Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) năm 2023
I. Giới thiệu tổng quan về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank)
1. Giới thiệu chung
Thông tin chung
- Tên đăng ký tiếng Việt: NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM
- Tên đăng ký tiếng Anh: VIETNAM JOINT STOCK COMMERCIAL BANK FOR INDUSTRY AND TRADE
- Tên giao dịch: VietinBank
- Giấy phép thành lập: Số 13/GP-NHNN do Ngân hàng Nhà nước cấp ngày 17/6/2022
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Mã số doanh nghiệp: 0100111948 Do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp lần đầu ngày 3/7/2009 Đăng ký thay đổi lần thứ 12 ngày 08/09/2021
- Địa chỉ hội sở chính: 108 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- Số điện thoại: (84-24) 3942 1030
- Số fax: (84-24) 3942 1032
- Website: www.vietinbank.vn
- Mã cổ phiếu: CTG
Sứ Mệnh
Là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông, người lao động, đối tác và cộng đồng.
Tầm Nhìn
- Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đến năm 2030 thuộc Top ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
- Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh nhất và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới.
Triết Lý Hoạt Động
VietinBank là ngân hàng thương mại quốc gia Việt Nam, đóng vai trò trụ cột và chủ lực của nền kinh tế, đồng hành và phụng sự cho sự phát triển của đất nước. VietinBank luôn lấy An toàn - Hiệu Quả - Bền vững là mục tiêu phát triển trong mọi thời kỳ, trên cơ sở thực hành tốt 3 triết lý hoạt động: Khách hàng là trung tâm; Phát triển con người là then chốt và Đổi mới sáng tạo là đột phá.
2. Lĩnh vực kinh doanh
Hoạt động chính của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là thực hiện các giao dịch ngân hàng bao gồm:
- Huy động và nhận tiền gửi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các tổ chức và cá nhân;
- Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức và cá nhân trên cơ sở tính chất và khả năng nguồn vốn của Ngân hàng;
- Thanh toán giữa các tổ chức và cá nhân;
- Thực hiện các giao dịch ngoại tệ, các dịch vụ tài trợ thương mại quốc tế, chiết khấu thương phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác;
- Các dịch vụ ngân hàng khác được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.
3. Ngành kinh doanh chính
- Hoạt động ngân hàng Thương Mại
- Hoạt động ngân hàng khác
- Hoạt động bảo hiểm
- Các hoạt động khác
4. Các mốc lịch sử:
Ngày thành lập: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Niêm yết: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết từ ngày 16/7/2009.
- Loại cổ phiếu: Cổ phiếu phổ thông
- Mã cổ phiếu: CTG
Quá trình hơn 35 năm xây dựng và phát triển:
1. Giai đoạn I (từ tháng 7/1988 - 2000): Thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Công Thương (Nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) hình thành và đi vào hoạt động.
2. Giai đoạn II (từ năm 2001 - 2008): Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Ngân hàng Công Thương về xử lý nợ, mô hình tổ chức, cơ chế chính sách và hoạt động kinh doanh.
3. Giai đoạn III (từ năm 2009 - 2013): Thực hiện thành công cổ phần hóa, đổi mới mạnh mẽ, phát triển đột phá các mặt hoạt động ngân hàng.
4. Giai đoạn IV (từ năm 2014 đến nay): Tập trung xây dựng và thực thi quản trị theo chiến lược, đột phá về công nghệ, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh gắn với bảo đảm hiệu quả, an toàn, bền vững.
II. Phân tích tình hình kết quả kinh doanh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank)
1. Phân tích tình hình kết quả kinh doanh
BẢNG 1. PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ CHUNG TÌNH HÌNH KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (VIETINBANK)
Đơn vị: triệu VNĐ
2. Nhận xét
2.1. Đánh giá khái quát
Theo bảng phân tích trên, có thể thấy được lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong năm 2023 là 19.456.788 triệu đồng, tăng 2.929.129 triệu đồng so với năm 2022 (tương ứng tăng 17,72%). Tuy có sự tăng trưởng trong lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, nhưng hệ số sinh lời hoạt động (ROS) của doanh nghiệp vẫn giảm từ 0,1303 xuống còn 0,1240 (tỷ lệ giảm 4,82% so với năm 2022).
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2023 là 19.456.788 triệu đồng thể hiện doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng hệ số sinh lời hoạt động (ROS) cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp kém hiệu quả hơn so với năm 2022. Từ căn cứ trên, ta đi vào phân tích về kết quả kinh doanh của công ty, thông qua việc phân tích chi tiết các chỉ tiêu trên để đưa ra nhận xét khách quan nhất về tình hình kinh doanh của công ty.
2.2. Phân tích chi tiết
Các chỉ số luân chuyển thuần, doanh thu kinh doanh, lợi nhuận sau thuế và hệ số sinh lời từ hoạt động thu lãi và hoạt động dịch vụ đều tăng so với năm 2022. Tuy nhiên, các hệ số: Hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS), Hệ số sinh lời từ hoạt động trước thuế, Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh đều ghi nhận giảm; hệ số chi phí (Hcp) tăng nhẹ 0,63% so với năm 2022; và chi phí hoạt động khác ghi nhận tăng 30,18%. Lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2023 ghi nhận tăng 17,72% so với năm 2022, tuy nhiên, hệ số ROS giảm 4,82% so với năm 2022, vây nên doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hơn so với năm 2022.
Thứ nhất, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự năm 2023 so với năm 2022 tăng 27.576.771 triệu đồng (tương ứng 26,67%). Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi cho vay tăng 24.422.805 triệu đồng (tăng 26,44%) so với năm 2022. Ngoài ra, các khoản thu nhập khác cũng đều ghi nhận tăng trưởng, cụ thể: Thu nhập lãi tiền gửi tăng 1.293.709 triệu đồng (tăng 42,83%); Thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ tăng 1.229.425 triệu đồng (tăng 18,92%); Thu phí từ nghiệp vụ bảo lãnh tăng 478.403 triệu đồng (tăng 54,83%); Thu khác từ hoạt động tín dụng tăng 152.429 triệu đồng (tăng 24,09%) so với năm 2022. Điều đó cho thấy việc kinh doanh thu lãi từ tiền gửi, cho vay, đầu tư chứng khoán, kinh doanh, nghiệp vụ bảo lãnh và hoạt động tín dụng của ngân hàng đang hoạt động hiệu quả. Mặc dù năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và bất thường nhưng Vietinbank đã có hướng đi hợp lý để thích ứng với sự bất ổn của thị trường.
Thứ hai, chi phí lãi và các chi phí tương tự năm 2023 so với 2022 tăng 22.658.232 triệu đồng tương ứng với 40,08%. Nguyên nhân lớn nhất đến từ việc năm 2023 ngân hàng trả lãi tiền gửi, khoản chi phí trả lãi tiền gửi tăng 20.741.587 triệu đồng, tương đương giảm 43,22%.
Thứ ba, thu nhập lãi thuần năm 2023 tăng 4.918.539 triệu đồng, tương đương tăng 10,50% so với năm 2022. Nguyên nhân do tỷ lệ thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng ít hơn so với chi phí lãi và các chi phí tương tự so với năm trước.
Thứ tư, thu nhập từ hoạt động dịch vụ năm 2023 tăng 1.125.080 triệu đồng so với năm 2022, tương ứng với 13,42%. Nguyên nhân chủ yếu do thu từ dịch vụ khác ngoài thu nhập từ dịch vụ thanh toán và thu từ dịch vụ tư vấn, nghiệp vụ ủy thác và đại lý năm 2023 tăng 716.098 triệu đồng so với năm 2022, tương ứng tăng 19,47% so với năm 2022.
Thứ năm, chi phí hoạt động dịch vụ năm 2023 so với 2022 tăng 239.670 triệu đồng, tương ứng với 7,13%. Tuy nhiên, năm 2023, khoản chi về dịch vụ tư vấn, nghiệp vụ ủy thác và đại lý giảm 69.261 triệu đồng, tương đương giảm 97,59%. Bên cạnh đó, thu từ dịch vụ tư vấn, nghiệp vụ ủy thác và đại lý vẫn ghi nhận tăng 241.241 triệu đồng, tương ứng 26,61% so với năm 2022. Có thể thấy năm 2023, dịch vụ tư vấn, nghiệp vụ ủy thác và đại lý của Vietinbank hoạt động rất hiệu quả.
Thứ sáu, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2023 tăng 885.410 triệu đồng, tương đương tăng 17,63% so với năm 2022. Nguyên nhân do tỷ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng nhiều hơn so với chi phí hoạt động dịch vụ so với năm trước.
Thứ bảy, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối năm 2023 tăng 682.085 triệu đồng so với năm 2022, tương đương tăng 19,05%. Trong đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 1.574.944 triệu đồng, tương ứng tăng 21,95% so với năm 2022 và chi phí hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 892.859 triệu đồng, tương ứng tăng 24,83% so với năm 2022.
Thứ tám, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh năm 2023 ghi nhận lỗ 4.460 triệu đồng. Tuy nhiên, số lỗ này ít hơn 35.304 triệu đồng so với năm 2022, tương đương giảm lỗ 88,78% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí về mua bán chứng khoán kinh doanh năm 2023 của ngân hàng giảm mạnh 51.671 triệu đồng (tương ứng 90,77%) so với năm 2022.
Thứ chín, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư năm 2023 ghi nhận lỗ 18.962 triệu đồng. Khoản lỗ này ít hơn 50,23% so với năm 2022, tương đương giảm lỗ 19.141 triệu đồng. Năm 2023, chi phí về mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận mức giảm mạnh - giảm 97,93% so với năm 2022, tương đương giảm 113.572 triệu đồng. Năm 2022, Vietinbank hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư trị giá 57.502 triệu đồng, trái ngược năm 2022, năm 2023, Vietinbank đã trích lập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư trị giá 45.824 triệu đồng, do đó tạo chênh lệch giảm với năm trước đó khoản tiền 103.326 triệu đồng, tương đương 179,69% so với năm 2022.
Thứ mười, thu nhập từ hoạt động khác năm 2023 giảm nhẹ 320.376 triệu đồng, tương đương 4,38% so với năm 2022. Nguyên nhân giảm chủ yếu do thu nhập từ nợ xấu đã được xử lý giảm 717.150 triệu đồng, tương đương giảm 13,47% so với năm 2022.
Thứ mười một, chi phí hoạt động khác năm 2023 tăng 270.933 triệu đồng, tương ứng tăng 30,18% so với 2022. Trong đó, chi phí từ công cụ phái sinh khác là nguyên nhân lớn nhất khi tăng 460.974 triệu đồng, tương đương tăng 113,11% so với năm 2022.
Thứ mười hai, lãi thuần từ hoạt động khác năm 2023 giảm 591.309 triệu đồng, tương đương giảm 9,21% so với năm 2022. Nguyên nhân do các khoản chi phí hoạt động khác tăng nhiều nhưng các khoản thu nhập từ hoạt động khác lại giảm so với năm trước.
Thứ mười ba, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần năm 2023 biến động nhẹ khi ghi nhận tăng 87.115 triệu đồng, tương đương 16,12%.
Các mảng hoạt động như mua bán chứng khoán kinh doanh, mua bán chứng khoán đầu tư và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần có tác động không đáng kể đến lợi nhuận của Vietinbank.
Thứ mười bốn, chi phí hoạt động năm 2023 so với năm 2022 tăng 1.112.708 triệu đồng tương đương với 6,16%. Chủ yếu là do biến động của 2 khoản chi phí cho nhân viên và chi cho hoạt động quản lý công vụ. Cụ thể, chi phí cho nhân viên tăng 531.110 triệu đồng, tương đương tăng 5,12% so với năm 2022; chi cho hoạt động quản lý công vụ tăng 604.257 triệu đồng, tương đương tăng 15,14% so với năm 2022. Bên cạnh đó, các khoản chi phí nộp thuế và các khoản phí, lệ phí giảm mạnh 91,58% (tương đương 195.349 triệu đồng) so với năm 2022 và khoản chi phí dự phòng (không bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chi phí dự phòng rủi ro chứng khoán) năm 2023 ghi nhận tăng 48.664 triệu đồng, tạo chênh lệch 58.992 triệu đồng, tương đương 574,40% so với năm 2022. Ngoài ra các khoản Chi về tài sản và Chi nộp phí bảo hiểm tiền gửi của khách hàng biến động nhẹ, với chỉ số tăng lần lượt là 0,30% (tương đương 7.9277 triệu đồng) và 12,06% (tương đương 105.841 triệu đồng) so với năm 2022.
Thứ mười năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2023 ghi nhận đạt 49.185.947 triệu đồng, tăng 4.923.577 triệu đồng (tương đương tăng 11,12%) so với năm 2022. Trong đó đóng góp lớn nhất đến từ khoản thu nhập lãi thuần với 51.768.434 triệu đồng. Ngoài ra, các khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động khác và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng có đóng góp đáng kể đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietinbank với giá trị lãi thuần lần lượt là 5.907.887 triệu đồng, 5.831.666 triệu đồng và 4.262.766 triệu đồng.
Thứ mười sáu, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2023 ghi nhận giá trị 24.991.748 triệu đồng, tăng nhẹ 5,34% (tương đương 1.267.874 triệu đồng) so với năm 2022. Khoản chi phí này chiếm 18,19% tổng chi phí của Vietinbank trong năm 2023.
Thứ mười bảy, chi phí thuế TNDN năm 2023 ghi nhận 4.737.411 triệu đồng, tăng 726.574 triệu đồng (tương đương tăng 18,12%) so với năm 2022. Với lợi nhuận trước thuế TNDN là 24.194.199 triệu đồng, sau khi cộng/trừ các khoản thì thu nhập chịu thuế là 23.687.054 triệu đồng với thuế suất 20%. Năm 2023, lợi nhuận kinh doanh của Vietinbank tăng đã kéo theo chi phí thuế TNDN cũng tăng.
Thứ mười tám, lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2023 ghi nhận 19.456.788 triệu đồng tăng 2.929.129 triệu đồng (tương ứng 17,72%). Tuy nhiên, hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS) lại có xu hướng giảm so với năm 2022, chỉ số ROS giảm 0,0063, tương ứng giảm 4,82% so với năm 2022. Ngân hàng cần có chiến lược tốt hơn trong công tác quản lý chi phí, từ đó cải thiện chỉ số ROS.
3. Về các hệ số sinh lời
Thứ nhất, hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh năm 2023 là 0,3148 lần, giảm 0,0357 lần với tỷ lệ giảm 10,18% so với năm 2022. Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,3148 đồng lợi nhuận trước thuế, còn năm 2022, với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu về được 0,3505 đồng lợi nhuận trước thuế. Hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh giảm đi cho thấy dấu hiệu không tích cực trong khả năng sinh lời từ việc kinh doanh của ngân hàng, cần đề ra biện pháp để tối ưu hiệu quả kinh doanh của Vietinbank.
Thứ hai, hệ số sinh lời từ hoạt động thu lãi và hoạt động dịch vụ năm 2023 là 0,0864 lần, năm 2022 là 0,0798 lần, tăng 0,0066 lần (tương ứng tăng 8,30%) so với năm 2022. Hệ số sinh lời từ hoạt động thu lãi và hoạt động dịch vụ năm 2023 phản ánh với 1 đồng doanh thu từ hoạt động thu lãi và hoạt động dịch vụ, công ty bị thu được 0,0864 đồng lợi nhuận, còn năm 2022 hệ số sinh lời từ hoạt động thu lãi và hoạt động dịch vụ phản ánh với 1 đồng doanh thu bán hàng công ty thu được 0,0798 đồng lợi nhuận. Hệ số sinh lời hoạt động bán hàng tăng cho thấy hoạt động thu lãi và hoạt động dịch vụ của Vietinbank đang phát triển và hoạt động ngày càng tốt hơn.
Thứ ba, hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS) năm 2023 là 0,1240 lần, năm 2022 là 0,1303 lần, chỉ số ROS giảm 0,0063 lần với tỷ lệ giảm 4,82% so với năm 2022. Hệ số sinh lời hoạt động ròng năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,1240 đồng lợi nhuận sau thuế, còn năm 2022 hệ số sinh lời ròng phản ánh trong 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,1303 đồng lợi nhuận sau thuế. Hệ số sinh lời ròng giảm đi là dấu hiệu không tích cực, Vietinbank cần tối ưu công tác quản lý của ngân hàng để cải thiện chỉ số.
Thứ tư, hệ số sinh lời hoạt động trước thuế năm 2023 là 0,1542 lần, năm 2022 là 0,1619 lần giảm 0,0077 lần với tỷ lệ giảm 4,76%. Hệ số sinh lời hoạt động trước thuế năm 2023 phản ánh với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu được 0,1542 đồng lợi nhuận trước thuế, còn năm 2022, với 1 đồng luân chuyển thuần công ty thu về được 0,1619 đồng lợi nhuận trước thuế. Hệ số sinh lời hoạt động trước thuế giảm đi là dấu hiệu không tích cực, tuy Vietinbank vẫn có lãi nhưng vẫn cần có những giải pháp hợp lý để cải thiện khả năng sinh lời cho ngân hàng.
4. Về các hệ số chi phí
Thứ nhất, hệ số chi phí (Hcp) năm 2023 là 0,8757 lần, năm 2022 là 0,8702 lần, tăng 0,0055 lần với tỷ lệ tăng 0,63%. Hệ số chi phí năm 2023 cho biết để thu được 1 đồng luân chuyển thuần, công ty cần phải bỏ ra 0,8757 đồng chi phí, còn năm 2022 để thu được 1 đồng luân chuyển thuần, công ty cần bỏ ra 0,8702 đồng chi phí. Hệ số chi phí tăng 0,63% tạo ít ảnh hưởng đến lợi nhuận của Vietinbank. Tuy nhiên, Vietinbank vẫn cần giải pháp giảm hệ số chi phí để tăng khả năng sinh lời của vốn kinh doanh.
Thứ hai, hệ số giá vốn hàng bán (Hgv) năm 2023 là 0,5661 lần, năm 2022 là 0,5112 lần, tăng 0,0549 lần với tỷ lệ tăng 10,74%. Hệ số giá vốn hàng bán năm 2023 phản ánh để thu được 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,5661 đồng giá vốn, còn năm 2022 phản ánh để thu được 1 đồng doanh thu thuần, công ty phải bỏ ra 0,5112 đồng giá vốn. Hệ số giá vốn hàng bán tăng cho thấy Vietinbank cần cải thiện công tác quản lý giá thành, tránh gây lãng phí nguồn vốn, nhằm tăng lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ngân hàng cần có giải pháp hợp lý trong việc giảm giá vốn nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.
Kết luận:
Nhìn chung, kết quả hoạt động kinh doanh của Vietinbank trong năm 2023 có sự thay đổi kém đi so với năm 2022. Các hệ số sinh lời hoạt động ròng (ROS), hệ số sinh lời từ hoạt động kinh doanh, hệ số sinh lời hoạt động trước thuế đều giảm. Tuy doanh thu và lợi nhuận đều có xu hướng tăng nhưng ngoại trừ hệ số sinh lời từ hoạt động thu lãi và hoạt động dịch vụ có xu hướng tăng, còn lại đều giảm. Vietinbank cũng cần chú ý hơn tới hệ số chi phí và hệ số giá vốn hàng bán để cải thiện lợi nhuận và các hệ số sinh lời của ngân hàng.