Phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long nhằm phát triển du lịch di sản bền vững

10:10 24/12/2022
Cỡ chữ

phat-huy-gia-tri-hoang-thanh-thang-long-nham-phat-trien-du-lich-di-san-ben-vung-20221223100416

Đôi nét về Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long

Tháng 7/2010, Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, “tiêu biểu cho nền văn hiến rực rỡ và những chiến công hiển hách thể hiện ý chí độc lập, tự cường của dân tộc”. Từ năm 866 - 1009, Hoàng thành có tên gọi là Đại La. Năm 1009, vua Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, “với tầm nhìn thiên niên kỷ, với quyết định táo bạo nhưng cũng rất thận trọng, Lý Thái Tổ đã ban hành Chiếu dời đô, chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La “nơi thắng địa, chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Hoàng thành gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ, thế kỉ 7) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Các di tích, di vật và hạ tầng văn hóa chồng xếp lên nhau một cách khá liên tục qua các thời kỳ lịch sử, phản ánh trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn và lâu đời nhất của Việt Nam. Đây là “bộ sử chứng minh cho lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến bằng hiện vật gốc, khách quan và sinh động”.

Giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở chỗ nó gần như là một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long - Hà Nội. Kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... được tìm thấy ở đây là bằng chứng cho thấy Thăng Long đã từng là trung tâm giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật đặc sắc và độc đáo, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010, đúng dịp kỷ niệm Kinh đô Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi, vì “phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm” và vì trên thế giới thật hiếm tìm thấy một di sản nào khác “thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa”. Mặt khác, di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hoạt động du lịch tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, lượng khách du lịch đến Hoàng thành Thăng Long tăng đều qua các năm: năm 2015 đạt 160.400 lượt, năm 2017 đạt 309.000 lượt lượt, năm 2019 số lượng khách đã lên tới 517.476 lượt.

Trước đại dịch COVID-19, năm 2019 được coi là một năm thành công của Du lịch Việt Nam nói chung và các khu di sản thế giới tại Việt Nam nói riêng. Theo thống kê, số lượng khách tham quan tới 8 di sản thế giới ở Việt Nam năm 2019 đều tăng so với năm 2018. Tuy nhiên, khi so sánh với 7 di sản thế giới tại Việt Nam còn lại, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có vị trí khiêm tốn cả về số lượt lẫn doanh thu từ khách du lịch.

Theo kết quả khảo sát 400 du khách đến tham quan Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (285 khách nội địa, 115 khách quốc tế) vào 3 tháng cuối năm 2019, du khách quốc tế đến Hoàng thành Thăng Long từ nhiều quốc gia khác: Trung Quốc chiếm 42,5%, Nhật Bản chiếm 24,3%, du khách đến từ châu Âu chiếm 21,8%, châu Úc chiếm 14,9%, còn lại 11,4% du khách đến từ các quốc gia khác. Trong tổng số khách nội địa, khách đến từ Hà Nội chiếm 37,5%, các tỉnh phía Bắc (Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang) chiếm 26,4%, phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ) chiếm 14,5% và các tỉnh miền Trung là 21,6%. Đáng chú ý, tỷ lệ khách tham quan quay trở lại Hoàng thành Thăng Long từ lần thứ hai trở lên chỉ chiếm 6%, phần nào phản ánh hoạt động du lịch tại đây chưa thực sự hấp dẫn du khách.

Thời gian tham quan Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trung bình là 1.5 - 2 giờ, nếu đi theo đúng lộ trình ở khu di tích và tham quan. Theo nghiên cứu, nếu tự đi tham quan (không có hướng dẫn viên), du khách chỉ đi dạo ngắm cảnh không gian khu di sản trong vòng dưới 1 giờ và thường bỏ qua hoặc không biết đến khu vực 18 Hoàng Diệu (thường là khách nội địa); chỉ có 26,2% du khách tham quan trên 3 giờ (thường là đối tượng đang đi học, đến trải nghiệm học tập theo chương trình). Như vậy có thể thấy, hầu hết khách du lịch chỉ đến tham quan Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong thời gian rất ngắn, do các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách còn hạn chế.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, phần lớn khách du lịch đều khá hài lòng về chất lượng của dịch vụ bán vé tham quan, cũng như chất lượng dịch vụ hướng dẫn vsự hấp dẫn của các di sản văn hóa tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long với số điểm đánh giá trong khoảng 3 đến 4 iểm, thậm chí đạt 5 điểm. Khác với 3 tiêu chí trên, tiêu chí sự hấp dẫn của hoạt động tham quan vsự đa dạng của hoạt động tham quan, trải nghiệm được đánh giá kém hấp dẫn, đơn điệu với số điểm kém và trung bình. Như vậy, hầu hết du khách hiện nay đến đây vẫn chỉ dừng lại ở nhu cầu tham quan là cơ bản…

Một số khuyến nghị

Theo kết quả khảo sát ý kiến đề xuất của du khách về các hoạt động cần làm để thu hút khách tham quan, phát huy hơn nữa giá trị khu Di sản, có 86,8% du khách cho rằng cần tăng cường quảng bá hình ảnh khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Theo đó, cần đầu tư hơn cho trang web quảng bá hình ảnh đến cộng đồng trong nước và quốc tế; ứng dụng công nghệ thực tế ảo để tuyên tuyền, giới thiệu về các giá trị của di sản trên các mạng xã hội; thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm đa dạng, phong phú hơn nhằm thu hút khách tham quan.

Một giải pháp rất quan trọng khác là xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn nhằm giúp khách du lịch “đến gần” hơn với các điểm tham quan (Đoan Môn, Nhà D67, hai căn hầm bí mật của Tổng hành dinh…) hay tham gia vào các hoạt động (dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế, trải nghiệm nước giếng Hoàng cung…).

Liên quan đến đội ngũ hướng dẫn viên ở khu di sản, có 72,6% du khách cho rằng cần tổ chức bồi dưỡng, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn để giúp họ nâng cao kiến thức lịch sử - văn hóa và kỹ năng, nghiệp vụ du lịch phục vụ khách tham quan, chuyển tải những thông tin chính xác, khách quan, khoa học tới du khách...

Để thu hút khách tham quan và phát huy hiệu quả giá trị của khu di sản cần tổ chức quy hoạch mang tính hệ thống và quản lý khoa học, chuyên nghiệp; kết hợp chặt chẽ giữa BQL Di sản với các tổ chức, công ty du lịch; thiết kế các địa điểm nghỉ ngơi, ẩm thực và vui chơi phù hợp. Thường xuyên tái đầu tư, tu bổ, chăm sóc cảnh quan, bảo vệ di vật và các thành tố văn hóa trong không gian di tích, góp phần tăng kinh phí bảo vệ, duy tu, phát hành sản phẩm quảng bá khu di sản.

Cùng với khảo cổ học, vấn đề phục dựng di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lễ hội đèn Quảng Chiếu là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hoàng thành. Đây là lễ hội có từ lâu đời nhưng chỉ được ghi chép một cách sơ sài trên bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng năm 1121 tại chùa Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) và trong "Đại Việt sử ký toàn thư". Thiết nghĩ, việc phục dựng lễ hội này cũng là điều có thể cân nhắc...

https://dulich.petrotimes.vn/

vtr.org.vn

Sudo Ecommerce
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

partner-02
partner-01
partner-06
partner-04
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484

Thông báo