Tìm giải pháp để sớm ban hành quy phạm pháp luật về thuế tối thiểu toàn cầu
Phóng viên: Hiện nay, Việt Nam đang “chạy đua” với các nước để đảm bảo thời gian thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Thành Vinh: Khi các quốc gia sở hữu dòng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam áp dụng các quy định Trụ cột 2 trong Chương trình hành động BEPS liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu, quyền đánh thuế và lợi ích quốc gia của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Các quốc gia đứng đầu trong danh sách đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Singapore hay Hàn Quốc đều đã xây dựng kế hoạch triển khai cho riêng mình thông qua việc thực hiện các điều chỉnh cần thiết trong hệ thống pháp luật nội địa để có thể triển khai áp dụng Trụ cột 2 trong thời gian sớm nhất (năm 2024 cho Hàn Quốc và năm 2025 cho Singapore - PV).
Đây thực sự là một thách thức đối với Việt Nam khi chúng ta là thành viên của BEPS và đã tham gia vào Tuyên bố chung về Trụ cột 2. Việt Nam cần phải ban hành các chính sách mới để thực thi quyền đánh thuế bổ sung tối thiểu theo các nguyên tắc của Trụ cột 2. Đặc biệt, khi một số quốc gia đã luật hóa và tuyên bố áp dụng từ năm 2024, Việt Nam cũng cần xem xét để luật hóa trong năm 2023 để có thể áp dụng được từ ngày 1/1/2024.
Phóng viên: Vậy, để có thể áp dụng được các nguyên tắc của Trụ cột 2, trước tiên, Việt Nam cần chú ý đến những nội dung gì liên quan đến hình thức văn bản quy phạm pháp luật để quy định về thuế bổ sung tối thiểu, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thành Vinh: Theo các điều khoản trong Tuyên bố chung của OECD về Giải pháp 2 Trụ cột, bao gồm Trụ cột 2 và vấn đề liên quan đến thuế bổ sung tối thiểu, nếu các quốc gia là thành viên của Khuôn khổ hợp tác toàn diện BEPS, trong đó có Việt Nam chấp nhận áp dụng các nguyên tắc chống xói mòn cơ sở toàn cầu (Global anti-Base Erosion Rules - GloBE), thì quốc gia đó sẽ thực hiện các nguyên tắc về thuế bổ sung tối thiểu thống nhất với với các hướng dẫn của OECD về Trụ cột 2. Về mặt kỹ thuật, các quy tắc và hướng dẫn của OECD liên quan đến thuế bổ sung tối thiểu là tương đối chi tiết.
Bên cạnh đó, do đây là một chính sách thuế mới, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải được quyết định bởi Quốc hội. Như vậy, về cấp độ văn bản quy phạm pháp luật, quy định về thuế bổ sung tối thiểu phải được ban hành dưới dạng luật và phải được Quốc hội thông qua.
Một hình thức văn bản pháp luật khác cũng cần được xem xét đó là nghị quyết của Quốc hội. Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành nghị quyết trong một số trường hợp, đơn cử như Nghị quyết của Quốc hội quy định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo đó, nếu Tuyên bố chung về Trụ cột 2 và các quy tắc liên quan được xem là điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì Quốc hội có thẩm quyền ban hành nghị quyết để phê chuẩn điều ước quốc tế.
Tất nhiên, như chúng ta đã biết, thông thường một văn bản luật hoặc nghị quyết của Quốc hội, sẽ chỉ đặt ra những chính sách cơ bản, mà không đi sâu vào các chi tiết thực hiện, nhằm tránh nguy cơ phải sửa đổi luật hoặc nghị quyết nhiều lần. Tiếp sau đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, và/hoặc các văn bản dưới Nghị định để hướng dẫn triển khai. Như vậy, sau khi Quốc hội thông qua Luật hay Nghị quyết thì Chính phủ và cơ quan cấp bộ cần phải ban hành các quy định pháp luật hướng dẫn thực hiện luật hay nghị quyết.
Các lựa chọn nêu trên có những khác biệt về quy trình và thời hạn đặt ra một thực tế khách quan rằng, Việt Nam cần có sự linh hoạt trong việc vận dụng lựa chọn và sử dụng văn bản quy phạm pháp luật nào để đảm bảo hai yếu tố: tính hợp pháp và hiệu quả về mặt thời gian.
Theo quy trình chung đối với một văn bản luật hoặc nghị quyết trọng yếu của Quốc hội, công việc trước tiên là phải lập đề nghị xây dựng văn bản pháp luật. Trong quy trình này, cơ quan đề nghị cần thực hiện báo cáo đánh giá tác động, cũng như lấy ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản pháp luật trong 30 ngày. Tiếp theo đó, là quy trình thẩm định của các bộ, ngành liên quan và Bộ Tư pháp.
Sau đó, hồ sơ đề nghị cần được trình lên Chính phủ thảo luận, trước khi chuyển sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định việc đưa văn bản này vào dự thảo chương trình xây dựng văn bản pháp luật hàng năm của Quốc hội để Quốc hội thông qua. Với quy trình này, việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản pháp luật cần được thực hiện xong trước ngày 1/3 hàng năm để đưa vào chương trình năm sau của Quốc hội.
Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể cân nhắc điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội sau thời điểm ngày 1/3 hàng năm. Tuy nhiên, dù trong trường hợp đó, việc lập đề nghị xây dựng văn bản pháp luật vẫn phải được thực hiện.
Phóng viên: Với khối lượng công việc nêu trên, bước lập đề nghị xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi rất nhiều thời gian. Vậy làm sao để có thể đảm bảo tiến trình áp dụng tại Việt Nam, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thành Vinh: Sau khi được đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội, khâu soạn thảo văn bản pháp luật sẽ được triển khai. Ở bước này, việc áp dụng một quy trình rút gọn nhằm rút ngắn quy trình soạn thảo được pháp luật hiện hành cho phép.
Ví dụ, thời hạn lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo theo quy trình chuẩn là 60 ngày cùng với yêu cầu đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử, thì có thể rút ngắn xuống 20 ngày theo trình tự thủ tục rút gọn. Đồng thời, thời hạn để các bộ ngành liên quan tiến hành thẩm định, cho ý kiến cũng được rút ngắn lại.
Về phía Quốc hội, thông thường, Quốc hội sẽ họp xem xét thông qua dự thảo luật trong tối đa 3 kỳ họp, hoặc tối đa 2 kỳ họp đối với Nghị quyết. Với trình tự thủ tục rút gọn, việc thông qua có thể được thực hiện trong 1 kỳ họp gần nhất. Xét việc Quốc hội chỉ họp 1 năm 2 kỳ, trừ khi có yêu cầu họp bất thường, thì trình tự thủ tục rút gọn nêu trên, về mặt lý thuyết, sẽ giúp rút ngắn thời gian ban hành.
Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, việc áp dụng trình tự thủ tục rút gọn này cũng cần được Quốc hội thông qua, tức là phát sinh thêm một bước thủ tục so với quy trình thông thường.
Xét các yếu tố về trình tự nêu trên, sẽ cần rất nhiều thời gian để thuế bổ sung tối thiểu được luật hóa và có thể đi vào thực thi nếu Việt Nam lựa chọn thực hiện theo những quy trình thông thường.
Do đó, cần tính tới các giải pháp khác hiệu quả để rút ngắn thời gian ban hành quy phạm pháp luật về thuế bổ sung tối thiểu. Đơn cử, một giải pháp có thể hài hòa cả hai yếu tố: Tính hợp pháp và hiệu quả về mặt thời gian nêu trên, đó là ban hành một Nghị quyết của Quốc hội đối với một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trong đó bao gồm việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
Do giải pháp này không yêu cầu phải thực hiện quy trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản pháp luật, đây có thể là một giải pháp giúp rút ngắn thời gian để luật hóa thuế bổ sung tối thiểu.
Phóng viên: Một vấn đề pháp lý khác cũng được đặt ra trong bối cảnh áp dụng thuế bổ sung tối thiểu là đảm bảo sự ổn định của môi trường đầu tư. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thành Vinh: Trong bối cảnh áp dụng thuế bổ sung tối thiểu, việc tiếp tục áp dụng các ưu đãi đầu tư có thể có một số hạn chế. Do đó, để duy trì sự thu hút cho môi trường đầu tư tại Việt Nam, Chính phủ cần tạo sự linh hoạt trong việc khuyến khích đầu tư nhằm cân bằng lợi ích quốc gia và lợi ích nhà đầu tư thông qua các hình thức mới phù hợp với các chuẩn mực mà OECD đặt ra cho mục đích phù hợp với Trụ cột 2.
Thực tế, Luật Đầu tư hiện đã quy định một số hình thức hỗ trợ đầu tư gồm: Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ tín dụng; Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước; Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Mặc dù vậy, trên thực tiễn, các biện pháp hỗ trợ đầu tư này mới chỉ được triển khai một cách hạn chế trong bối cảnh thiếu những văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ. Do đó, Chính phủ cần rà soát các công cụ hiện có, như là các hình thức hỗ trợ đầu tư nêu trên, để tìm hướng triển khai phù hợp thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư mới nhằm giữ chân nhà đầu tư hiện tại và thu hút các dòng vốn đầu tư. Trong trường hợp đó, các hình thức hỗ trợ đầu tư mới có thể cần phải được quy định trong luật, thông qua việc sửa đổi Luật Đầu tư trong năm 2023 và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn:Thùy Linh. tapchitaichinh.vn