Sắp thanh tra diện rộng phí bảo trì chung cư
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021 đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tập trung thanh tra đối với chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt, không chấp hành các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại một số địa phương.
Kết thúc đợt thanh tra trên địa bàn Hà Nội, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 Ban quản trị tại 24 nhà chung cư, cụm nhà chung cư; buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng; buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (có giá trị khoảng 62,40 tỷ đồng); xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư, tổng số tiền 1,03 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cũng tổng kết, có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài:
Thứ nhất là nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc và sự hợp tác thiếu thống nhất giữa chủ đầu tư và Ban quản trị.
Thứ hai, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung.
Thứ ba, chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công nhưng không có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức.
Thứ tư, chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư không thống nhất được các phần diện tích, nhất là phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.
Thứ năm, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị.
Thứ sáu, chủ đầu tư và Ban quản trị chưa quyết toán số liệu (gốc và lãi) kinh phí bảo trì nhưng chủ đầu tư đã bàn giao và Ban quản trị đã nhận số tiền kinh phí bảo trì.
Thứ bảy, một số chính quyền cấp xã, cấp huyện xử lý chưa triệt để nhiều kiến nghị, tranh chấp tại nhà chung cư của địa phương mình.
Để chấn chỉnh và giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1 Điều 85 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với công an trên địa bàn để xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định; kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thực hiện quy định tại Điều 50 Thông tư số 02/2016/TT-BXD. Đồng thời, phối hợp với Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ, tổng hợp những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về nhà ở, kiến nghị với lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.
Để giải tỏa tận gốc những tranh chấp về phí bảo trì chung cư như hiện nay, Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Lawfirm chỉ rõ cần triệt để thực hiện quy định người mua, thuê mua nhà chung cư đóng phí bảo trì vào một tài khoản độc lập với tài khoản thanh toán của chủ đầu tư.
Theo Luật sư Tú, hiện nay, theo quy định tại điều 36 Nghị định 30/2021 thì việc mở tài khoản này vẫn được giao cho chủ đầu tư thực hiện. Nếu người mua nhà có thể đóng thẳng vào ngân hàng do đại diện sở xây dựng là chủ tài khoản và tài khoản này sẽ bàn giao lại cho ban quản trị chung cư ngay sau khi ban quản trị được thành lập sẽ triệt để hơn.
“Bên cạnh đó, để chấm dứt tình trạng “mắt nhắm, mắt mở” của các địa phương cho những chủ đầu tư cố tình “om” quỹ bảo trì thiết nghĩ cần quy trách nhiệm người đứng đầu quyết liệt hơn nữa” – ông Tú bày tỏ quan điểm.
Theo Phương Uyên/diendanbatdongsan.vn