tại, cần có khát vọng và niềm tự hào nghề nghiệp để liên kết, hợp tác, tìm mọi cơ hội phát triển thị trường dich vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Củng cố và mở rộng quy mô các doanh nghiệp dịch vụ hiện có. Tạo điều kiện và cơ hội để hình thành một số doanh nghiệp đa sở hữu, đa ngành, trong đó có dịch vụ kế toán là nòng cốt, với nhiều loại hình dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của một nền kinh tế mở. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam phải có khoảng 300 – 400 công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kế toán.
Chất lượng dịch vụ kế toán quyết định sự tồn tại và phát triển của các Công ty dịch vụ. Vì vậy, cần đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ trên tất cả các mặt: Tôn trong luật pháp, quy trình, độ tin cậy của thông tin kế toán và sự thỏa mãn của khách hàng, của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sự chất lượng dịch vụ, chất lượng kế toán viên và sự đáp úng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, quảng bá về dịch vụ kế toán, về nghề nghiệp kế toán. Hơn ai hết, chính chúng ta, những người làm nghề dịch vụ kế toán phải tuyên truyền, quảng bá và tự tôn vinh nghề nghiệp, tự thể hiện những phẩm chất và niềm tự hào về nghề nghiệp. Từ đó tác động đến xã hội, đến nhà nước có những thay đổi cần thiết trong nếp nghĩ, cách nhìn, hành động đối với nghề kế toán và dịch vụ kế toán.
Thứ ba, Hội cần chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội về chính sách Luật, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về dich vụ kế toán nhằm tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ kế toán.
Trước mắt, hội viên cần dành thời gian và tâm huyết tham gia sửa đổi hoàn thiện Luật kế toán 2015, Luật Kiểm toán độc lập 2011 và các chính sách tài chính, kế toán, kiểm toán. Cần hoàn thiện các quy trình cung cấp dịch vụ, kiểm soát chất lượng dịch vụ. Có kiến nghị với nhà nước để nhà nước có chính sách hợp lý phát triển và vận hành thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Thứ tư, tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng năng lực và kỹ năng của Kế toán viên hành nghề.
Năng lực, kỹ năng, trình độ và phẩm chất kế toán viên có vai trò quyết định đối với chất lượng dịch vụ kế toán. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng kế toán viên cả về năng lực, trình độ, kỹ năng và phương pháp công tác. Vì vậy, cần đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức thi, cấp chứng chỉ kế toán viên. Cần trang bị cho hội viên không chỉ kiến thức nghề nghiệp, hiểu biết về luật pháp về chuyên môn mà quan trọng hơn là kỹ năng hành nghề, kỹ năng cung cấp dịch vụ, khả năng ứng xử trong quan hệ giao tiếp và cung cấp dịch vụ. Hội cần tăng cường các quan hệ hợp tác, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ và phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA ÚC, CIMA, IMA để xây dựng chương trình đào tạo kế toán viên chuyên nghiệp của Việt Nam. Cần hướng tới đảm bảo cho kế toán viên có chứng chỉ của Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực và sự công nhận của khu vực ASEAN.
Tin tưởng ràng, phát huy những kết quả đã đạt được, với đội ngũ lãnh đạo, với BCH trí tuệ, nhiệt tâm, với đội ngũ hội viên ngày càng đông đảo tâm huyết, yêu nghề, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, sự lãnh đạo và ủng hộ mạnh mẽ từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, Chi hội và sẽ là Hội Kế toán viên hành nghề, tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp kế toán chắc chắn sẽ thành công trên những chặng đường phát triển.
Ban biên tập