Phòng giáo dục và đào tạo huyện Bảo Lâm: Hoàn thành tốt mục tiêu năm học 2021 – 2022
Nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ kép
Năm 2022, ngành GD&ĐT Bảo Lâm đã tập trung nỗ lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ kép; quyết liệt huy động tối đa các nguồn lực đầu tư triển khai nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phòng chống Covid-19. Chuyển mạnh từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chỉ đạo 100% các đơn vị trường tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Quan tâm chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ giáo viên và học sinh, giáo dục ý thức học tập, nâng cao ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ đạo các đơn vị trường kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’’, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm học. Kết quả tất cả trường trực thuộc đã kiện toàn được Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm học. Tiếp tục đưa ra các giải pháp để khắc phục hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, tăng cường học buổi chiều, có kế hoạch phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Thực hiện việc khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu từ đầu năm học. Từ các giải pháp trên đã khắc phục được hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, yếu kém, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi. Chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện tốt việc giáo dục tư tưởng chính trị, văn hoá truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội. Tất cả các đơn vị trường đã tổ chức lồng ghép các nội dung giáo dục trong các bài giảng chính khoá cũng như các hoạt động ngoại khoá. Phát động tháng “An toàn giao thông”, “Tháng khuyến học”, công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học. Ngoài ra cũng chú trọng công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích… với học sinh trong các buổi học chính khoá và các hoạt động ngoại khoá. Các trường trực thuộc Sở GD&ĐT thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Thực hiện tốt và có hiệu quả các chế độ hỗ trợ học sinh như: Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Nghị định 116/2016/NĐ-CP, Nghị định 57/2017/NNĐ-CP, Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Thông tư 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC… Tiếp tục đưa ra các giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học và mầm non. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị trường về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Hoàn thành kế hoạch và báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục ở tất cả các đơn vị trường. Công tác đánh giá chất lượng giáo dục các nhà trường: Công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được Phòng GD&ĐT chú trọng thông qua các hình thức tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về cách ra đề, cách đánh giá cho đội ngũ cốt cán và giáo viên. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn. Xây dựng cơ chế cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục của từng cấp học, bậc học, từng cơ sở giáo dục theo chuẩn phát triển phẩm chất, năng lực người học và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó công tác tham mưu, chỉ đạo, đổi mới hoạt động quản lý ngành, xây dựng quy hoạch phát triển từng giai đoạn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu học tập của người dân, xây dựng mô hình trường học đáp ứng nhu cầu phát triển theo xu thế hội nhập quốc tế, đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học từ mầm non tới trung học cũng được ngành giáo dục tăng cường.
Những kết quả đáng khích lệ
Trong năm học 2021-2022 được sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bảo Lâm, sự giúp đỡ của các ban ngành, cấp ủy, chính quyền, các xã, thị trấn, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, toàn ngành giáo dục và đào tạo Bảo Lâm đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt của học sinh. Công tác duy trì sĩ số được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt. Duy trì và củng cố tốt kết quả PCGD các cấp.Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư. Tích cực đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt kế hoạch các kỳ thi, thanh tra, kiểm tra, khảo sát chất lượng và công tác tự đánh giá, chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học có chuyển biến rõ rệt.Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT trong dạy học. Tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện có 11 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I (trường THCS Pác Miầu, PTDT Nội Trú, PTDTBT TH&THCS Yên Thổ, MN Quảng Lâm, MN Thị trấn, MN Nam Quang, MN Yên Thổ, TH Thị trấn, TH Quảng Lâm, TH Yên Thổ và MN Lý Bôn). Đến cuối năm 2022 phấn đấu đạt 1 trường chuẩn quốc gia mức độ 1 (PTDTBT TH&THCS Vĩnh Phong ). 98% trở lên trẻ 5 tuổi ra lớp đối với vùng thị trấn. 95% trở lên trẻ 5 tuổi ra lớp với các xã. 95% trở lên trẻ độ tuổi tiểu học và 90% trở lên trẻ độ tuổi THCS đi học. Cấp Tiểu học: Xếp loại đạt về năng lực 98% trở lên, xếp loại đạt về phẩm chất 99% trở lên; Học sinh hoàn thành chương trình lớp học (tỷ lệ chuyển lớp) đạt 96%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, học sinh được khen thưởng 40%. Phấn đấu tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và học sinh học 7 buổi/tuần. Cấp THCS: 97% trở lên học sinh xếp loại hạnh kiểm Khá và Tốt; Xếp loại học lực: loại Giỏi 5% trở lên, Khá 40% trở lên, học sinh yếu, kém dưới 2%, còn lại xếp loại trung bình; Học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; Tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 95% trở lên. Duy trì sỹ số học sinh từ 95% trở lên cả 3 cấp học (TH, THCS, THPT). Tăng tỷ lệ đạt giải học sinh giỏi các cấp ở bậc THCS cả về số lượng và chất lượng giải. Tăng cường các giải pháp để khắc phục hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. 100% các trường Tiểu học, THCS thực hiện Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông theo quy định.
Năm học 2021-2022 được xem là năm học vượt khó, tuy nhiên với sự quan tâm toàn diện của tỉnh cùng nỗ lực của toàn ngành, tin rằng ngành GD-ĐT Bảo Lâm vẫn sẽ phát huy những điểm mạnh vốn có, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra, xứng đáng là một trong những điểm sáng dẫn đầu về công tác đào tạo giáo dục của tỉnh Cao Bằng.
PV