PV GAS: Những con số "biết nói" và sự đồng lòng quyết tâm vượt kế hoạch

13:04 28/07/2023
Cỡ chữ

Lợi nhuận trước thuế trên 7,5 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Thời gian qua, kinh tế thế giới liên tục biến động nhanh, khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn; cuộc cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng lên rất nhanh, kéo dài.  

Cùng với đó tình hình trong nước thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn trong bối cảnh chi phí tăng, đơn hàng giảm. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Quý I/2023 chỉ đạt 3,32% và Quý II tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với Quý I nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đặt ra và chỉ cao hơn cùng kỳ 2020, mức đáy của giai đoạn 13 năm, do Covid xuất hiện.

kho cang

Kho cảng PV GAS Vũng Tàu. https://tapchiketoankiemtoan.vn

PV GAS là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN), với các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khí, trải dài từ khâu tồn trữ, vận chuyển, nhập khẩu đến phân phối các sản phẩm khí, bao gồm khí khô (Natural Gas - NG), khí dầu mỏ hóa lỏng (Liquefield Petroleum Gas - LPG), khí nén (Compressed Natural Gas - CNG) và LNG.

6 tháng đầu năm, ngoài chịu tác động của những yếu tố vĩ mô, PV GAS cũng phải đối mặt với không ít khó khăn khi giá dầu Brent, giá CP của LPG biến động mạnh, giảm trong 3 tháng gần đây và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Một số lô/mỏ của các hệ thống khí thực hiện dừng/giảm cấp khí về bờ để thực hiện bảo dưỡng sửa chữa/khắc phục lỗi hệ thống thiết bị với thời gian tương đối dài; sản lượng của một số hệ thống khí giảm so với cùng kỳ năm 2022 (Cửu Long, Nam Côn Sơn 1, Hàm Rồng - Thái Bình).

Trong bối cảnh khó khăn “tứ bề” suốt 6 tháng đầu năm, Ban lãnh đạo PV GAS đã quyết liệt hành động, triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp ngay từ những ngày đầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Kết quả, các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã được PV GAS kiểm soát, bám sát kế hoạch, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cụ thể, PV GAS cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng Công ty đã hoàn thành và hoàn thành vược mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, chỉ tiêu sản lượng ước tính vượt từ 3-15%; doanh thu vượt từ 13-17%; lợi nhuận trước thuế và sau thuế vượt từ 81-83%; nộp ngân sách Nhà nước vượt từ 57-60% kế hoạch 6 tháng.

Cùng với đó, PV GAS tiếp nhận trên 4,1 tỷ m3 khí ẩm, sản xuất và cung cấp trên 3,9 tỷ m3 khí khô; sản xuất 46,4 nghìn tấn condensate; sản xuất và kinh doanh gần 1,1 triệu tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế gần 0,3 triệu tấn); Tổng doanh thu đạt trên 45,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 7,5 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 6,1 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách trên 3,1 nghìn tỷ đồng. Với kết quả đó, PV GAS tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước, thị phần bán lẻ LPG chiếm gần 25% trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt; giữ vững vị trí Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường (tổng tài sản gần 83 nghìn tỷ đồng).

Về công tác đầu tư xây dựng, PV GAS hoàn thành phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án NCS2 – giai đoạn 1; hoàn thành công tác chuẩn bị (Xây dựng dự án, thủ tục pháp lý với cơ quan quản lý Nhà nước, các hợp đồng nhập khẩu, mua bán LNG,...); đã tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG đầu tiên và đang chạy thử dự án Kho chứa LNG 1MMTPA tại Thị Vải; tích cực triển khai các dự án khác (Dự án mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm; Dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ; Dự án bồn chứa LPG Thị Vải; Dự án thu gom, vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng; Dự án tách Ethane tại Dinh Cố; Dự án kho LPG lạnh, LNG tại Bắc Bộ;...). Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng Công ty mẹ 565 tỷ đồng.

PV GAS cũng tích cực trong công tác đàm phán, ký kết các hợp đồng thương mại, dịch vụ và hợp tác kinh doanh: Cơ bản hoàn thành ký kết các hợp đồng/thỏa thuận/sửa đổi các phụ lục hợp đồng mua bán khí/dịch vụ với khách hàng theo quy định (với Điện Bà Rịa, PVFCCo, EVN/GENCO3, Lô 06.1, Petrovietnam, các nhà máy điện BOT,...); đã ký hợp đồng với nhà cung cấp LNG, tiếp nhận thành công chuyến hàng đầu tiên cho chạy thử vào ngày 10/7/2023; được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.

Chủ động triển khai hợp tác kinh doanh phù hợp chiến lược phát triển, PV GAS cùng Tập đoàn/các đơn vị trong và ngoài ngành tích cực nghiên cứu/triển khai các dự án với hình thức hợp tác đầu tư, liên kết chuỗi như: triển khai chuỗi Khí – Điện – Cảng dịch vụ với PV Power, PTSC; hợp tác với PVChem về cung cấp nhiệt lạnh từ kho LNG Thị Vải; phối hợp cùng PTSC triển khai các dự án điện gió ngoài khơi,...

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong cho biết, mặc dù khó khăn của kinh tế trong 6 tháng đầu năm cũng như dự báo trong thời gian sắp tới nhưng PV GAS tin tưởng sẽ tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu SXKD của năm 2023 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, cũng như cam kết với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Chính phủ. Với con số dự kiến nộp ngân sách nhà nước trong năm 2023 khoảng hơn 5.500 tỷ đồng, PV GAS đã, đang và sẽ đóng góp tích cực trong giải quyết những khó khăn của nền kinh tế đất nước trong thời gian qua, cũng như năm 2023.

Hướng tới hiện thực hóa khát vọng về một lộ trình “chuyển đổi xanh”

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

Theo nhận định, Quy hoạch điện VIII chính là “bàn đạp” để Việt Nam có thể bứt phá thông qua việc đưa vào quy hoạch các dự án điện LNG, làm tiền đề thúc đẩy hoạt động đầu tư và nhập khẩu loại nhiên liệu này vào Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh sản lượng khí nội địa suy giảm, sự không chắc chắn về tính thời vụ của thủy điện, sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo và lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của sản xuất nhiệt điện than, dầu. 

kho cang 2
 
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa vào sử dụng từ tháng 7/2023. Đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của PV GAS.

Trước đó, việc nhập khẩu LNG đã được xác định là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia. Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”. Do đó, việc nhập khẩu LNG được xác định là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia.

Đầu tháng 5/2023, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chứng nhận Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đủ điều kiện là thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS trong lĩnh vực kinh doanh khí. Với quyết định này, PV GAS trở thành đơn vị đầu tiên có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh, phân phối LNG cho thị trường Việt Nam.

Hiện nay, PV GAS đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xuất nhập khẩu và kinh doanh LNG với Dự án Kho cảng LNG Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới đây (ngày 18/7/2023), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) hoàn thành việc tiếp nhận gần 70.000 tấn LNG đầu tiên về kho cảng Thị Vải. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của PV GAS và góp phần đưa cụm cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ năng lượng thế giới.

Kho LNG Thị Vải là kho LNG đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, có công suất của giai đoạn đầu là 1 triệu tấn/năm, sau đó mở rộng lên 3 - 6 triệu tấn/năm. Kho cảng LNG Thị Vải được kỳ vọng sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa, cùng với việc đầu tư kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ với tổng công suất dự kiến khi hoàn thành lên đến 10 triệu tấn LNG/năm mà PV GAS là đồng chủ sở hữu với tỷ lệ góp vốn chiếm đa số, cơ sở hạ tầng về LNG của PV GAS sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Nam Bộ trong tương lai.

Với sứ mệnh mang nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo PV GAS khẳng định tiếp tục đi tiên phong trong lĩnh vực LNG với định hướng: giữ vững vị trí là doanh nghiệp hàng đầu trong đầu tư và nhập khẩu khí, LNG cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa những khát vọng về một lộ trình “chuyển đổi xanh”, phù hợp với những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việc nhập khẩu, kinh doanh LNG trong năm 2023 sẽ là khởi đầu mới nhiều triển vọng cho PV GAS, xác lập vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS – đơn vị chủ đạo của ngành công nghiệp khí Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS cũng như PVN trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.

Sudo Ecommerce
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo