Thừa Thiên Huế phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế xanh
Trồng rau hữu cơ ở Quảng Điền./tapchiketoankiemtoan.vn
Phù hợp với định hướng phát triển
Theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển kinh tế xã hội bền vững trên nền tảng bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, Huế đang ở vị thế thuận lợi trong kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng xanh.
Tại hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, đầu tư tăng trưởng xanh là định hướng xuyên suốt mà Thừa Thiên Huế hướng đến. Trọng điểm phát triển kinh tế được quán triệt với ngành du lịch là mũi nhọn, công nghệ thông tin là đột phá và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đối với đầu tư công nghiệp, tỉnh luôn đưa ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường như đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải; trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy, khu công nghiệp; nói không với các dự án lớn nhưng có ảnh hưởng đến môi trường. Về nông nghiệp, Huế đang hợp tác với các tập đoàn lớn triển khai nông nghiệp hữu cơ để vừa tăng trưởng kinh tế vừa giảm khí thải ngành nông nghiệp.
Thừa Thiên Huế đang là một trong những tỉnh tích cực thí điểm chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính như: khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, phong trào chạy bộ, giao thông điện, giao thông công cộng; thay thế hệ thống chiếu sáng công cộng bằng công nghệ tiết kiệm điện; kêu gọi các dự án đầu tư năng lượng tái tạo;…
Đô thị xanh, thành phố sạch
Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia” với mật độ cây xanh trên đầu người là 12,9m2/người (2022), cao hơn chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2.
Huế là một trong ba tỉnh thành của cả nước có hệ thống giao thông xanh./tapchiketoankiemtoan.vn
Huế được ASEAN vinh danh là Thành phố Du lịch Sạch ASEAN 2020-2022 với 7 tiêu chí: quản lý môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; có các điều kiện tốt đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn… Với quá trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, Huế luôn đứng trên quan điểm bảo tồn nên đã gìn giữ được tài nguyên thiên nhiên tương đối hài hòa, tạo điểm xuất phát thuận lợi trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo các tiêu chuẩn xanh.
Trên thế giới, nhiều mô hình kinh tế xanh đã chuyển đổi thành công về cả tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân. Châu Âu với các nước Đức, Đan Mạch, Anh, Pháp, Thụy Điển, Bỉ; châu Mỹ với Hoa Kỳ, Canada, Brazil; châu Á là Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản. Mỗi nước đều dựa trên thế mạnh về công nghệ và lợi thế tài nguyên thiên nhiên mà xây dựng nền kinh tế xanh đặc trưng riêng.
Huế cần xây dựng một nền kinh tế xanh dựa trên lợi thế riêng để có thể tập trung được nguồn lực về con người và tài chính, nhằm đi đúng hướng và gia tăng giá trị kinh tế bền vững, dài hạn. Về ngành kinh tế mũi nhọn, Huế cần hình thành sự liên kết giữa các ngành du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục, bất động sản xanh trên nền tảng thế mạnh đô thị xanh. Về giao thông, Huế cần có tiến trình rõ ràng quy hoạch mạng lưới theo hướng khuyến khích phát triển xe đạp, đi bộ, xe điện và giao thông công cộng; hạn chế sự phát triển xe sử dụng năng lượng hóa thạch, đặc biệt ô tô. Đối với xử lý rác thải, Huế cần đặt mục tiêu giảm tỉ lệ chôn lấp rác về 0% và tái sử dụng bao bì, nhựa, ni lông.
Cần hành động quyết liệt
Kinh tế xanh đã được minh chứng là con đường phát triển bền vững về dài hạn, mang lại đời sống đầy đủ và hạnh phúc cho người dân địa phương. Huế có nhiều lợi thế ban đầu để phát triển kinh tế xanh, nên cần có kế hoạch hành động quyết liệt để không chỉ xanh hóa Huế mà còn góp phần cho một Việt Nam xanh và một thế giới an toàn với BĐKH, cụ thể đó là: Huế cần thực hiện hiệu quả các chương trình tài trợ của nước ngoài về bảo vệ môi trường để làm cơ sở kêu gọi sự hỗ trợ của các nước. Bên cạnh đó, Huế cần học hỏi các nước xây dựng nguồn ngân sách đối ứng để thực hiện các chương trình mục tiêu lớn. Xây dựng chỉ số đánh giá môi trường như chỉ số xanh, đo lường tác động môi trường hắng năm để làm cơ sở thuyết phục nhà đầu tư và người dân cùng đồng hành với kế hoạch phát triển kinh tế xanh của tỉnh. Cần có quy hoạch rõ ràng với sự tham gia của người dân trong quá trình xanh hóa đô thị như trồng cây, cải thiện môi trường nước, thu gom xử lý rác; chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng; đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế để đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch kinh tế xanh và cập nhật các giải pháp mới, phù hợp với địa phương.
Nguyễn Quốc Anh/baothuathienhue.vn
Nguồn: Thừa Thiên Huế phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế xanh