Tăng thuế là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tác hại thuốc lá
Tăng thuế không phải nguyên nhân chính gây buôn lậu thuốc lá
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội chiều 27/11, các đại biểu đã nhất trí cao với việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Các ý kiến đều cho rằng việc này sẽ giải quyết những hạn chế của luật hiện hành, hiện thực hóa các chính sách của Đảng, điều chỉnh tiêu dùng phù hợp với xu thế xã hội, đồng thời thúc đẩy mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và hài hòa với xu hướng cải cách thuế toàn cầu.
Đề cập đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh rằng thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ hữu hiệu để Nhà nước kiểm soát sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt nhằm hạn chế các sản phẩm không có lợi cho kinh tế - xã hội.
Từ những tác động nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe và nền kinh tế - xã hội, đại biểu đánh giá cao đề xuất của Chính phủ về hai phương án tính thuế đối với thuốc lá điếu trong dự thảo Luật sửa đổi. Đáng chú ý, phương án áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế suất và thuế tuyệt đối, có lộ trình tăng dần thuế tuyệt đối để đến năm 2030 đạt mức 10.000 đồng/bao thuốc, hướng tới tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ đạt 75% như khuyến nghị của WHO, đồng thời giảm tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá xuống dưới 36%.
Theo bà Thúy, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất và mức thuế thấp nhất thế giới, trong khi tỷ lệ người hút thuốc lá trưởng thành lại cao. Điều này dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế và gánh nặng y tế. Kinh nghiệm từ các quốc gia và khuyến cáo của WHO cho thấy tăng thuế là giải pháp chính sách hiệu quả nhất.
Trước ý kiến lo ngại rằng tăng thuế sẽ dẫn đến gia tăng thuốc lá nhập lậu, bà Thúy phản biện rằng người tiêu dùng không phải lúc nào cũng chọn thuốc lá vì giá rẻ. Thực tế, 80% lượng thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam thuộc các thương hiệu như Jet và Hero, vốn có giá cao hơn 30-60% so với thuốc lá hợp pháp. Đây là các loại thuốc có hàm lượng nicotine cao, được những người hút lâu năm ưa chuộng. Do đó, tăng thuế không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến buôn lậu.
Bà đề nghị Chính phủ xem xét phương án áp dụng thuế suất 75% cộng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao vào năm 2026, tiến tới mức 15.000 đồng/bao vào năm 2030, đồng thời tăng dần qua từng năm để đạt mục tiêu của Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của Liên hợp quốc.
Giải pháp giảm tiêu thụ thuốc lá hiệu quả
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh thuốc lá không chỉ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người mà còn làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, cháy nổ và tạo gánh nặng y tế. Ông đề xuất áp dụng phương án tăng thuế theo đề xuất của Chính phủ để giảm mạnh tiêu thụ thuốc lá.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cần quy định mức thuế tuyệt đối cụ thể trên từng bao thuốc, đồng thời bổ sung rõ hơn các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn đóng gói thuốc lá theo quy định hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) chia sẻ kinh nghiệm từ Thái Lan và Philippines, nơi việc tăng thuế thuốc lá định kỳ không chỉ giúp giảm tiêu dùng mà còn tăng thu ngân sách. Bà nhấn mạnh, kết hợp giữa tăng thuế, đẩy mạnh tuyên truyền, thực thi nghiêm cấm quảng cáo và hút thuốc nơi công cộng, cùng với kiểm soát buôn lậu, sẽ mang lại hiệu quả toàn diện trong việc giảm tác hại của thuốc lá.