Quy hoạch Hà Nội: Cơ hội phát triển giá trị sông Hồng
Hai bên sông Hồng được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển đô thị.
Tiềm năng phát triển đô thị hai bên sông Hồng
Giá trị hai bên sông Hồng đang tiếp tục có cơ hội phát triển, mang dáng dấp và đẳng cấp mới khi mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phạm vi ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã). Quy mô lập quy hoạch hơn 3.359km2.
Mục tiêu nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là phát triển Thủ đô trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà. Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.
Điều đáng chú ý, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thì sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Cụ thể, khu vực phía Bắc Thủ đô sẽ có các khu đô thị, thành phố vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía Tây có các thành phố, khu đô thị vùng Hòa Lạc, Xuân Mai. Đồng thời, xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.
“Xây dựng Hà Nội phát triển liên kết vùng để Thủ đô là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc (vùng Đồng bằng sông Hồng), trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới”, Chính phủ định hướng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Hà Nội quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Hà Nội cũng được giao đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục tồn tại về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông. Cụ thể là điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia (đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt) gắn với lộ trình triển khai theo từng giai đoạn. Thành phố nghiên cứu rà soát bổ sung các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông chính khác.
Sẽ hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước
Trước đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai, giới chuyên gia cho rằng thành phố chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô; quy mô dân số vượt ngưỡng dự báo. Một số vấn đề chưa được đề cập tại quy hoạch chung như đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị. Do đó, việc thay đổi quy hoạch là cần thiết, tạo điều kiện để Vùng Thủ đô phát triển tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), không gian dọc hai bên bờ sông Hồng rất đẹp, thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu đô thị, dân cư. Theo phân tích của ông Chính, từ ngàn đời nay, tâm lý con người nói chung và người Việt Nam nói riêng thích sinh sống ở khu vực bằng phẳng, gần sông nước. Hai bên bờ sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội có địa hình bằng phẳng, những dải đất rộng nối tiếp nhau. Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng. Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, những quảng trường và nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông. Khác với hiện nay, đa số nhà cửa, phố xá đều quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng khá nhếch nhác.
Cũng theo Chủ tịch VUPDA, đồ án quy hoạch của người Hàn Quốc trước đây cho Hà Nội được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch trên không còn phù hợp. Điều đáng mừng, khi Hà Nội mở rộng, đồng nghĩa với việc diện tích ven sông Hồng được mở rộng gấp thêm nhiều lần, tạo thêm không gian, rất tốt để Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị được tốt hơn, đẹp hơn, ý tưởng phong phú hơn. “Với diện tích đó, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới” - ông Chính nói.
Chuyên gia này đánh giá, sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội rất đẹp, uốn lượn từ phía Bắc chảy xuống, mang theo phù sa và những làn gió mát cho hai bên sông. Phong cảnh hai bờ sông đẹp, nhưng rất tiếc hiện nay tại đây có nhiều khu dân cư tự phát, nhếch nhác, mất tính thẩm mỹ. Đặc biệt, nhiều đoạn sông chưa được quản lý tốt; hạ tầng điện, nước, thoát nước nhiều khu vực ven sông chưa đồng bộ, còn yếu kém và thiếu quy hoạch tầm nhìn nên chưa thu hút được đầu tư. “Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước” - ông Chính kỳ vọng.
Minh Hữu/baophapluat.vn
Nguồn: Quy hoạch Hà Nội: Cơ hội phát triển giá trị sông Hồng